Đường dẫn truy cập

Australia có nên xét lại quan hệ với Fiji?


Thủ Tướng lâm thời của Fiji, Phó Đề Đốc Frank Bainimarama
Thủ Tướng lâm thời của Fiji, Phó Đề Đốc Frank Bainimarama

Một tổ chức tư vấn chính sách và chiến lược hàng đầu của Australia nói rằng chính phủ tại Canberra đã chọn một đường lối sai lầm trong việc thuyết phục giới cầm quyền quân sự của Fiji quay trở lại thể chế dân chủ. Quân đội Fiji đã chiếm quyền trong một cuộc đảo chánh không đổ máu hồi tháng 12 năm 2006, và các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của nước này đã làm ngơ trước nhiều đòi hỏi của quốc tế, yêu cầu họ tổ chức các cuộc bầu cử. Từ Sydney, Thông tín viên Phil Mercer gửi về bài tường thuật sau đây.

Australia đã áp dụng một chính sách cứng rắn đối với chính quyền quân sự Fiji, kể từ khi các binh sĩ Fiji chiếm quyền tại quốc gia ở vùng Nam Thái Bình Dương này, và làm tê liệt các định chế dân chủ tại đây.

Canberra, cùng với New Zealand, đã áp đặt một số biện pháp cấm vận hạn chế đối với Fiji, nhưng bất chấp sự lên án rộng rãi của quốc tế, kể cả tạm ngưng tư cách thành viên của Fiji trong khối chính trị chủ yếu của khu vực, là Diễn Đàn các đảo quốc Thái Bình Dương, giới lãnh đạo quân đội Fiji vẫn một mực từ chối, không đưa đất nước quay về với thể chế dân chủ.

Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy, trụ sở đặt ở Sydney, một tổ chức tư vấn chính sách và chiến lược độc lập, đã chỉ trích lập trường của Australia, và tin rằng Canberra cần tìm các phương cách khác để mời gọi sự tham gia của Fiji, vốn là một trung tâm chính trị và kinh tế của vùng Nam Thái Bình Dương.

Giám đốc Chương trình Melanesia, bà Jenny Hayward Jones, nói Australia cần từ bỏ lập trường không thỏa hiệp của mình đối với nước láng giềng đã lầm đường lạc lối.

Bà Hayward Jones nhận định: “Tôi tin rằng Australia cần tìm cách tiếp xúc thân thiện với một số quốc gia, và Fiji thực sự đã có cố gắng tiếp xúc với những nước có thể cung cấp điều gì đó cho Fiji trong tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ.”

Thủ Tướng lâm thời của Fiji, Phó Đề Đốc Frank Bainimarama đã bắn tiếng rằng các cuộc bầu cử có thể sẽ được tổ chức vào năm 2014. Phó Đề Đốc Bainimarama nói ông đã bị buộc phải lật đổ một chính quyền dân chủ mà ông mô tả là “tham nhũng và kỳ thị chủng tộc” hồi năm 2006.

Nhà độc tài quân sự Fiji đã biện minh cho những hành động của ông, bằng cách giải thích rằng ông có sứ mạng phải thanh lọc đất nước ông, khỏi tính bất lương và bất khoan dung đối với nhóm thiểu số sắc tộc Ấn của Fiji. Ông Bainimarama đã từ bỏ hiến pháp, sa thải hệ thống tư pháp, và bịt miệng truyền thông. Những người chống đối ông tin rằng ông đang hành xử như một nhà độc tài không hề có ý định từ bỏ quyền lực.

Bà Jenny Hayward Jones thuộc Viện nghiên cứu chính sách Lowy kêu gọi Canberra hãy vận động sự tiếp tay của các đối tác không truyền thống, chẳng hạn như Indonesia, Ấn độ và Malaysia để tăng sức ép đối với Fiji, hãy tổ chức bầu cử nội trong vòng 4 năm.

Bà Jones nói: “Australia nên theo một đường lối mới, thừa nhận thời biểu ấy, tức bầu cử vào năm 2014, và hãy tìm cách đưa một số đối tác khác đến với nhau. Fiji đã từng gạt bỏ Australia trước đây. Nước này cũng đã bác bỏ Diễn Đàn các đảo quốc Thái Bình Dương, thế nhưng một số quốc gia mà Fiji đang ve vãn, chẳng hạn như Indonesia, Malaysia, Nam Triều Tiên, và ngay cả Papua New Guinea, đều có thể đóng góp một điều gì đó tại bàn hội nghị tại Fiji, tôi nghĩ rằng chúng ta chưa thực sự thử áp dụng hướng tiếp cận đó.”

Bán đảo Fiji bao gồm hơn 330 hải đảo vùng nhiệt đới, nằm tại địa điểm khoảng 2/3 khoảng cách từ New Zealand đến Haiwaii. Đây là nơi cư ngụ của khoảng 880.000 người. Đa số có nguồn gốc Melanesia, trong khi khoảng 1/3 là hậu duệ của dân lao động Ấn độ đã được nước Anh đưa đến lao động trong các đồn điền trồng mía để sản xuất đường thời thực dân trong thế kỷ thứ 19.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG