Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 25/4 lên tiếng phản bác báo cáo nhân quyền mới công bố của Mỹ là “không khách quan” và “dựa trên thông tin không chính xác” về tình hình ở Việt Nam, vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo nhân quyền 2023 nói rằng chính quyền Việt Nam vẫn không có tiến bộ về nhân quyền và “đàn áp xuyên quốc gia”.
“Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/4 đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế ở Việt Nam”, Tuổi Trẻ dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói trong buổi họp báo ngày 25/4.
Trong báo cáo dài 59 trang, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua không có thay đổi đáng kể nào, và chính quyền Việt Nam đã giam giữ ít nhất 187 người vì hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, trong đó có 162 người bị kết án và 25 người đang bị tạm giam chờ xét xử.
Báo cáo cũng đề cập đến 25 trường hợp bị bắt giữ và 23 người bị kết án trong năm 2023 chỉ vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội qua việc viết blog trực tuyến, nhưng lại bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” (Điều 117 Bộ Luật Hình sự) và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” (Điều 331 Bộ Luật Hình sự).
Tại buổi họp báo ngày 25/4, bà Phạm Thu Hằng cho rằng các quyền và tự do cơ bản của con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và cũng được thực hiện trên thực tiễn.
“Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó coi con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước”, VnExpress dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Bà Hằng nói thêm rằng phía Việt Nam “đã, đang và sẽ trao đổi thẳng thắn, cởi mở trên cơ sở xây dựng với Mỹ về những vấn đề còn khác biệt để tăng cường hiểu biết, qua đó đóng góp tích cực hơn nữa vào quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước”.
Những phát biểu của đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam được đưa ra sau khi báo Công An Nhân Dân đăng bài viết phản bác báo cáo nhân quyền năm 2023 của Mỹ, nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ “tiếp tục đưa ra những thông tin phiến diện, sai lệch, thiếu khách quan” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và cho rằng “đây là điều đáng tiếc khi hai quốc gia đang nỗ lực tăng cường hợp tác, tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng những đặc thù, khác biệt để cùng tìm ra tiếng nói chung trong lĩnh vực quyền con người, xóa bỏ những áp đặt và tránh chính trị hóa các vụ việc hành chính, hình sự”.
Bài báo nói những người mà phía Mỹ cho là “các nhà hoạt động chính trị”, “nhà bảo vệ nhân quyền” như Lê Anh Hùng, Phan Tất Thành... đều là những “đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật”, bị bắt giữ, điều tra, và đưa ra xét xử, tuyên phạt với những bản án “đúng người, đúng tội”.
Trong phiên họp cấp cao của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, diễn ra từ 26/2 - 5/4/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã lên tiếng kêu gọi các nước ủng hộ để Việt Nam tái ứng cử làm thành viên của hội đồng nhiệm kỳ 2026-2028, sau khi được lần đầu tiên trở thành thành viên của hội đồng này trong nhiệm kỳ 2023-2025.
Diễn đàn