Đường dẫn truy cập

Ba Lan và bài học về ‘người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn’


Kỷ niệm 80 năm Thế Chiến II tại Warsaw, Ba Lan, 1 tháng Chín, 2019.
Kỷ niệm 80 năm Thế Chiến II tại Warsaw, Ba Lan, 1 tháng Chín, 2019.

Ba Lan đã tiến thêm một bước trong kế hoạch lôi kéo quân đội Mỹ đến xứ sở của mình: Mỹ đã đồng ý mở rộng phạm vi trú đóng của quân đội Mỹ, vào lúc này là sáu khu vực trên lãnh thổ Ba Lan. Hai bên đang tiếp tục thảo luận về việc đưa quân đội Mỹ đến trú đóng tại khu vực thứ bảy. Hai tháng trước, Ba Lan đã thuyết phục Mỹ tăng quân số trú đóng tại Ba Lan từ 4.500 lên 5.500 và thiết lập một bộ chỉ huy cấp sư đoàn đối với lực lượng trú đóng tại Ba Lan (1).

Tuy nhiên Mỹ vẫn chưa xác định có đưa quân nhân Mỹ đến thường trú tại Ba Lan hay không, cho dù Ba Lan đã đề nghị chi hai tỉ Mỹ kim để xây dựng một căn cứ riêng cho quân đội Mỹ thường trú (2). Thường trú khác hoàn toàn với trú đóng. Để dễ hình dung có thể khái quát thế này: Lệnh điều động quân nhân Mỹ đến một căn cứ dạng thường trú thường có thời hạn là ba năm. Vì đó là lệnh điều động dài hạn, quân đội Mỹ có trách nhiệm sắp xếp để quân nhân Mỹ đưa gia đình cùng đi, cùng sống với họ trong ba năm ấy.

Cũng vì vậy, căn cứ dành cho thường trú không chỉ là nơi đóng quân, đó còn là chỗ sinh hoạt của cả một cộng đồng, thành ra phải có trường học, thư viện, bệnh viện, siêu thị, rạp chiếu phim, công viên, trạm xăng,… nhìn chung là y như ở Mỹ. Nói cách khác, căn cứ thường trú đồng nghĩa với việc tạo ra một cộng đồng dân cư Mỹ bên ngoài Mỹ, gắn chặt an ninh của cộng đồng đó với quốc phòng của quốc gia nơi cộng đồng đó hiện diện.

Còn trú đóng là điều động quân nhân Mỹ đến quốc gia nào đó tối đa chín tháng để thực hiện một kế hoạch, một chiến dịch. Quân nhân đi theo đơn vị, không có gia đình cùng đi. Sau chín tháng, nếu kế hoạch hay chiến dịch chưa kết thúc, quân đội Mỹ sẽ điều động đơn vị khác đến thế chỗ. Sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine (2014), NATO hối thúc Mỹ điều động quân đội đến trú đóng, gia tăng phối hợp tập luyện với quân đội các quốc gia Đông Âu nhưng không thường trú như ở nhiều quốc gia Tây Âu.

***

Nếu dành một chút thời gian đọc qua về lịch sử Ba Lan (3), có thể thấy xứ sở này rất giống Việt Nam ở chỗ liên tục phải đối đầu với ngoại xâm, liên tục bị ngoại bang chiếm đóng – đô hộ, bị chia năm – xẻ bảy. Để khôi phục độc lập, giành lại tự do, xương của nhiều thế hệ Ba Lan cũng cao như núi, máu của nhiều thế hệ Ba Lan cũng chảy như sông. Một trong những điểm trớ trêu, khiến lịch sử Ba Lan thấm đẫm máu và nước mắt cũng do láng giềng vừa tham, vừa tàn bạo.

Giống như Việt Nam – chẳng may kề cận Trung Quốc, Ba Lan chẳng may giáp vách với Nga. Nga chà đi – xát lại Ba Lan suốt từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 20. Song không có giai đoạn nào trong lịch sử Ba Lan bi thương bằng thời điểm từ 1918 đến 1989 – thời điểm ra đời Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) và tan rã. Sau Cách mạng tháng Mười Nga, Lenin xuất khẩu chủ nghĩa cộng sản sang các lân bang, đỡ đầu cho các đảng cộng sản tại đó giành chính quyền ở Ba Lan, Belarus, Ukraine.

Riêng tại Ba Lan, trong 20 năm, từ 1918 – 1938, Liên Xô - “người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn” của đảng cộng sản Ba Lan đã điều động Hồng quân giết 119.000 người, hỗ trợ đảng cộng sản Ba Lan tạo lập các “vùng giải phóng”, xây dựng “chính quyền nhân dân”, bằng cách đưa hàng chục ngàn gia đình thuộc diện nguy hại cho “cách mạng xã hội chủ nghĩa” ở Ba Lan đến Kazakhstan. Bên cạnh đó, “người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn” của đảng cộng sản Ba Lan ký với phát xít Đức “Mật ước Molotov – Ribbentrop”.

Theo đó, năm 1939, phát xít Đức chiếm một nửa Ba Lan, Liên Xô chiếm nửa còn lại. So với phát xít Đức, Liên Xô còn tàn bạo hơn. Khi tràn vào Ba Lan, Hồng quân đã bắt 22.000 người được xem như tinh hoa của dân tộc Ba Lan (tu sĩ, khoa học gia, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, sĩ quan cao cấp, doanh nhân,…) đưa hết về Liên Xô để giết rồi chôn ở Katyn. Khi xé bỏ “Mật ước Molotov – Ribbentrop”, đuổi Liên Xô khỏi Ba Lan, tràn vào Liên Xô, phát xít Đức phát giác rồi tố cáo vụ “Thảm sát Katyn” để cô lập Liên Xô.

“Thảm sát Katyn” được công khai lần đầu vào tháng 4 năm 1943 nhưng vì “tình hữu nghị” với Liên Xô, đảng cộng sản Ba Lan lờ đi. Dân Ba Lan chỉ có thể đề cập đến “Thảm sát Katyn” vào đầu thập niên 1990, sau khi đảng cộng sản Ba Lan bị tước mất quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Ba Lan… Năm 2004, Liên bang Nga – kế thừa Liên Xô – mới thừa nhận “Thảm sát Katyn” và năm 2010, Quốc hội Nga mới lên án Stalin và các viên chức Liên Xô dính líu đến vụ thảm sát (4).

Tội ác do “người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn” của đảng cộng sản Ba Lan gây ra đối với dân Ba Lan không chỉ có chừng đó. Năm 1944, khi Hồng quân Liên Xô đã tiến đến ngoại ô Warsaw, dân Warsaw đồng loạt nổi dậy đánh đuổi phát xít Đức khỏi thủ đô của mình. Tuy nhiên Hồng quân không những không tiến vào hỗ trợ mà còn ngăn cản phi cơ của phía Đồng minh (Anh, Mỹ,…) thả dù tiếp tế vũ khí, đạn dược, thực phẩm. Kết quả, phát xít Đức rảnh tay đàn áp, từ 150.000 đến 200.000 người Ba Lan bị giết (5).

Một Ba Lan kiệt quệ cả về nhân lực lẫn kinh tế sau Thế chiến thứ hai đã giúp đảng cộng sản Ba Lan trở thành tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối Ba Lan với sự hỗ trợ của Liên Xô - “người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn” của đảng cộng sản Ba Lan. Sau Thế chiến thứ hai, Liên Xô điều động 500.000 lính đến Ba Lan, giúp đảng cộng sản Ba Lan “ổn định chính trị” để xây dựng chủ nghĩa xã hội. 80% sĩ quan quân đội Ba Lan là sĩ quan Hồng quân...

Đó cũng là cách đảng cộng sản Nga sử dụng để tạo lập, củng cố Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết và xây dựng khối quốc gia xã hội chủ nghĩa ở khu vực Đông Âu. Đó cũng là lý do tại sao cuối thập niên 1980, Liên Xô tan rã rất nhanh và dân chúng các quốc gia Đông Âu đồng loạt vứt bỏ chủ nghĩa xã hội không hề đắn đo. Đó cũng là nguyên nhân chính, sau khi Nga “thu hồi” bán đảo Crimea vốn là lãnh thổ của Ukraine, 80% dân Ba Lan xem Nga là ẩn họa đối với xứ sở của họ. Chính phủ Ba Lan cũng như chính phủ nhiều quốc gia từng thuộc Liên Xô hoặc ở khu vực Đông Âu tìm mọi cách gia nhập NATO và mời gọi quân đội Mỹ đến trú đóng hay thường trú.

***

Bước tiến mới của Ba Lan trong kế hoạch lôi kéo quân đội Mỹ đến xứ sở của họ khiến kẻ viết bài này liên tưởng đến đề nghị mà Mỹ từng nêu ra với Việt Nam cách nay vài năm: Hợp tác thành lập một hệ thống kho dự trữ quân nhu, quân cụ tại Việt Nam để quân đội Mỹ có thể có đủ vật dụng thực hiện ngay các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo, ứng phó với thiên tai trong khu vực Đông Nam Á. Đề nghị đó chẳng biết có còn giá trị không vì chưa thấy tiến triển nào mới.

Dẫu nỗ lực đẩy mạnh hợp tác về an ninh – quốc phòng với nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn khăng khăng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì “chính sách ba không”: Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác. Cần lưu ý, tự thân “chính sách ba không” không sai, cũng chẳng xấu, thậm chí là nhất thiết phải như thế nếu có thể bảo đảm được sự tự chủ, bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ.

Vấn đề nằm ở chỗ, “chính sách ba không” lại do những cá nhân nhất mực khẳng định: Việt Nam và Trung Quốc có một “di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ”, với “đặc trưng cùng do đảng Cộng sản lãnh đạo” nên “tạo ra mối quan hệ đặc biệt”, “chi phối cách ứng xử của cả hai”, thành ra “nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (6) - soạn thảo.

Cứ so sánh hiệu qủa việc thực thi “chính sách ba không” với thực tế ắt sẽ thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có bảo đảm được sự tự chủ, bảo vệ được chủ quyền hay không. Xét cho đến cùng “chính sách ba không” có tương quan mật thiết đến việc đảng CSVN vẫn tìm đủ mọi cách níu giữ đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của riêng mình. Do vậy, mâu thuẫn với Trung Quốc về lợi ích quốc gia, xa hơn là sự an nguy cho tương lai của dân tộc không quan trọng bằng việc được “người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác”, nhằm giữ cho bằng được “sự thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Quan hệ Việt – Trung và những diễn biến gần đây ở biển Đông chỉ là một trong vô số ví dụ minh họa. Có lẽ đã đến lúc, người Việt nên dành nhiều thời gian hơn trong việc nghiên cứu cả về lịch sử Ba Lan, lẫn lịch sử của các quốc gia từng là thành viên của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết, các quốc gia từng nằm trong khối “xã hội chủ nghĩa” – anh em với Việt Nam để đối chiếu, ngẫm nghĩ về bài học liên quan tới “người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn”, đặc biệt khi “người bạn” ấy sát vách nhà mình.

Chú thích

(1) https://www.stripes.com/news/europe/poland-us-agree-on-six-sites-for-more-us-troops-debating-seventh-1.596616

(2) https://www.stripes.com/news/a-new-us-base-in-poland-wouldn-t-mean-troop-cuts-in-germany-us-ambassador-says-1.568328

(3) https://en.wikipedia.org/wiki/Poland

(4) https://en.wikipedia.org/wiki/Katyn_massacre

(5) https://en.wikipedia.org/wiki/Poland-Russia_relations

(6) http://tuoitre.vn/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-527794.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG