Trong lúc chỉ còn 3 ngày nữa hội nghị về khí hậu tại Copenhagen sẽ bế mạc, chính phủ Ấn Độ đang bày tỏ sự thất vọng về các đề xuất được đưa ra cho tới thời điểm này. Các giới chức nước này cũng tiếp tục khẳng định Ấn Độ sẽ giữ lập trường cứng rắn không thoả hiệp về điều mà họ gọi là “lập trường không thể thay đổi được” của New Delhi. Thông tín viên VOA Steve Herman gởi về bài tường trình chi tiết sau đây từ thủ đô của Ấn Độ.
Trước khi Thủ tướng Ấn Độ lên đường tham dự hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Copenhagen, các giới chức chính phủ không hề che dấu sự thất vọng và bi quan của họ đối với các cuộc thương lượng trong hội nghị này.
Bộ trưởng Ngoại giao Nirupama Rao bày tỏ hy vọng những khác biệt giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển sẽ được khắc phục, tuy nhiên ông thừa nhận hội nghị đã đạt được rất ít tiến bộ.
Ông Rao nói: "Thật không may thay, những con số được đưa ra cho tới thời điểm này rất đáng thất vọng."
Ông Rao tái khẳng định rằng Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sẽ không thương lượng về một số vấn đề cụ thể vốn là những điểm cốt lõi trong lập trường của Ấn Độ.
Ông Rao nói tiếp: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc cắt giảm khí thải có tính cách ràng buộc về pháp lý. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng sẽ không chấp nhận một thỏa thuận qui định một mức cắt giảm khí thải cao tối đa đối với Ấn Độ."
Ấn Độ cũng khẳng định sẽ không cho phép bất cứ một cuộc duyệt xét quốc tế nào đối với các hoạt động cắt giảm tự nguyện trong nước mà họ tự chi trả bằng tiền của mình.
Đặc sứ của ông Singh về vấn đề biến đổi khí hậu, Shyam Saran, nói rằng Ấn Độ vẫn tìm cách đạt được một hiệp định với các nước khác về điều mà ông gọi là kết quả “tốt đẹp” của các cuộc đàm phán.
Và thương thuyết gia hàng đầu của Ấn Độ đang có mặt tại cuộc hội nghị ở Đan Mạch phát biểu trước các phóng viên rằng hiệp định về khí thải toàn cầu hiện hành, Nghị định thư Kyoto, “đang cần được cấp cứu, nếu không muốn nói là đã tiêu tan”.
Những người ủng hộ thỏa thuận năm 1997 đã hy vọng các cuộc thương lượng hiện tại sẽ mở đường cho một hiệp định mở rộng hơn hoặc cứng rắn hơn, trong đó 40 nước giàu có nghĩa vụ phải giảm thiểu khí thải các bon. Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012.
Các cuộc đàm phán ở Copenhagen với sự tham dự của gần 200 quốc gia, được cho là đang bế tắc. Sự kiện này dập tắt các hy vọng về một thỏa thuận có ý nghĩa hay thậm chí một thỏa thuận chính trị, có thể được trình bày vào ngày thứ Sáu trước ông Singh và các nguyên thủ quốc gia khác, trong đó có cả Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1