Đường dẫn truy cập

Sau COVID, doanh nghiệp Việt chật vật tìm lao động  


Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)
Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)

Đại dịch Covid tại Việt Nam đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính sách ‘sống chung với dịch’ và việc gỡ bỏ hoàn toàn những lệnh phong toả hay các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt trước kia giúp cuộc sống trở lại bình thường. Vào thời điểm này, Việt Nam cũng đang bước vào mùa du lịch biển. Khách quốc tế đang dần trở lại Việt Nam sau 2 năm đại dịch, hứa hẹn nguồn thu từ lĩnh vực quan trọng này sẽ góp sức phục hồi dần nền kinh tế.

Tuy vậy, nhiều chủ khách sạn, resort nghỉ dưỡng trên cả nước cho biết đang lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng, dù tất cả các địa phương đã mở cửa trở lại và việc đi lại không còn phải hạn chế.

Chị Nguyễn Thuý Hằng, chủ chuỗi khách sạn 4 sao ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay các khách sạn của chị cũng như nhiều công ty taxi trong thành phố hiện không thể tìm được lao động.

“Đăng tuyển các nơi mà chúng tôi không thể tìm được nhân sự cho các hoạt động như dịch vụ phòng, bếp hay thậm chí cả bảo vệ cũng không thể tuyển được luôn. Căng lắm vì nếu không đủ nhân sự mà mình vẫn cho chạy thì các dịch vụ của mình nó không tốt được”, chị Hằng chia sẻ với VOA.

Không hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cần nhiều lao động, chị Nguyễn Thu Huyền, chủ một công ty lớn về truyền thông, cho biết doanh nghiệp của chị cũng cùng chung cảnh ngộ dù chị đã tìm mọi cách, đưa ra nhiều ưu đãi cao để lôi kéo nhân viên từ các cơ quan báo chí nhà nước hay các doanh nghiệp khác.

“Không tuyển được nhân viên luôn. Nhân viên bây giờ buồn cười lắm. Có những đứa nó đang làm với mình thì nó nhảy sang học về digital vì lĩnh vực đấy đang hot tại Việt Nam, thế là người người digital, nhà nhà digital…Xong hồ sơ là nhảy việc liên tục, vài ba tháng các bạn lại nhảy một chỗ...Thế là mình quyết định sử dụng cộng tác viên ở ngoài, chả phải nuôi, làm theo job, chứ không lao vào tuyển dụng. Nhưng thực sự thì đến lúc mình cũng phải tìm, thì tìm không ra,” chị Huyền cho biết.

Theo chị Hằng thì do dịch kéo dài và lệnh phong toả-hạn chế đi lại áp dụng quá lâu nên sau khi các lao động về quê, họ đã quen với cuộc sống tại địa phương trong khi tại các thành phố thì giá cả leo thang, tình hình công việc và thu nhập chưa chắc chắn nên ít ai muốn quay trở lại thành phố làm việc ngay vào thời điểm này.

“Ngay trong đợt dịch, dù mình có hỗ trợ cho các bạn nhưng các bạn vẫn bỏ về quê vì các bạn sợ quá. Và khi họ đã về quê và ở 2 năm rồi thì họ không còn muốn lên lại nữa,” chị nói.

Đồng tình với nhận định này, chị Huyền cho biết thêm: “Họ không lên lại vì họ sợ chứ. Cả đợt dịch vừa rồi họ sợ quá đi chứ. Họ ở nhà họ làm việc vớ vẩn cũng còn có cái ăn. Bây giờ lên ví dụ như lên thành phố Hồ Chí Minh thì cái gì cũng đắt đỏ mà tiền kiếm không ra nên họ sợ. Trong khi chỉ thời gian trước thôi, xóm trọ nào cũng có người chết. Có xóm chết cả xóm ấy. Khiếp lắm.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG