Đường dẫn truy cập

Quân đội Fiji bị chỉ trích dùng các luật mới để siết chặt kiểm soát


Thủ tướng lâm thời của Fiji Frank Bainimarama
Thủ tướng lâm thời của Fiji Frank Bainimarama

Các bộ luật mới do chính phủ quân nhân ở Fiji đề xuất đã bị chỉ trích là có tính áp bức hơn các biện pháp khẩn trương mà chúng thay thế. Gần một tuần lễ đã trôi qua kể từ chính quyền ở thủ đô Suva bãi bỏ các quyền độc tài cấm hội họp nơi công cộng và bịt miệng giới truyền thông. Quân đội đã lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính không đổ máu ở quốc gia trong vùng Nam Thái Bình Dương này hồi tháng 12 năm 2006. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Cách đây vài ngày, chính phủ do quân đội lãnh đạo ở Fiji đã bãi bỏ quân luật, một biện pháp chấm dứt các quy định khẩn trương áp đặt quyền kiểm duyệt truyền thông và dành cho lực lượng an ninh thêm nhiều quyền hành. Trong một bài phát biểu toàn quốc, thủ tướng lâm thời là Đô đốc Frank Bainimarama đã hứa Fiji sẽ tiến vào một con đường hướng tới dân chủ thực sự sau hơn 5 năm quân trị.

Tuy nhiên, các nhóm đối lập nói rằng quân đội đã chỉ thay thế quân luật bằng những biện pháp hà khắc hơn. Họ lập luận rằng Sắc lệnh Tu chính Trật tự Công cộng sẽ hạn chế một cách nghiêm nhặt các quyền và tự do bởi vì nó dành cho lực lượng an ninh Fiji quyền được sử dụng vũ khí để giải tán các cuộc họp và cho phép các cá nhân bị giam giữ nhiều tuần lễ mà không được tiếp cận với tòa án.

Người đứng đầu Diễn đàn Hiến pháp Công dân ở Fiji, ông Akuila Yabaki, lo ngại rằng giới quân nhân sẽ có quá nhiều quyền hành.

Ông Yabaki nói: "Nay họ có thể bắt giữ thường dân và làm nhiệm vụ của một cảnh sát viên hay nhân viên nhà tù nếu được lệnh của cảnh sát trưởng, mà bản thân cũng là một sĩ quan quân đội cấp cao. Ông này mang cấp bậc đại tá.”

Giới lãnh đạo quân đội Fiji đã không chấp nhận đối kháng kể từ khi họ lật đổ một chính phủ dân cử cách đây hơn 5 năm. Họ đã bãi bỏ hiến pháp khi một tòa án ra phán quyết rằng cuộc đảo chính của họ là bất hợp pháp và quân đội đã áp đặt quân luật vào năm 2009. Ông Von Driu, một người phát ngôn của Phong trào Tự do và Dân chủ, nói rằng sắc lệnh mới sẽ đè bẹp bất cứ sự phản kháng nào đối với nhà cầm quyền quân nhân.

Ông Von Driu cho biết: “Những người lên tiếng chống đối chế độ hiện thời sẽ bị bịt miệng.”

Chính phủ Fiji cho biết sắc lệnh mới sẽ củng cố an ninh quốc gia và đem lại cho công dân quyền bầy tỏ ý kiến.

Nhà độc tài quân trị là Đô đốc Frank Bainimarama đã hứa sẽ thay lọc tham những chính trị ở Fiji và chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc đối với khối thiểu số người Fiji gốc Ấn Độ. Tuy nhiên, giới chỉ trích nói rằng vị đô đốc này là một nhà độc tài tham quyền cố vị không bao giờ chịu buông quyền kiểm soát đảo quốc trong vùng Thái Bình Dương.

Kể từ sau cuộc đảo chính tháng 12 năm 2006, Fiji đã bị đình chỉ quy chế thành viên của Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương, một khối chính trị quan trọng, và của Khối Thịnh vượng chung, nhóm các cựu thuộc địa Anh. Fiji là trung tâm chính trị và kinh tế của vùng Nam Thái Bình Dương. Nhóm đảo vùng nhiệt đới này có dân số khoảng 900.000 người và nằm giữa Hawaii và New Zealand.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG