Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã lên đường đi Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch vào tối thứ năm để dự ngày họp cuối của hội nghị Liên hiệp quốc về vấn đề khí hậu biến đổi, với sự tham gia của hơn 100 nhà lãnh đạo các quốc gia khác. Câu hỏi đặt ra là các đại biểu có thể đạt được thỏa thuận dung hòa ở mức độ nào về việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đồng thời giúp các quốc gia kém phát triển, và bị ảnh hưởng nhiều nhất đối phó với tình trạng biến đổi của khí hậu. Thông tín viên đài VOA Sonja Pace tường thuật về hội nghị từ Copenhagen:
Trong 2 tuần qua, hàng ngàn đại biểu tham gia các cuộc thảo luận tại một trung tâm ở ngoại ô Copenhagen. Mục tiêu của họ là tìm ra một kế hoạch toàn cầu đối phó với tình trạng khí hậu biến đổi.
Tuy nhiên, các đại biểu chưa đạt được đồng thuận. Nhiều phiên họp đã diễn ra với sự đổ lỗi, và tranh luận nước nào chiu trách nhiệm gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, nước nào bị tác hại nhất và nước nào cần hành động nhiều hơn nữa.
Lên tiếng tại hội nghị, Thủ tướng Australia Kevin Rudd cảnh báo rằng, không có nước nào đến dự hội nghị mà không góp phần vào hệ quả này.
Thủ tướng Rudd nói: “Sự thật không tránh khỏi là chúng ta, các nước đã phát triển, chịu phần trách nhiệm lịch sử lớn lao đã góp phần tích lũy các khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển.”
Thông điệp của Thủ tướng Australia là khối quốc gia phát triển phải sửa sai. Tuy nhiên ông cũng khuyến cáo các nền kinh tế đang trỗi dậy đừng tiếp tục thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính nữa.
Trong các cuộc thương thảo tại hội nghị, đã có sự khác biệt quan điểm lớn giữa các nước đã phát triển, các nước đang phát triển và các nền kinh tế lớn đang trỗi dậy.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton đã loan báo một sáng kiến tài trợ với lời hứa đóng góp cho một quĩ toàn cầu mỗi năm 100 tỉ đôla để giúp các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi của khí hậu.
Tuy nhiên bà nói rằng chương trình chỉ có thể được thực hiện nếu tất cả các nền kinh tế hàng đầu thảo thuận về các mức cắt giảm khí thải và giám sát thích đáng việc thi hành. Ngoại trưởng Mỹ đề cập rõ rệt đến Trung Quốc, quốc gia bất đồng với Hoa Kỳ về vấn đề này.
Tuy nhiên Thủ tướng Rudd của Australia nhắc nhở các đại biểu rằng mọi người đều phải tham gia.
Thủ tướng Australia nói: “Sự thật là trừ phi tất cả chúng ta cùng hành động - vì tất cả chúng ta đều ở trong tình huống này - bằng không sẽ có triển vọng phát triển rất hạn chế, vì chính hành tinh này không còn chịu được nữa.”
Đó cũng là thông điệp của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đưa ra, ông cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới rằng không thể có sự thất bại trong vấn đề này.
Ông nói rằng tất cả các nhà lãnh đạo đều phải trả lời trược dư luận toàn cầu và cả công luận trong nước nếu họ không làm gì được. Ông nói, ‘Khoa học đã cho chúng ta biết phải làm gì, và chúng ta là thế hệ sau cùng có thể làm được việc đó.”
Trong bài diễn văn đầy diễn cảm, Tổng thống Sarkozy nói rằng mọi người sẽ phải dung hòa quan điểm. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy ngồi xuống giải quyết những bất đồng và ông đề nghị mở cuộc họp làm việc nghiêm túc sau buổi ăn tối thứ Năm để làm điều này.
Trước đây mọi người hy vọng rằng hội nghị Copenhagen có thể đạt được một thảo thuận nhằm thay thế Nghị định thư Kyoto năm 1997, qui định về mức cắt giảm khí thải đối với phần lớn các quốc gia phát triển.
Tuy nhiên các nước đang phát triển kiên quyết bày tỏ là họ muốn nghị định thư Kyoto được triển hạn sau khi đáo hạn vào năm 2012.
Các nhà lãnh đạo tại hội nghị Copenhagen nói rằng họ đang tìm một thỏa thuận khung chính trị tại Copenhagen, và một hội nghị thượng đỉnh khác sẽ được tổ chức vào khoảng 6 tháng tới nhằm triển khai chi tiết và làm cho văn bản đó trở thành một thỏa thuận có tính cách ràng buộc về pháp lý.
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1