Đường dẫn truy cập

Nhà báo Phạm Chí Dũng không kháng cáo, dân biểu Đức ‘bàng hoàng’


Nhà báo Phạm Chí Dũng tại phiên tòa ngày 5-1-2021 ở Tp. HCM. Photo YouTube Nguoi Lao Dong
Nhà báo Phạm Chí Dũng tại phiên tòa ngày 5-1-2021 ở Tp. HCM. Photo YouTube Nguoi Lao Dong

Sau khi hay tin nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng quyết định không kháng án bản án 15 năm tù và 3 năm quản chế, Dân biểu liên bang Đức Renate Künast bày tỏ sự bàng hoàng trước niềm vô vọng của tù nhân lương tâm vào nền công lý Việt Nam.

Hôm nay tôi bàng hoàng khi nhận tin ông không muốn đòi phúc thẩm bản án vô nhân đạo vì ông không còn chút hy vọng nào về một phiên xử công bằng tại quốc gia Việt Nam này.
Dân biểu Künast

“Hôm nay tôi bàng hoàng khi nhận tin ông không muốn đòi phúc thẩm bản án vô nhân đạo vì ông không còn chút hy vọng nào về một phiên xử công bằng tại quốc gia Việt Nam này”, Dân biểu Künast viết trong một thông cáo bằng tiếng Đức hôm 26/1 và được tổ chức VETO! Mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền dịch sang Việt ngữ và gửi cho VOA hôm 27/1.

Dân biểu Đức cho biết thêm: “Tuyên bố của ông cho thấy rõ tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đang thảm hại thế nào và chúng ta - cộng đồng Quốc tế - không được phép ngừng nghỉ trong việc đòi hỏi cho nhân quyền phải được tôn trọng”.

Hôm 24/1, Việt Nam Thời báo, trang tin của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) do ông Phạm Chí Dũng làm chủ tịch, viết: “Tiên liệu rằng việc kháng cáo cũng sẽ không làm thay hiện trạng của bản án đã tuyên, ông Dũng đã tuyên bố sẽ không kháng cáo ngay trong buổi tiếp xúc đầu tiên với các luật sư bào chữa sau phiên xử án. Tuy nhiên ông Phạm Chí Dũng đã khuyên hai đồng sự ông Nguyễn Tường Thuỵ và ông Lê Hữu Minh Tuấn nên kháng cáo”.

Trước đó, hôm 18/1, từ trại giam Chí Hòa, ông Dũng đã ra tuyên bố không kháng cáo: “Tôi hiểu đây là một bản án đã được định sẵn cho chúng tôi để bóp nghẹt tự do báo chí ở Việt Nam”.

“Không kháng cáo bản án không phải là chấp nhận bản án bất công và rất nặng nề này … Hãy để bản án này cho thế giới thấy cái gọi là tự do nhân quyền, tự do báo chí ở Việt Nam là như thế nào”, theo tuyên bố của ông Dũng được trang Việt Nam Thời báo đăng tải.

Mỹ, EU chỉ trích bản án ‘khắc nghiệt’ đối với ba nhà báo độc lập Việt Nam
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:41 0:00

Từ Đức, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Điều hành của tổ chức nhân quyền VETO! Mạng lưới Những người Bảo vệ Nhân quyền, nói với VOA:

“Ông Phạm Chí Dũng là một trường hợp điển hình cho việc vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam”.

“Trước khi bị bắt, ông Dũng đã gửi một số kiến nghị cho Nghị viện Châu Âu trong giai đoạn Nghị viện Châu Âu đang xét thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA)”.

Ông Vũ Quốc Dụng cho biết Dân biểu Renate Künast đã bảo trợ cho ông Phạm Chí Dũng từ tháng 10/2020 và đưa ông Dũng vào chương trình Dân biểu bảo vệ cho Dân biểu của Quốc hội Đức.

Hôm 28/1, từ Hà Nội, bà Phạm Thị Lân, vợ của ông Nguyễn Tường Thuỵ cho VOA biết rằng bà sẽ vào thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29/1 để tìm hiểu xem chồng bà có quyết định kháng cáo bản án 11 năm tù và 3 năm quản chế của ông hay không.

Trang Việt Nam Thời báo loan báo rằng ông Lê Hữu Minh Tuấn, người cũng bị kết án 11 năm tù và 3 năm quản chế, sẽ kháng cáo.

Hôm 21/1, Nghị viện Châu Âu thông qua nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với việc bắt giữ tùy tiện và kết án đối với ba nhà báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam; kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay và vô điều kiện cho ba ông, cũng như tất cả những nhà báo khác - những người bảo vệ nhân quyền, môi trường, những nhà hoạt động công đoàn, các tù nhân lương tâm bị bắt giữ và chịu án tù chỉ vì thực thi quyền tự do biểu đạt.

Thông cáo của các nghị viên Châu Âu tái khẳng định rằng việc tôn trọng nhân quyền cấu thành một nền tảng chính yếu cho những quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU và là một yếu tố quan trọng của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).

Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu cũng kêu gọi Việt Nam sửa đổi các điều khoản mang tính đàn áp trong luật hình sự, đáng lưu ý là điều 117, 118 và 331 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG