Mùa lễ hội đầu năm đang vào thời cao điểm nhưng nhiều người được VOA phỏng vấn cho biết họ không còn tìm tới các lễ hội lớn hay các chùa, đền, phủ như Chùa Hương, Đền Bà Chúa Kho, Phủ Tây Hồ…Thay vào đó, họ dành thời gian để đi du lịch, tận hưởng sự nhàn tản bên người thân hơn là mê muội chen chúc cầu thần, khẩn thánh ban phát cho điều gì đó.
Vừa trở về từ chuyến du xuân tại Mộc Châu, anh Nguyễn Thành Trung, một cư dân tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết cả gia đình anh đã có những ngày nghỉ ngơi, thư giãn đáng nhớ. Mọi năm vào thời gian này, anh và gia đình cùng bạn bè thường đi Yên Tử để viếng chùa Đồng. Nhưng năm nay, anh nói, không chỉ anh mà cả nhóm bạn đã thay đổi thói quen đó.
“Bây giờ có đi lễ thì cũng chỉ là kết hợp chứ mình có lễ bái, xin xỏ gì ghê gớm đâu. Mình bây giờ sống theo kiểu là tin vào cái tâm mình là chính chứ chen chúc lễ bái, xin xỏ làm gì cho mệt,” anh Trung cho VOA biết.
Anh cho hay những người trong độ tuổi từ thanh niên đến trung niên ở Hà Nội có suy nghĩ như anh không phải là hiếm.
“Mộc Châu nơi mình đi cuối tuần rồi đông lắm, tắc đường kinh khủng. Có người chấp nhận tắc đường 2 đến 4 tiếng để tới được Mộc Châu ngắm hoa và thư giãn thay vì đi lễ bái. Có thể nói là tới một nửa cái Hà Nội mình gặp ở trên đấy,” anh Trung nói.
Những người lớn tuổi, thay vì đi lễ bái đầu năm, giờ lựa chọn làm lễ tại gia cho đỡ tốn kém công sức và tiền bạc.
Bà Trần Thị Dung, một giáo viên nghỉ hưu sinh tại quận Hài Bà Trưng, là một Phật tử thuần thành từ nhiều năm nay. Năm nào ra Giêng bà cũng phải có vài chuyến du xuân tới với dăm bảy ngôi chùa và đền khác nhau để cung tiến và lễ bái. Nhưng năm nay, bà nói, sự xuất hiện của nhà sư Thích Minh Tuệ đã khiến bà nhận ra nhiều điều.
“Năm nay mình không đi đâu hết. Lễ thì tại tâm, mình lễ ở nhà thôi. Đi ra ngoài đông đúc, chen chúc mệt mỏi, sợ lắm. Mình ở nhà thành tâm lễ Phật cũng được mà,” bà Dung cho biết.
Chị Trần Thu Trang, một người kinh doanh hàng ăn nhiều năm nay sống dựa vào khách hành hương tới viếng Phủ Tây Hồ, cho biết chưa bao giờ chị chứng kiến sự vắng vẻ như hiện nay trong dịp ra Giêng ở khu di tích vốn rất hút khách này.
“Mọi năm từ ngày 30 tháng Chạp cho tới 30 tháng Giêng thì đông không thể đỡ được. Hàng quán bán đông nườm nượp. Năm nay thì không thấy gì luôn. Vắng kinh khủng. Ngày rằm mà lượng khách tới phủ như là ngày thường. Vì thế mình thất thu nặng mà. Năm nay số khách theo mình thì chỉ được khoảng 20% so với mọi năm thôi,” chị Trang chia sẻ với VOA.
Chị Trang nói tình trạng này không chỉ thấy ở Phủ Tây Hồ.
“Chùa cũng vắng luôn. Ngày trước Chùa Hòe Nhai nơi mình hay lui tới thì dịp này đến chùa là đông lắm. Các thầy cũng trang trí và cúng lễ hoành tráng lắm. Thế mà năm nay thì vắng vẻ, các thầy cũng buồn hẳn luôn,” chị Trang cho biết thêm.
Theo anh T.T.N, một phóng viên lâu năm chuyên phụ trách đề tài văn hóa và di sản, thì một số người, đặc biệt là những gia đình trẻ, có sự thay đổi về nhận thức nên hạn chế việc đi lễ bái, đốt vàng mã lãng phí dịp đầu xuân, dù số này chưa chiếm đa số trong xã hội. Bằng chứng là những điểm đến như Yên Tử vẫn xảy ra tình trạng quá tải trong những ngày qua, hay thậm chí là chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, sau những tai tiếng và sự vắng vẻ của mùa lễ hội năm ngoái, năm nay đã trở lại đông đúc, xô bồ.
“Thường thì đa số vẫn mê muội, làm sao mà tỉnh được. Bởi trong cái hoàn cảnh thể chế và xã hội hiện tại người ta còn biết tin vào cái gì nữa. Đến quan chức hàng đầu của Việt Nam mình vẫn còn đi chùa chiền, thầy bà cúng lễ các kiểu, thậm chí là bùa chú thì người dân cũng thế thôi,” anh N nói.
Anh bày tỏ hy vọng rằng sự ‘tỉnh thức’ của các gia đình trẻ sẽ khởi nguồn cho những thay đổi về nhận thức của toàn xã hội trong thời gian tới để mọi người có thể tận hưởng những ngày xuân vui tươi, an lành, văn minh, trật tự và không lãng phí.
Diễn đàn