Sau hai tuần lễ thương nghị ráo riết tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu ở Copenhagen, một điểm sáng là sự ủng hộ dành cho những phương sách nhằm giảm thiểu khí thải có hiệu ứng nhà kính do việc phá rừng. Từ London, thông tín viên VOA Natashi Saini gửi về bài tường thuật sau đây.
Lần đầu tiên kể từ khi diễn ra các cuộc đàm phán về khí hậu trong chục năm nay, một sáng kiến nhằm cứu nguy cho các khu rừng nhiệt đới đã được đưa lên bàn thương thuyết.
Một kế hoạch được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn nhằm “Giảm thiểu Khí thải do Phá rừng và Xuống cấp”, còn được gọi tắt là REDD, đã được thiết kế nhằm trả tiền cho các nước nghèo để cứu nguy các khu rừng của họ.
Ông Charlie Cronnick thuộc tổ chức môi trường Greenpeace cho rằng kế hoạch đó có thể là một diễn biến rất tốt đẹp.
Ông Cronnick nói: “Đó có thể là một đóng góp thực thụ vào cuộc chiến không thể tránh khỏi đang diễn ra nhằm bảo vệ khí hậu bởi vì điều tuyệt đối chắc chắn là chúng ta sẽ không đạt được điều gì như chúng ta cần đến qua hội nghị Copenhagen.”
Chương trình này có thể có nghĩa là dành nhiều tỷ đôla cho các nước đang phát triển và các cộng đồng vùng rừng trong khi các nước giàu mua mức thặng dư về carbon để đáp ứng với các nghĩa vụ khí thải ở nước họ.
Nhưng ông Charlie Cronnich nói rằng muốn dự án đạt được thành quả tốt, thì phải thực hiện nó đúng cách.
Ông Cronnich nói tiếp: “Phải có sự tài trợ đầy đủ. Phải có sự tôn trọng quyền của dân bản thổ và bảo vệ sự đa dạng sinh học. Nói cách khác, nó không thể chỉ là một cái cớ để phá rừng và lập các đồn điền và trồng những thứ như cây cọ hay các loại cây đơn độc khác.”
Ông Nick Nuttall, người phát ngôn của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, nói thêm rằng các nhà lập chính sách còn cần phải thận trọng rằng dự án này không chỉ chuyển việc phá rừng đến những khu vực không nằm trong khuôn khổ chương trình. Muốn thỏa thuận có hiệu lực thì việc đầu tiên là cần phải thắt chặt những đầu mối lỏng lẻo.
ông Nuttall cho biết: “Vấn đề là liệu chúng ta có được một kế hoạch toàn diện những biện pháp khác nhau cần thiết để đạt được một thỏa thuận ở Copenhagen này hay không. Như quý vị đã biết, chúng ta có những vấn đề về tài chính, những vấn đề liên quan đến REDD, những vấn đề về chuyển nhượng kỹ thuật.”
Tuy nhiên, ông Nuttall nói rằng có sự ủng hộ rộng rãi dành cho chương trình từ tất cả các bên có liên quan và chương trình sẽ được xúc tiến dưới hình thức này hay hình thức khác – như một phần trong một thỏa thuận Copenhagen, hay bên ngoài thỏa thuận đó.
Đối với các cuộc đàm phán về khí hậu tại Copenhagen đầy những khó khăn, thì chương trình REDD có thể là một điểm sáng. Các nhà khoa học nói rằng phá rừng chiếm khoảng 1/5 lượng khí thải nhà kính gây tai hại cho môi trường và chương trình này có thể tiến một bước xa trong việc giải quyết vấn đề này.
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1