Đường dẫn truy cập

Việt, Nhật tìm cách giảm gánh nặng tài chính cho ‘thực tập sinh kỹ thuật’


Lao động Việt Nam ở Nhật Bản (Ảnh chụp màn hình VnEconomy)
Lao động Việt Nam ở Nhật Bản (Ảnh chụp màn hình VnEconomy)

Các cơ quan chức năng của Việt Nam và Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho công dân Việt Nam đến Nhật Bản theo diện thực tập sinh kỹ thuật, NHK đưa tin hôm 7/6.

Theo hãng truyền thông Nhật, số lượng thực tập sinh kỹ thuật người Việt chiếm phần lớn, đến 58% trong tổng số thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, tương đương hơn 160.000 người, tính đến cuối năm ngoái.

Để sang Nhật Bản làm việc theo diện này, các thực tập sinh Việt Nam phải trả số tiền lớn so với thu nhập bình quân của họ. Họ thường phải trả mức phí khoảng 3.800 USD đến 7.600 USD trước khi đến Nhật Bản, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Các khoản phí bao gồm khoản thanh toán cho những tổ chức được chỉ định đưa thực tập sinh sang Nhật Bản, các chi phí liên quan đến việc học tiếng Nhật và phí cho các đại lý giúp họ tìm việc làm tại Nhật Bản.

Các đại lý môi giới theo kiểu “xuất khẩu lao động” này rất phổ biến tại Việt Nam và họ tính phí người tìm việc đến hơn 1.500 đô la, vẫn theo NHK.

Tất cả những chi phí đắt đỏ trên đã khiến nhiều thực tập sinh người Việt buộc phải vay nợ, thế chấp nhà cửa để có thể sang Nhật làm việc.

Với gánh nặng nợ nần trên, nhiều thực tập sinh đã phải nhẫn nhục chịu đựng khi bị các chủ lao động hoặc đồng nghiệp đối xử tàn tệ, thậm chí tấn công bằng vũ lực, mà không dám báo cáo cho giới hữu trách. Trường hợp một thực tập sinh người Việt bị đồng nghiệp bắt nạt, đánh đập đến gãy răng, gãy xương sườn vào năm ngoái khi đang làm việc cho công ty xây dựng Six Create ở thành phố Okayama là một vụ điển hình.

Chính phủ Nhật Bản hôm thứ Ba đã thu hồi giấy phép của một tổ chức trung gian, Okayama Sangyo Gijutsu Kyodo Kumiai, nơi chuyên giới thiệu thực tập sinh nước ngoài cho các công ty chủ quản, vì tổ chức này đã không ngăn chặn được hành vi xâm hại thể chất đối với thực tập sinh người Việt trên. Tổ chức này đã bị cấm giới thiệu thực tập sinh nước ngoài cho các công ty trong 5 năm, theo hình phạt hành chính do Bộ Tư pháp và Lao động Nhật Bản đưa ra.

Theo NHK, hiện các quan chức Nhật Bản và Việt Nam đang có kế hoạch triển khai một hệ thống cho phép thực tập sinh truy cập miễn phí vào các quảng cáo việc làm và các thông tin khác tại Nhật Bản.

Hệ thống đang được xem xét là một ứng dụng điện thoại thông minh, trong đó liệt kê các điều kiện làm việc tại các nhà tuyển dụng Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh, cũng như thông tin chi tiết về các tổ chức phái cử tại Việt Nam. Hệ thống này dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng thử nghiệm vào đầu năm sau.

Nhật Bản bắt đầu nhận thực tập sinh kỹ thuật từ các nước đang phát triển vào năm 1993 dưới hình thức được mô tả là để “chuyển giao công nghệ” cho các nước đó trong các ngành như nông nghiệp, xây dựng và chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, chương trình này đã vấp phải nhiều chỉ trích vì tạo cơ hội cho tình trạng bóc lột lao động và bị cáo buộc là vỏ bọc cho các công ty nhập khẩu lao động giá rẻ từ các nước châu Á khác.

VOA Express

XS
SM
MD
LG