Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 5/2 kêu gọi các lãnh đạo và cơ quan chính phủ chuẩn bị ứng phó với một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu có thể xảy ra và ảnh hưởng đến xuất khẩu, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
Lời kêu gọi của ông Chính được đưa ra tại một phiên họp thường kỳ của chính phủ tại Hà Nội, trong đó thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, bao gồm việc chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới trước những diễn biến khó lường, có khả năng làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hẹp thị trường đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Chúng ta cần cân nhắc các kịch bản tiềm ẩn và chuẩn bị các giải pháp để ứng phó nhanh chóng và hiệu quả”, Vietnam News dẫn lời ông Chính nói. “Chúng ta tuyệt đối không được thụ động, mất cảnh giác hoặc bỏ lỡ các cơ hội và động lực tốt cho tăng trưởng”.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra đề xuất tăng cường các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực mới, mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm.
Ông cũng lưu ý đến thị trường Trung Đông và Nam Mỹ là những thị trường mà Việt Nam cần phải chú trọng trong tương lai.
Những phát biểu của ông Chính được đưa ra cùng ngày Hoa Kỳ công bố dữ liệu cho thấy thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong năm 2024, khiến Việt Nam càng có nguy cơ bị tân chính quyền ở Washington nhắm tới trong việc áp đặt thuế quan để cân bằng thương mại.
Reuters dẫn các dữ liệu cho thấy Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mexico về quy mô mất cân bằng thương mại với Mỹ.
Hôm 4/2, Hoa Kỳ đã áp đặt mức thuế bổ sung 10% lên tất cả các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đã ngay lập tức phản ứng, trong khi ông Trump cũng đe dọa EU bằng các khoản thuế mới. Mexico và Canada hôm 4/2 đã được hoãn áp dụng khoản thuế 25% mới sau khi hai nước này cam kết sẽ tăng cường bảo vệ biên giới để trấn áp hoạt động di cư bất hợp pháp và nạn buôn lậu ma túy.
Việt Nam được xem là một trong những quốc gia tiếp theo có thể sẽ nằm trong tầm ngắm về thuế quan của chính quyền Trump khi có mức thặng dư tăng hàng năm gần 20%, vào năm 2024 lên mức kỷ lục vượt quá 123 tỷ đô la, theo số liệu mới của Mỹ.
Quốc gia Đông Nam Á mới đây đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 8% cho năm 2025, nhưng mục tiêu này có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu Washington áp đặt thuế quan cao hơn đối với hàng hóa Việt Nam.
Hoa Kỳ hiện nay là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đóng góp gần 30% tổng doanh thu xuất khẩu, theo dữ liệu từ Bộ Công thương Việt Nam.
Theo đánh giá của một số chuyên gia được Tuổi Trẻ trích dẫn, mức thuế quan cao hơn của Mỹ sẽ làm giảm sức cạnh tranh trong các ngành chủ chốt của Việt Nam như dệt may, giày dép, đồ nội thất và đồ điện tử.
Việt Nam xuất khẩu khoảng 35 tỷ đô la hàng dệt may và giày dép sang Hoa Kỳ mỗi năm. Nếu thuế quan tăng 10-25%, các sản phẩm của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các sản phẩm từ Bangladesh và Ấn Độ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm các tập đoàn lớn như Samsung, Nike và Foxconn, có thể sẽ lại di dời sản xuất của họ để tránh thuế quan, như đã xảy ra dòng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vài năm gần đây. Nếu điều này xảy ra cũng sẽ tác động lớn đến đầu tư nước ngoài và công ăn việc làm của lực lượng lao động Việt Nam.
Các quan chức Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố họ sẽ tìm cách thỏa hiệp với Washington về thương mại, trong đó có các biện pháp được đưa ra là thúc đẩy nhập khẩu nhiều hơn khí đốt LNG, mua máy bay, trang thiết bị an ninh, chip AI của Mỹ và giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ.
Diễn đàn