Lãnh đạo 21 nền kinh tế có chân trong Diễn Đàn Hợp Tác Khu Vực Á Châu-Thái Bình Dương, gọi tắt là APEC, sẽ khởi sự cuộc họp cấp cao hai ngày vào cuối tuần này tại thành phố Sydney của Australia, với những bất đồng về đề tài hàng đầu trong nghị trình làm việc của hội nghị, đó là vấn đề liên quan đến hiện tượng thời tiết thay đổi. Như lời tường thuật của thông tín viên Nancy-Amelia Collins từ Sydney, sự bất đồng này đã gây chia rẽ giữa các nước giàu có, như Hoa Kỳ và Australia, với các nước thành viên có nền kinh tế đang phát triển, như Trung Quốc và Ấn Độ.
Các giới chức thuộc các nền kinh tế APEC đồng ý rằng hiện tượng thay đổi thời tiết là một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Họ chỉ bất đồng với nhau về phương cách nhằm ứng phó với vấn đề này.
Một số nền kinh tế công nghiệp hóa, dẫn đầu là nước chủ nhà Australia và Hoa Kỳ, muốn dùng hội nghị thượng đỉnh APEC như một diễn đàn để thành lập một cơ cấu mới ngoài phạm vi Nghị Định Thư Kyoto, một văn kiện được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Nghị định thư Kyoto đặt ra những mục tiêu rõ rệt để giảm thiểu lượng khí thải gây hiện tượng nhà kiếng, điều được coi là yếu tố chủ yếu gây ra hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu.
Những người tranh đấu bảo vệ môi sinh, như bà Abigail Jabines thuộc tổ chức Hòa Bình Xanh, nói Australia và Hoa Kỳ phải thông qua Nghị Định Thư Kyoto nếu hai nước này thực sự nghiêm túc muốn giải quyết vấn đề thời tiết thay đổi. Bà Jabines nói:
"Nếu ông John Howard và ông George Bush thành thật muốn giải quyết vấn đề khí hậu thay đổi, hai ông phải phê chuẩn Nghị Định Thư Kyoto và chấp thuận những giải pháp thực tế như nguồn năng lượng có thể tái chế biến, và tăng hiệu năng sử dụng năng lượng, đồng thời đặt ra những mục tiêu có tính cách ràng buộc pháp lý nhằm giảm lượng khí thải gây hiện tượng nhà kiếng. Tôi xin nói thẳng với ông Howard và ông Bush, xin đừng quay lưng trốn chạy Nghị Định Thư Kyoto, mà hãy hành động!"
Bộ Trưởng Ngoại Giao Úc, ông Alexander Downer, nói thay vì những giải pháp do chính phủ chỉ thị, thế giới nên quay sang lĩnh vực tư nhân để tìm những đường lối tiếp cận không tốn kém và thực tế hầu có thể giảm lượng khí thải.
Ngoại Trưởng Australia nhận định tiếp như sau:
"Chắc chắn chúng tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp dựa trên cơ chế thị trường để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng, và đạt các mục tiêu giảm khí thải gây hiện tượng nhà kiếng có tính cách lâu dài."
Nghị định thư Kyoto năm 1997 cho phép các nước đang pháp triển không phải thực hiện các mục tiêu giảm lượng khí thải. Hoa Kỳ và Australia cho rằng như thế là không được công bằng.
Hai nước muốn APEC hậu thuẫn một đường lối tiếp cận mới để xử lý vấn đề khí hậu thay đổi, đòi hỏi các nước đang phát triển, kể cả Trung Quốc, nước bị xếp hạng nhì trong danh sách các nước gây nhiều ô nhiễm nhất thế giới, sau Hoa Kỳ, phải tham gia các nỗ lực giảm khí thải.
Trong một bài diễn văn đọc hôm thứ Năm, Chủ Tịch Nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thừa nhận tính cấp bách của việc phải có biện pháp đối phó với hiện tượng thay đổi thời tiết, thế nhưng ông nhấn mạnh rằng vấn đề này phải được xử lý trong khuôn khổ nghị định thư Kyoto, nghị định thư này vốn không đòi hỏi gì nhiều ở Trung Quốc.
Ông Mark Chambers là Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn Doanh Thương của Diễn Đàn Hợp Tác Khu Vực Á Châu-Thái Bình Dương, có vai trò cố vấn cho các nhà lãnh đạo APEC. Ông nói đối phó với hiện tượng khí hậu thay đổi rốt cuộc, sẽ đòi hỏi các nước giàu phải giúp đỡ các nước nghèo. Ông Chambers phát biểu:
"Nếu xét đến các số liệu , chúng ta sẽ đi đến kết luận rằng cần phải thực hiện một kế hoạch quy mô chuyển giao sự thịnh vượng từ thế giới đã phát triển sang thế giới đang phát triển trong một thời gian vô hạn định, để tạo điều kiện cho phép đi đến một giải pháp khả thi để đối phó với hiện tượng khí hậu thay đổi. Sự chuyển giao này, và cơ chế để thực hiện nó, vẫn chưa được phác họa, dù là trong hình thức sơ khai nhất."
Theo dự kiến, các nhà lãnh đạo trong khối APEC sẽ công bố một thông cáo nhằm hồi sinh lại các cuộc thương thuyết WTO, vốn đã lâm vào tình trạng trì trệ. Các nước giàu và nghèo đang trong tình trạng chia rẽ về các biện pháp cắt giảm các rào cản, gây trở ngại cho các hoạt động trao đổi mậu dịch liên quan tới nông sản và sản phẩm công nghiệp cũng như lĩnh vực dịch vụ.