Đường dẫn truy cập

Bốn tổ chức NGO trình bày kiến nghị về Việt Nam trước kỳ UPR


Một phiên họp Pre-session ngày 13/2/2024. Photo UPR Info.
Một phiên họp Pre-session ngày 13/2/2024. Photo UPR Info.

Hôm 13/2, các tổ chức phi chính phủ quốc tế trình bày đề xuất và cung cấp các thông tin cần thiết để nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc chuẩn bị cho tiến trình rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam, dự kiến diễn ra vào tháng 5.

Phát biểu tại buổi họp tập hợp kiến nghị kỳ 46 (Pre-session 46) hôm 13/2 tại Geveva, Thụy Sĩ, đại diện của tổ chức Văn Bút Mỹ (PEN America), Văn Bút Quốc tế, và Trung tâm Văn Bút Việt Nam Hải ngoại đề xuất chính quyền Việt Nam nâng cao nhận thức về quyền tự do ngôn luận cho giới nghệ sĩ và nhà văn, đồng thời kêu gọi Việt Nam thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, theo văn bản của tổ chức UPR Info, cơ quan tổng hợp các ý kiến cho Nhóm làm việc UPR.

“Nhà chức trách tiếp tục bắt giữ, buộc tội và bỏ tù các nhà văn, nhà báo và nhà hoạt động vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Trong số những người bị giam giữ có 18 nhà văn và 37 nhà báo”, thông cáo ra cùng ngày của Văn Bút Mỹ cho biết.

Đại diện Văn Bút Mỹ phát biểu tại buổi họp ở Geneva, ngày 13/2/2024.
Đại diện Văn Bút Mỹ phát biểu tại buổi họp ở Geneva, ngày 13/2/2024.

Sự kiện này là được xem là một bước quan trọng trong quy trình UPR, tạo cơ hội cho các quốc gia thảo luận về các vấn đề nhân quyền và chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất trước khi bước vào phiên họp chính thức dự kiến diễn ra vào này 7/5/2024, vẫn theo UPR Info.

Nhóm Văn Bút đề nghị sửa đổi luật pháp hiện hành để đảm bảo phù hợp với quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư, trong đó có sửa đổi Điều 109, 117 và 331 Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015.

Tương tự, tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) có văn phòng tại Mỹ, đơn vị quản lý trang Luật khoa Tạp chí và The Vietnamese, cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam sửa đổi luật pháp để bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

“Những điều luật này đã được áp dụng không chỉ chống lại các nhà hoạt động chính trị và những người bất đồng chính kiến mà cả những công dân bình thường, cho thấy chính phủ kiểm soát chặt chẽ quyền tự do ngôn luận”, bà Vi Trần, đồng sáng lập viên của LIV, nêu ý kiến trong văn bản gửi Nhóm làm việc của LHQ.

Liên minh Bài trừ Nô lệ Tân thời ở Á Châu (CAMSA) có trụ sở tại Mỹ nêu lên mối lo ngại về nạn buôn người, tự do tín ngưỡng và quyền của người bản địa ở Việt Nam. Trong số các khuyến nghị của mình, CAMSA kêu gọi Việt Nam phê chuẩn Công ước về Bộ lạc và Dân tộc Bản địa, một công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hay còn gọi là Công ước ILO 169.

Ông Percy Nguyễn, đại diện của CAMSA, phát biểu rằng Việt Nam vẫn không thừa nhận việc những người lao động nhập cư bị biến thành nạn nhân của nạn buôn người và bị bóc lột lao động cưỡng bức, trong khi quốc gia này thiếu quy trình và cơ chế để xác định và nhận biết nạn nhân của nạn buôn người, vẫn theo UPR Info.

Hiệp hội Nhân quyền và Phát triển Khmer Kampuchea Krom và 6 nhóm tổ chức phi chính phủ KKK nêu lên quan ngại về quyền của người thiểu số ở Việt Nam. Trong số các khuyến nghị của mình, họ kêu gọi thúc đẩy và bảo vệ quyền tôn giáo ở Việt Nam.

Ông Sơn Chun Chuon, đại diện cho nhóm này phát biểu: “Chính phủ Việt Nam vẫn hạn chế việc thực hành tôn giáo thông qua các biện pháp như ban hành luật lệ, ra yêu cầu đăng ký, sách nhiễu và giám sát”.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về các kiến nghị trên, nhưng chưa được phản hồi.

Theo trang UPR Info và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, các phiên họp loại pre-session được giới thiệu vào năm 2012, khi bắt đầu chu kỳ II của UPR, với mục đích cung cấp cho các tổ chức nhân quyền quốc gia (NHRI) và các tổ chức xã hội dân sự (CSO) một nền tảng quốc tế để họ có thể thông báo cho đại diện của các quốc gia mà họ muốn đưa ra đề xuất về tình hình nhân quyền ở nước đó trước khi tiến hành phiên UPR chính thức.

Tại một cuộc hội thảo vào tháng 11/2023, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt phát biểu rằng Việt Nam rất “coi trọng” tiến trình cơ chế UPR và “luôn bảo đảm sự tham gia của tất cả các bên liên quan trên nguyên tắc minh bạch, hợp tác, đối thoại thực chất và xây dựng”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG