Tết năm ngoái, Tân Sửu 2021, vì Covid-19 nên không ai dám gặp gỡ nhau ở chỗ đông người. Năm nay phải “ăn” hai cái Tết Covid liền, mới nhận ra nhiều thứ thay đổi quá. Không mời được ai đến “xông nhà,” cũng không ai mời mình. Không phải lo tiếp khách và không cần đi thăm nhiều họ hàng trong ba ngày Tết. Không dự tiệc tùng, nếu có thì rất ít thực khách. Đi thăm mộ thì không sao, vì ở ngoài trời và người thưa thớt; nhưng tới lễ chùa thì bịt miệng cho kín, lễ Phật cúng vong rồi về ngay.
Có lẽ “Ăn Tết” như vậy cũng hay! Có nhiều tục lệ giảm bớt được, từ nay có thể cứ giản dị như thế. Covid-19 thay đổi kinh tế, thay đổi chính trị, có thể sẽ thay đổi cả lối sống – ít nhất là của người Việt sống ở nước ngoài!
Năm nay tôi vẫn cố gắng giữ các tục lệ ngày Tết, đã tập theo từ tấm bé. Ngày cuối năm, hút bụi, lau nhà, quét sạch cái sân, tắm gội. Rồi lau bàn thờ, bầy mâm trái cây, cắm hoa, thắp nhang đón ông bà, tổ tiên về cùng đón chào năm mới. Ngửi mùi nhang thơm biết rằng mình chưa mắc bịnh! Ngày Mùng Một, gọi và nghe điện thoại chúc mừng, suốt ngày ái ngữ. Ít nói, không nói chuyện dông dài, cũng là một thói quen nên giữ mãi! Con cháu đến thăm đều bịt miệng, giảng cho các cháu nghe về lễ tổ tiên, trao phong bao lì xì, cũng đứng cách xa nhau một mét rưỡi!
Ngày Tết, tôi vẫn giữ thói quen “bói sách,” giống như các cụ ngày xưa bói Kiều. Nhìn lên kệ sách, rút ra một cuốn, lật mấy trang, thấy mấy chỗ mình đã đánh dấu màu vàng màu đỏ, ngồi xuống đọc. Tết năm nay, tôi vớ được cuốn sách viết về Épictète, của Arrien do Pierre Hardot dịch và chú giải. Épictète (viết là Epictetus trong tiếng Anh) là một triết gia sống vào cuối thế kỷ thứ nhất. Nghe ông dạy: “Đừng ham muốn cũng đừng ghét bỏ những gì không tùy thuộc mình.” Một lời khuyên hữu ích khi ăn Tết với Covid! Loài vi khuẩn corona đúng là hoàn toàn độc lập với loài người!
Bà mẹ Épictète là nô lệ nên khi sinh ra ông đã chịu cùng số phận. Chủ nhân là Épaphrodite ở Roma, một cận thần của Neron và tàn bạo không kém, cũng hãnh diện vì trong tài sản của mình có cả mấy triết gia. Có lần Épaphrodite bầy trò giải trí, sai người bẻ cẳng chân của Épictète coi cho vui. Sử gia đời sau kể: “Không hề sợ hãi, Épictète cười dọa ông chủ, ‘Bẻ là nó gẫy à!’” Chắc để khuyến cáo ông chủ đừng phí phạm, làm gãy một vật sở hữu của mình. Khi cẳng chân bị bẻ thật, Épictète nói: “Tôi đã bảo là nó sẽ gãy mà!”
Épictète thuộc “Trường phái Zenon” hay “Trường phái Stoa,” chủ trương chỉ có các giá trị tinh thần đáng kể, bỏ qua hết các thú vui vật chất. Stoicism, thường dịch là phái Khắc Kỷ, được gọi tên như vậy, vì triết gia khai sáng Zenon thường ngồi dạy học trong công trường Agora, dưới Cái Cổng Lớn, Stoa trong tiếng Hy Lạp.
Câu chuyện có thể đã được tô vẽ thêm khi sử gia kể lại, chứng tỏ Épictète, bình thản dù chân bị bẻ gãy, đã sống đúng như chủ trương của mình. Các triết gia Hy Lạp thường sống theo những điều họ nói. Đời sau thường chỉ học mà không noi gương họ sống giản dị, bớt ham muốn, không tích lũy của cải, không đi tìm địa vị, danh vọng. Có lẽ vì sống “khắc kỷ” như các triết gia rất khó. Cho nên suốt hai ngàn năm qua loài người học về Trường phái Stoa như một môn triết học rất đáng kính trọng; nhưng không thành một nếp sống cho nhiều người chuyên cần thực tập.
Đặc biệt, Épictète cũng khuyên người ta nên dứt bỏ ái dục, apatheia, để tâm được bình an, “tìm đường thoát khổ” giống như đạo Phật. Các triết gia phái Stoa còn khuyến cáo nên tập “sống trong hiện tại” như phong trào “sống tỉnh thức” (mindfulness) đang được phổ biến bây giờ.
Marcus Aurelius tự khuyên mình không nên mơ tưởng về quá khứ, đừng lo sợ các bất hạnh trong tương lai, “Hãy chú tâm đến tình trạng bây giờ,” nắm lấy giờ phút hiện tại.” Các vị thiền sư cũng nói không khác gì!
Hôm trước Tết, cô phát thư đem tới cho tờ báo The Economist tuần này. Mở ra trang chót thấy bài về Thiền Sư Thích Nhất Hạnh qua đời. Từ 1980, khi đọc báo này hàng tuần, tôi mới thấy họ viết về hai người Việt Nam trong mục “Obituary.” Người đầu tiên là Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, trong số báo ngày 13 tháng 10 năm 2012. Bài “cáo phó” đó mở đầu với cảnh Nguyễn Chí Thiện đột nhập tòa đại sứ Anh quốc ở Hà Nội vào năm 1979, vật lộn với mấy người lính gác, đưa được tập bản thảo 400 bài thơ cho mấy nhân viên sứ quán. Rồi kể tiếp, nỗi vui mừng của thi sĩ như ông đã kể trong cuốn Hỏa Lò, khi có lần bị hỏi cung nhìn thấy tập thơ “Hoa Địa Ngục” của mình, xuất bản ở nước ngoài, do mấy viên công an đưa ra để hạch tội. Tập thơ đã được dịch ra hàng chục ngôn ngữ, được trao một giải thi ca quốc tế.
Bài báo gần 1,200 chữ của tờ Economist kể nhiều sự kiện về Thích Nhất Hạnh không thấy các báo khác ở Mỹ nhắc đến. Thí dụ, ông lớn lên trong cảnh người Pháp còn cai trị Việt Nam. Trong thời chiến tranh lính Pháp đã đột nhập vào ngôi chùa ông ở, bắn chết mấy nhà sư. Lớn lên, ông đã bỏ Phật Học Viện vào học các môn thế tục tại Đại học Sài Gòn. Ông là một trong mấy vị sư đầu tiên đi xe đạp, phải vén, ghim chặt vạt áo tràng khi đạp xe. Ông không theo phe nào trong cuộc chiến tranh Nam Bắc. Sau năm 1975 ông là người đầu tiên tổ chức cứu người vượt biển (rồi bị trục xuất vì Việt Cộng làm áp lực với chính phủ Singapore). Tờ báo còn nói ông muốn thấy một loại đồng hồ mà mỗi con số giờ chỉ là một chữ “NOW.” Sự thật thì ước muốn đó đã được thực hiện hàng chục năm trước đây.
Mở đầu, báo The Economist giới thiệu Thích Nhất Hạnh như, “người cha đẻ của sống tỉnh thức …” Khi đọc trên các bài trên The Wall Street Journal, New York Times, Los Angeles Times, các bản tin AP và Reuters, tôi vẫn không đồng ý lối gọi Thầy Nhất Hạnh là “cha đẻ của sống tỉnh thức,” ở Mỹ. Nhiều vị đạo sư và đạo sĩ Ấn Độ và thiền sư Á châu đã truyền bá phương pháp tu học này ở Mỹ hàng trăm năm trước.
Nhưng giữa bài Obituary, báo The Economist giới thiệu Bát Chánh Đạo, trong đó có Chánh Niệm: “Trong cuộc sống hàng ngày ông vừa đi vừa theo dõi hơi thở… trong mỗi bước đi bàn chân ông như đang hôn mặt đất; ông nhìn mỗi trái cam như một phép lạ…; tay ông rửa cái tô ăn cơm dịu dàng như đang tắm cho một hài đồng…”
Tờ báo ghi nhận “Những thực tập hàng ngày này đã tạo thành một phong trào Phật Giáo tích cực nhất trong thế kỷ 21.” Họ đã nêu ra một sự thực. Nhiều vị thiền sư đã dạy người Âu Mỹ sống tỉnh thức nhưng thường không nhấn mạnh đến chi tiết. Thích Nhất Hạnh là “cha đẻ” của một phong trào mới, vì đã thúc đẩy mọi người sống tỉnh thức với những hành động cụ thể trong đời sống mỗi ngày.
Triết gia Khắc Kỷ Marcus Aurelius khuyên con người, “Hãy nắm lấy giờ phút hiện tại.” Nhưng chắc ông, một vị hoàng đế La Mã, không mấy khi rửa chén. Cho nên ông lỡ dịp không đẻ ra một phong trào rửa chén!
Ngày mùng một Tết năm nay, một cậu cháu tôi tình nguyện rửa chén cho cả nhà. Đang làm việc thì cháu bị con dao cứa đứt tay, Zuri mới lên 17 tuổi. Tôi xin thay thế. Đưa ngón tay vuốt từng đôi đũa, từng cái muỗng; tắm táp cho các chén, đĩa; thở và nhìn dòng nước chảy trong vắt sủi bọt. Đây là công việc duy nhất trong đời sống lúc này. Chăm chú làm công việc mình đang làm, ăn Tết với Covid hay không có Covid cũng như nhau.