Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế xác nhận vừa mở các cuộc đàm phán trực tiếp với các giới chức cấp cao trong chính phủ quân nhân Thái Lan và đang chuẩn bị một báo cáo về những mối quan ngại của họ tiếp theo vụ đảo chính mới nhất ở nước này. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật.
Hội Ân xá Quốc tế nói một toán gồm 5 người thuộc trụ sở của họ ở London đã đến Thái Lan để nghiên cứu về tình hình nhân quyền tại vương quốc này tiếp theo cuộc đảo chính ngày 22 tháng 5 vừa qua.
Các nhà điều tra của tổ chức phi chính phủ này, đã có mặt tại Thái Lan 9 ngày trong tháng này từ 9 đến 18 tháng 7, đã họp với một phó tham mưu trưởng quân đội, đại diện cho Hội đồng Trật tự và Hòa bình Quốc gia. NCPO là thực thể quân đội cầm quyền đã nắm quyền từ tay chính phủ dân sự tạm quyền.
Phát ngôn viên Hội Ân xá Quốc tế Olof Blomqvist nói tổ chức nhân quyền này hoan nghênh thiện chí của tập đoàn cầm quyền tiếp xúc với các đại diện của họ và trả lời những câu hỏi cho một bản báo cáo sắp tới.
Ông Blomqvist nói: “Chúng tôi có những quan ngại nghiêm trọng về tình hình nhân quyền ở Thái Lan kể từ khi quân đội lên nắm quyền. Và trong báo cáo sắp công bố trong vài tuần nữa, tôi nghĩ chúng tôi sẽ nói rõ thêm về những mối quan ngại đó. Và chúng tôi cũng có một số đề nghị quan trọng đối với NCPO mà chúng tôi hy vọng họ sẽ đưa ra bàn thảo về cách thức hoàn thành tốt hơn các nghĩa vụ quốc tế của họ về nhân quyền.”
Thông tấn xã nhà nước Thái Lan NNT mô tả cuộc họp là đem lại cho Hội Ân xá Quốc tế sự “hiểu biết rõ hơn về tình hình ở Thái Lan” và nói rằng các đại diện của tổ chức “đã tỏ ra tích cực hơn đối với hoạt động của NCPO có liên quan đến nhân quyền.”
Hội Ân xá và các tổ chức khác đã bày tỏ quan ngại về việc quân đội đàn áp công nhân di trú từ các nước láng giềng như Kampuchea, Myanmar, Lào và Việt Nam. Những mối lo sợ trong giới công nhân nước ngoài, sau cuộc đảo chính, đã châm ngòi cho một cuộc di tản tạm thời vội vàng của hơn 100,000 người Kampuchea.
Tập đoàn quân nhân cầm quyền cũng đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế về việc đàn áp công dân Thái dưới một thời kỳ thiết quân luật liên tục. Các sắc lệnh của quân đội đã áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với các quyền hạn cũng như quyền tự do phát biểu của các nhà trí thức, ký giả và công chúng.
Hàng ngàn người Thái đã bị triệu tập để thẩm vấn và giam giữ. Ða số được trả do sau khoảng 1 tuần lễ bị câu lưu.
Cuộc đảo chính diễn ra tiếp theo một thời kỳ bất định chính trị kéo dài và đôi khi gây bạo lực.
Giới bảo hoàng trong tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Bangkok, kể cả các thành phần gọi là áo vàng, đã cực lực phản đối khối đa số áo đỏ vùng nông thôn mà trong mọi cuộc bầu cử ở thế kỷ này đã đưa vào ghế thủ tướng các ứng cử viên được sự ủng hộ của doanh gia tỷ phú Thaksin Shinawatra.
Ông này bị lật đổ khỏi chức thủ tướng trong một cuộc đảo chính năm 2006. Người em gái của ông là bà Yingluck Shinawatra, đã bị đẩy ra khỏi cũng chức vụ đó ít lâu trước khi quân đội lên nắm quyền.
Tập đoàn quân nhân tuần trước đã công bố một hiến chương tạm thời sau khi bãi bỏ hiến chương cũ. Tập đoàn cho biết dự định nay mai sẽ viết một hiến pháp vĩnh viễn mới và bổ nhiệm một cơ quan lập pháp, bao gồm các sĩ quan quân đội.
Tham mưu trưởng quân đội, tướng Prayuth Chan-ocha, từng tuyên bố ông hy vọng cuộc tổng tuyển cử có thể được tổ chức vào tháng 10 năm tới, sau khi ông thực hiện những cải cách sâu rộng về chính trị và các lãnh vực khác.
Những người đứng đầu cuộc đảo chính và các ủng hộ viên đã không che giấu ý muốn thành lập một hệ thống chính trị mới xóa bỏ vĩnh viễn ảnh hưởng của dòng họ Shinawatra.