Đường dẫn truy cập

ASEAN sẽ đoàn kết trước căng thẳng ở Biển Đông?


Tổng tham mưu trưởng Myanmar Min Aung Hlaing trong 1 cuộc họp báo tại Hội nghị không chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN tại Naypyitaw, Myanmar, 5/3/2014
Tổng tham mưu trưởng Myanmar Min Aung Hlaing trong 1 cuộc họp báo tại Hội nghị không chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN tại Naypyitaw, Myanmar, 5/3/2014
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cuối tuần này ở Myanmar (còn gọi là Miến Điện) có phần chắc sẽ bị chi phối bởi những cuộc thảo luận về căng thẳng bùng phát ở Biển Đông mới đây sau khi tàu Trung Quốc và Việt Nam va chạm gần quần đảo Hoàng Sa.

Hãng tin AFP cho biết Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh hôm thứ Sáu nói rằng ông xem vụ việc mới đây giữa Trung Quốc và Việt Nam là “cực kỳ nghiêm trọng.”

Việt Nam và Trung Quốc mấy ngày qua đã tố cáo tàu thuyền hai nước tấn công lẫn nhau sau khi Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ trong vùng biển mà Việt Nam nói là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình được hãng tin Reuters trích lời nói rằng hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc là “nguy hiểm, nhạy cảm và đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.”

Ông nói Việt Nam “chắc chắn sẽ nêu vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh.”

Trong khi đó nội bộ ASEAN đang hé lộ những bất đồng về vấn đề này. Những nhà ngoại giao của Philippines nói với Reuters rằng một số quốc gia đã tỏ ý chống đối một tuyên bố riêng rẽ về vụ việc mới nhất ở Biển Đông hay nhắc tới căng thẳng trong bản thông cáo chung.

Ông Ian Storey, nhà phân tích an ninh tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho biết hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar sẽ là "phép thử đối với sự đoàn kết của ASEAN."

Sẽ có những quốc gia như Việt Nam, Philippines, Singapore và Indonesia sẽ muốn bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về những diễn biến gần đây trong thông cáo cuối cùng.

"Những thành viên khác sẽ cảnh giác hơn vì họ xem tranh chấp Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc," chuyên gia Storey nói.

Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia và Thái Lan là những nước còn lại của khối ASEAN, 3 nước đầu hết sức mong muốn duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc.

Myanmar, nước giữ ghế chủ tịch ASEAN năm nay, sẽ phải rất cẩn trọng để tránh lập lại thảm họa hồi năm 2012 khi Campuchia làm chủ tịch. Là đồng minh thân cận của Trung Quốc, Campuchia đã cố gạt tranh chấp Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự, khiến ASEAN lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung trong 45 năm.

Vai trò của Myanmar

Trong nhiều thập kỷ bị cô lập, Myanmar dựa vào Trung Quốc như một đồng minh ngoại giao và quân sự gần gũi nhất của mình. Nhưng kể từ khi Myanmar bắt đầu quyết liệt theo đuổi những cải cách, mối quan hệ với Trung Quốc đã nguội lạnh.

"Tôi nghĩ rằng Myanmar sẽ chống chọi áp lực của Trung Quốc tốt hơn Campuchia," ông Sean Turnell, giáo sư kinh tế tại Đại học Macquarie ở Sydney, Australia nhận xét.

"Thực sự có một sự thù ghét sâu xa về những khía cạnh hoạt động thương mại của Trung Quốc ở Myanmar, và người ta tin rằng chế độ trước đây đã có những quyết sách sai lầm về vấn đề năng lượng và những thỏa thuận tốn kém khác."

Một quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam giấu tên nói rằng khó lặp lại sự cố năm 2012 với Campuchia trong khi Myanmar vẫn đang cố dứt khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Reuters dẫn lời quan chức này nói: "Có thể thấy, dù không rõ ràng, rằng Myanmar đang cố gắng giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước mình, về kinh tế và chính trị."

Tuy nhiên, học giả Maung Zarni hiện đang nghiên cứu tại Trường Kinh tế London nói Myanmar có phần chắc sẽ tránh làm mếch lòng Trung Quốc bằng cách đẩy nhanh tiến độ hoàn tất bộ by tắc ứng xử ở Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Zarni nhận định: “Trung Quốc vẫn sẽ bàn bạc về bộ Quy tắc Ứng xử như một chiến lược ngắn hạn trong việc kiểm soát tổn hại."

“Nhưng có phần chắc họ sẽ không chịu tham gia vào thứ gì có tính ràng buộc hay hạn chế khả năng của họ làm những việc mà họ cảm thấy là quyền lịch sử của mình – khai thác Biển Nam Trung Hoa về kinh tế, xây dựng căn cứ ở bất kỳ nơi nào họ thấy thiết yếu, hoặc gây gián đoạn hoạt động kinh tế và quân sự của những nước tuyên bố chủ quyền trong khu vực.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG