Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Báo cáo nhân quyền của EU ‘không phản ánh đúng thực tế’


Cơ quan Đối ngoại châu Âu cho rằng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đang ngày càng phải đối mặt với việc kiểm duyệt tùy tiện của chính quyền khi chia sẻ quan điểm trực tuyến.
Cơ quan Đối ngoại châu Âu cho rằng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đang ngày càng phải đối mặt với việc kiểm duyệt tùy tiện của chính quyền khi chia sẻ quan điểm trực tuyến.

Việt Nam hôm 24/6 nói báo cáo nhân quyền vừa mới công bố của Cơ quan Đối ngoại Liên minh châu Âu là “chưa khách quan” và “không phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam”.

“Như đã nhiều lần khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người”, truyền thông Việt Nam dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ trong ngày.

Trước đó vào ngày 21/6, Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) công bố “Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2020”, trong đó ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại lao động trẻ em và trong việc thúc đẩy bình đẳng giới nhưng những vi phạm về quyền dân sự và chính trị vẫn tiếp diễn.

“Đặc biệt đáng lo ngại là mức độ nghiêm trọng của những hạn chế và việc tuyên án trong các vụ việc liên quan đến thực hành quyền tự do ngôn luận trên mạng và trên thực tế”, báo cáo của EEAS nói. “Người dùng truyền thông xã hội ngày càng phải đối mặt với việc kiểm duyệt tùy tiện khi chia sẻ những quan điểm chính yếu trực tuyến”.

Cơ quan của châu Âu cũng đề cập đến việc chính phủ Việt Nam bắt buộc các công ty truyền thông xã hội quốc tế lớn (như Google, Facebook…) phải đóng tài khoản hoặc những nội dung phê bình chính phủ. Theo EEAS, điều này “tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại”.

Phản ứng trước những nhận định trên, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 24/6 khẳng định tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam vẫn được thể hiện rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và nội dung của báo chí Việt Nam, và có đến hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng mạng Internet và mạng xã hội quốc tế và trong nước.

“Tại Việt Nam, không ai bị bắt giữ, xét xử chỉ vì ‘bày tỏ chính kiến’, ‘bảo vệ nhân quyền’”, truyền thông Việt Nam dẫn lời người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Trong khi đó, báo cáo của EEAS nói trong năm 2020, nhiều blogger, nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền đã bị bắt hoặc bị kết án tại Việt Nam, và chính phủ “kiểm soát truyền thông và những hạn chế về tự do biểu đạt cả trên mạng lẫn thực tế vẫn tiếp diễn”.

Một báo cáo nhân quyền khác công bố hôm 20/6 của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR) cũng cho biết hiện có 288 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam và 79 người đã bị chính quyền bắt giữ trong năm qua, trong đó có ít nhất 46 người bị bắt và truy tố tính đến ngày 31/5 sau khi “bày tỏ quan điểm chính trị của họ thông qua mạng xã hội”.

Tại cuộc họp báo ngày 24/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói Việt Nam sẵn sàng trao đổi, hợp tác với EU trong vấn đề nhân quyền trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng thông qua cơ chế đối thoại nhân quyền thường niên và các khuôn khổ trao đổi song phương khác.

Việt Nam hiện bị xếp thứ 175 trong số 180 quốc gia trên thế giới trong bảng xếp hạng về “Chỉ Số Tự Do Báo Chí năm 2020” do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố hồi cuối tháng 4.

VOA Express

XS
SM
MD
LG