Đường dẫn truy cập

Đã dấn thân càng phải tu thân


Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập blog Anh Ba Sàm, tại nhà riêng sau khi được trả tự do, và bên ngoài nhà ông ở Hà Nội trong ngày 5/5. (Ảnh Facebook Vu Hai Tran)
Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập blog Anh Ba Sàm, tại nhà riêng sau khi được trả tự do, và bên ngoài nhà ông ở Hà Nội trong ngày 5/5. (Ảnh Facebook Vu Hai Tran)

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)


Vừa qua, có nhiều ý kiến bình luận, phê phán/bảo vệ một bài viết ngắn trên mạng của một nhân vật bất đồng chính kiến, đã thôi thúc tôi viết về một chủ đề suy nghĩ từ lâu nhưng chưa có dịp trao đổi.

Đó là sự cần thiết, song lại không dễ chút nào, với những người tranh đấu cho dân chủ của Việt Nam trong việc bồi bổ kiến thức nói chung của mình, tập rèn khả năng hợp tác, làm việc tập thể, biết lắng nghe, có tiếng nói thuyết phục; biết thừa nhận sai sót, yếu kém, tiết chế “cái tôi”, tính háo danh, hám quyền lực trong mình, thậm chí hám lợi cá nhân, v.v.. Tự thỏa mãn với tiếng tăm, hay với thành quả thu được của sự hy sinh hiện tại, mà không chuyên tâm nâng mình lên cao hơn, họ dễ mất dần uy tín trong quần chúng.

Dấn thân trong gian khó

Không như nhiều nước cộng sản Đông Âu một thời, Việt Nam trong cả thế kỷ qua là một xã hội Nho giáo “nửa mùa” với không ít thói quen tập tục cổ hủ, lại lai tạp với chủ thuyết Marx “biến thái”; xa với nền văn minh dân chủ phương Tây; chính quyền cộng sản chiếm được cảm tình của đa số người dân một thời nhờ nắm vai trò lãnh đạo trong cuộc kháng chiến giành được độc lập.

Người cộng sản giành chính quyền được cũng nhờ nhiều vào việc biết tận dụng chính những thứ vũ khí mà kẻ cai trị đã chế ra, đưa tới, đó là tự do lập hội, hội họp, tự do báo chí, biểu tình, tự do tư tưởng, tín ngưỡng, … Cho nên, khi đã nắm được chính quyền, họ quá biết muốn giữ được nó, cùng vai trò lãnh đạo độc tôn, thì không được buông những vũ khí kia cho dân chúng. Hơn thế, họ còn để dân chúng tưởng mình đã được quyền nắm những thứ vũ khí đó - với 7-8 trăm tờ báo, hàng ngàn tổ chức “quần chúng” thực chất đều thuộc về nhà nước.

Không được thành lập tổ chức hợp pháp, không được ra báo tư nhân, những người tranh đấu cho dân chủ không có môi trường giúp nhau học hỏi, tập dượt, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, tìm sự trợ giúp, tự bảo vệ, kỹ năng đối thoại, cách đoàn kết lực lượng, … Đã thế họ lại luôn bị o ép, đe dọa, trừng phạt dưới nhiều hình thức. Bộ máy tuyên truyền của chính quyền thường tìm cách bôi xấu, chia rẽ qua việc khai thác những not nớt, lệch lạc trong tính cách, mâu thuẫn trong nội bộ những người bị cho là “thế lực thù địch” dù trên thực tế phần lớn họ chỉ là những tiếng nói phản biện, góp phần thay đổi tích cực cho xã hội.

Lây bệnh cộng sản

Những người bất đồng chính kiến hầu hết sống trong lòng chế độ cộng sản, hàng ngày tiếp xúc với những người cộng sản hoặc tin yêu, chịu ơn huệ của chế độ, tiếp nhận thông tin, văn hóa của chế độ qua sách báo và vô số những nguồn khác. Từ đây, họ được “ngấm” nhiều thứ không tốt cho tư tưởng tiến bộ, trong đó có thói “kiêu ngạo cộng sản”, xuất phát từ việc được sớm nổi danh, dám đối đầu với thứ bạo quyền mà cả triệu người phải cúi đầu cam chịu.

Từ kiêu ngạo, dễ sinh coi thường tri thức, học hỏi mọi mặt, tự sửa mình, có cả việc đối nhân xử thế.

“Độc tài” là thứ thường vẫn bị cho là đặc trưng của những người cộng sản, nó không phải chỉ khái quát cho cả chế độ, mà có ở trong từng con người. Sống dưới bầu trời này, dù cho có học hỏi được phần nào tư tưởng dân chủ tiến bộ, cũng khó tránh khỏi lây cái bệnh độc đoán một khi có được ít nhiều ảnh hưởng xã hội.

Say mê quyền lực chẳng cứ trong giới chính trị cộng sản. Với những người lãnh đạo một tổ chức tranh đấu, hoặc không tham gia tổ chức nào nhưng có nhiều ảnh hưởng , cũng dễ bị mắc phải căn bệnh đó. Họ sẽ dần xa rời quần chúng, dễ bị lung lạc, lợi dụng.

Một kinh nghiệm cho công luận để giúp hạn chế “căn bệnh ngôi sao” có thể đến với bất cứ ai đang dấn thân tranh đấu, đó là cần nhìn vào, tôn vinh việc làm cụ thể của họ, thay vì về cá nhân. Khi đó, bất cứ một “ngôi sao” nào cũng đều dễ dàng phải đối mặt với sự phán xét của công luận nếu như không chịu rèn phẩm cách của mình.

Quyền lực và Tri thức thường như mặt trăng mặt trời, càng có/mau có quyền lực càng dễ coi nhẹ học hỏi, chịu lắng nghe, sửa mình; tệ hơn còn coi thường người có học vấn cao. Kinh nghiệm ở ngay những người cộng sản đứng lên kháng chiến, nhiều người thất học, khởi đầu có thể chỉ vì bị cư xử bất công, rồi được giác ngộ tinh thần dân chủ … Tới khi đạt được mục tiêu tranh đấu, họ sống trong hào quang, coi nhẹ việc phải nỗ lực bù đắp tri thức còn rất hạn chế của bản thân.

Duy cảm là đặc tính khá phổ biến ở người Á Đông, người Việt có vẻ còn rõ hơn, còn với người cộng sản thì rất mạnh vì bản chất hệ thống khuyến khích cái tính đó. “Yêu nhau yêu cả đường đi …”, tất tật mọi thứ từ thần tượng/lãnh đạo/lãnh tụ đều hay ho cả. Nhưng tính nết đó không lợi cho việc phát triển một xã hội hiện đại, dễ suy xét mọi thứ không công bằng, chính xác. Trong đấu tranh dân chủ, những xét đoán cảm tính, những ứng xử nặng về cảm tình hay ác cảm, mà thiếu suy xét khách quan, lý tính thì đều dễ làm hỏng mối quan hệ trong giới, vô hình chung “giúp” thêm cho nhà cầm quyền bôi xấu, quấy phá.

Đóng cửa bảo nhau”, một câu châm ngôn phổ biến trong người Việt từ xưa; người cộng sản rất hợp, họ không muốn “vạch áo cho dân xem lưng”. Người tranh đấu cũng phải đối mặt với những tình huống này (sẽ bàn ở phần dưới).

“Xã hội dân sự ảo”

May thay! những người yêu chuộng tự do dân chủ đã có được một môi trường để “thở”, để hoạt động, tiếp xúc với nhau, với công chúng, động viên khích lệ, học hỏi, thể hiện quan điểm của mình và lắng nghe ý kiến người khác v.v.. mà đỡ bị sự áp chế của chính quyền. Đó chính là mạng xã hội.

Chỉ mới hơn chục năm nay, nhờ mạng xã hội, người dân nói chung đã có được nhiều nguồn thông tin nhanh, chính xác hơn; những tiêu cực xã hội, của chính quyền được phản ánh nhiều hơn, phải chịu sự phán xét của dư luận mạnh mẽ hơn. Báo chí nhà nước cũng chịu áp lực, không thể cứ một lối “tuyên truyền” cũ. Nhờ đó mà những người tranh đấu cũng có được ít nhiều sự bảo vệ, được đánh giá đúng hơn qua các đóng góp của mình. Quốc tế cũng biết nhiều, nhanh về họ hơn, để có thêm sự trợ giúp.

Thế nhưng, quá bỡ ngỡ trước một “xã hội” hết sức đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử loài người, không chỉ những người tranh đấu, mà cả mọi người dân đều đang chịu không ít tác động bất lợi từ mặt trái của mạng xã hội.

Những bài viết công phu, giúp nâng cao dân trí nói chung, trao đổi kinh nghiệm dân chủ dường như ít dần đi. Ngược lại, những dòng cảm xúc tức thì, những bình luận ngắn, cực ngắn thì phát triển như nấm. Người ta ngại viết/đọc dài hơn, thích xem/nghe nhiều hơn, dễ và nhanh bày tỏ tâm trạng, nhận xét hơn. Nóng nảy, vội vã, hời hợt, lầm lẫn là dễ mắc phải, nhất là khi chỉ phải đối mặt với màn hình, cả ẩn danh nữa. Mọi người trong cái “xã hội” kỳ lạ này đều rất nhanh chóng tập thích nghi với áp lực dư luận, nhưng phải cần thêm thật nhiều năm nữa.

Những người càng có nhiều ảnh hưởng với xã hội thì một lời nói, một câu viết sẽ càng gây tác động lớn hơn. Trên mạng xã hội, ảnh hưởng và điều kiện để tác động của họ còn lớn gấp bội; nhận diện ra nó cũng nhanh và rõ hơn hẳn, nhưng có khi lại hời hợt hơn hẳn so với ngoài xã hội. Lóa mắt, say mê với quyền lực trên mạng như thứ ma túy mạnh hơn nhiều ở ngoài đời, ngấm ngầm từng phút từng ngày. Không để tâm, thiếu ý thức trách nhiệm với điều này, hoặc có toan tính cá nhân, hậu quả sẽ không nhỏ cho xã hội và với thanh danh của mình. Chú tâm quá tới việc xây đắp hình tượng cá nhân mình thì cũng dễ lãng quên việc dung hòa nhiều quan điểm khác biệt.

Cũng “nhờ” mạng xã hội mà có những người dù chưa đóng góp được nhiều cho cuộc tranh đấu cho dân chủ, chưa có điều kiện cọ sát, thử thách, nhưng dám công khai đối đầu, thách thức bạo quyền, hợp “khẩu vị chính trị” nào đó trên mạng xã hội, chấp nhận tù đày, từ đó mau chóng thành “thần tượng”. Tới khi họ bộc lộ sơ xuất, lệch lạc nào đó, công luận dễ bị xốc, phản ứng thái quá.

Nhà cầm quyền, quá lo sợ ảnh hưởng của mạng xã hội, nên ngoài việc sử dụng bộ máy pháp luật, các văn bản luật, dưới luật để trừng phạt những tiếng nói phản biện, họ còn tận dụng mặt trái nói trên của mạng xã hội, trong đó có việc cho ra đời đội ngũ “Dư luận viên”, đứng sau vô số trang mạng, blog, Facebook, YouTube.

Từ đó, những người đấu tranh phải chịu áp lực nhiều chiều, khó phân biệt rành rẽ, từ dư luận trên mạng xã hội. Có thể họ phải “chiều theo” một luồng dư luận nào đó rất mạnh, trong khi bản thân mình không muốn, thấy không nên. Hoặc có khi họ có những mâu thuẫn trong nội bộ, không muốn để lộ ra, nhưng rồi bị rò rỉ, dư luận phán xét, lực lượng “Dư luận viên” đổ thêm dầu, … rất dễ dẫn đến uy tín bị hủy hoại.

Còn khi có xung đột nội bộ, họ đứng trước lựa chọn có công khai tranh luận hay không? Cố che giấu có thể lại mắc chính cái bệnh của người cộng sản, còn đem ra trao đổi (phải đưa lên mạng, vì bị dò xét, cấm cản gặp gỡ, tụ họp), thì lại phải chịu sức ép quá lớn, phức tạp của mạng xã hội, trong đó lẫn lộn lực lượng “Dư luận viên” nguy hiểm.

Sống “lưu vong”

Ngày càng nhiều người trong giới tranh đấu phải chọn con đường sống “lưu vong”, mà phần lớn là bước từ nhà tù trong nước sang Mỹ, Canada, Úc, châu Âu. Họ được chính phủ các nước này bảo lãnh vì chính sách nhân đạo, khuyến khích tự do dân chủ.

Có nhiều thuận lợi lẫn khó khăn cho những nhân vật này nếu như họ quyết tiếp tục con đường tranh đấu của mình.

Thuận lợi thì dễ thấy. Trước hết, họ như từ địa ngục vút lên thiên đường, nhất là đời sống tinh thần. Được thương yêu, giúp đỡ, tự do gặp gỡ trao đổi, học hỏi … Nếu muốn viết gì về kinh nghiệm tranh đấu của bản thân, hay bình luận về tình hình trong nước, họ không còn phải sợ hãi, tránh né, phải uốn cong ngòi bút.

Tuy nhiên, xa rời môi trường hoạt động khốc liệt mà sống động, cùng gần trăm triệu người dân trong nước là khó khăn lớn nhất; những vốn liếng từ đó qua quá trình hoạt động sẽ vơi dần theo năm tháng. Họ dần hòa vào xã hội sở tại như bao người Việt khác, nhưng không được về nước.

Tâm lý người Việt, cùng lối tuyên truyền của chế độ cộng sản dễ đem đến mối nghi ngại, ác cảm với người ra đi, cho dù họ đã phải hy sinh lớn tới đâu. Tâm trạng muốn ngơi nghỉ, (thậm chí) hưởng thụ, thực tế áp lực phải kiếm kế sinh nhai, phải có địa vị xã hội nhất định dễ làm họ buông xuôi.

Môi trường người Việt hải ngoại có những đặc thù mà người trong nước mới sang không dễ hiểu và hòa nhập. Do có nhiều ảnh hưởng, lại mang hơi thở tranh đấu mới mẻ từ trong nước sang, họ được nhiều tổ chức chính trị xã hội ở nước sở tại muốn tranh thủ. Hiện tượng “cưng chiều” quá mức cũng có mặt trái nguy hại. Lựa chọn một lối sống, cách hoạt động khôn ngoan, thích hợp là không dễ chút nào. Đã có những người thất bại, hoặc tạm thời im tiếng do phải chịu những va đập gay gắt trong cộng đồng.

Không trực tiếp đàn áp được, nhưng chính quyền trong nước cũng không thiếu những phương cách gián tiếp “làm khó” những nhân vật tranh đấu “lưu vong” này, qua mạng lưới điệp viên, cảm tình viên …, thậm chí cả những tổ chức, cơ quan truyền thông trá hình “chống cộng”. Không như thời “bao cấp”, nay người ta đã rất chịu vung tiền cho những hoạt động này và nếu cần có thể ra tay tàn khốc. Ngay cả từ trong nước, qua báo chí, các trang mạng, blog, FB ẩn danh, ngụy danh … chính quyền cũng có cách làm giảm uy tín, bôi xấu, chia rẽ những nhân vật này với người trong giới và người dân.

Những tranh cãi mâu thuẫn, vài hình ảnh bị hoen hố, lu mờ dần đi quanh một số nhân vật là bài học rất tốt cho tất cả, từ những người trong cuộc lẫn mọi người dân mến chuộng, ủng hộ họ. Ai quá chủ quan, hiếu thắng, say mê quyền lực (dù mới chỉ trên mạng), không chịu lắng nghe, học hỏi, sửa mình, biết tận dụng những thuận lợi lớn mà trong nước không thể có, ắt sẽ thất bại trong lý tưởng của mình một thời. Một mình mình sẽ chẳng làm được gì đáng kể, mà phải dựa vào đông đảo quần chúng, trong đó không ít người phê phán gay gắt mình. Người “phản biện” cần làm gương chịu lắng nghe “phản biện”, chớ vội chụp mũ tất cả lời nói trái tai mình đều là từ “Dư luận viên”. Những tiếng nói thẳng thắn giúp họ sửa mình là rất cần thiết, không nên vì thế mà có cái nhìn tiêu cực về công cuộc tranh đấu cho dân chủ.

Chút kinh nghiệp cá nhân

Tôi đã từng có những may mắn để thấy được và tiếp nhận được ít nhiều những giá trị của tri thức, của những tư tưởng văn minh tiến bộ của loài người. Để đến khi rơi vào hoàn cảnh tưởng như bất hạnh nhất, tù đày, tôi vẫn thấy cái “được” đối với mình lớn hơn cái “mất”.

Mười năm ăn học, công tác trong ngành công an, tôi cho là quãng thời gian u tối nhất về kiến thức văn minh của nhân loại. Nhưng chính nó lại cho tôi thấy rõ giá trị của việc phải tự mình học hỏi và góp phần nâng cao dân trí tới đâu, thôi thúc tôi phải vượt thoát khỏi nó.

Mười năm chuyển công tác sang Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, tôi như từ hang tối vút tới trời xanh. Đó là nơi giúp mở mang ra thế giới bên ngoài thuận lợi nhất ở Việt Nam trong những năm trước Đổi mới. Tôi cố tận dụng tối đa điều kiện ở đó.

Năm năm bị buộc phải trở lại cái “hang tối” xưa, tôi chấp nhận mọi thiệt thòi, không đi làm để tập trung học thêm nhiều kiến thức mà cái bằng đại học công an không hề có.

Mười lăm năm bỏ nhà nước, ra kinh doanh, hoạt động trên mạng xã hội, tôi bước thêm một bước dài trên con đường giác ngộ tri thức, về tự do dân chủ, đóng góp cho xã hội; đặc biệt không còn phải day dứt hàng ngày với đồng tiền mình kiếm ra như khi còn là người nhà nước.

Năm năm trong tù là lúc tận dụng, không bỏ phí thời gian để đọc sách, viết, học hỏi, thu nạp thêm hiểu biết thực tế về một môi trường hoàn toàn khác biệt, và tranh đấu trên một mặt trận khác. Động viên các bạn tù (cả cán bộ trại giam) đọc sách, “đừng để phí đời tù”, cố gắng với trợ giúp của gia đình, bạn bè xây dựng tủ sách trong khu “chính trị” của trại giam.

Đó cũng là quãng thời gian giúp mình tĩnh tâm nhìn lại tất cả, trong đó có cả những khiếm khuyết, chủ quan, độc đoán, tự mãn của mình trong 7 năm hoạt động trên mạng xã hội, mà nếu cứ tiếp mãi lối mòn sẽ dễ phạm sai lầm, thui chột năng lực, méo mó tính cách v.v..

Trở lại khung trời tự do suốt một năm qua, có một vài người hỏi nhận xét của tôi về phong trào đấu tranh cho dân chủ, mà theo họ là đang đi xuống. Nhưng tôi cho là ngược lại, một không khí dân chủ lan tỏa rộng lớn chưa từng thấy, trong đó có nhiều sáng kiến của những bạn trẻ yêu nước.

Không thể chỉ nhìn vào số người tranh đấu bị bắt, bỏ tù, bị sách nhiễu. Không thể chỉ quan tâm tới vài ba vụ cãi vã, chia tay của một số người có tiếng trong phong trào, về việc khó có nổi một tổ chức xã hội “thực thụ”. Cũng không nên đánh giá tình hình chỉ qua hiện tượng có hay không những cuộc biểu tình yêu nước. Những nhà hoạt động dân chủ chỉ là con số vô cùng nhỏ trong cái biển quần chúng đang lặng lẽ bằng nhiều cách tranh đấu cho những quyền hiến định của mình. Đừng mong trong hoàn cảnh khắc nghiệt này mà chỉ mươi năm thôi là không khí dân chủ trong xã hội biến chuyển hẳn được.

Bên cạnh đó, cũng rất nên nhìn nhận một cách bình tĩnh, công bằng, rằng không ít thay đổi từ phía chính quyền, theo chiều hướng tích cực, một phần nhờ vào những tác động không nhỏ của đông đảo quần chúng tiến bộ, trong đó có đóng góp của giới tranh đấu.

Còn nhớ, khi mới mở blog trên hệ thống Yahoo!360, năm 2007, tất tật cộng đồng mạng chuyên chú vào những chuyện giải trí “vui vẻ” hàng ngày, blog nào có xu hướng bàn về chính trị thì bị chê khô khan, rất ít người đọc. Người ta cũng chỉ có khái niệm blog là “nhật ký cá nhân”, hầu như không ai nghĩ tới nó có thể, sẽ như một trang báo tư nhân. Nhưng tôi cùng các cộng sự vẫn kiên định một phương pháp: chỉ bàn chủ yếu chuyện chính trị, nâng cao dân trí, biến blog thành trang báo tư nhân; và cho rằng mình đã thành công. Yahoo!360 chỉ cho kết bạn đến 300, Facebook đã đến 5000 cùng nhiều tính năng khác hẳn, sức lan tỏa gấp bội.

Nay thì hàng vạn, triệu người dân yêu nước, bằng muôn vàn cách khác nhau, thoắt ẩn thoắt hiện, thay đổi phương pháp mềm dẻo không ngừng, đang làm chủ mạng xã hội, tự trở thành những “nhà báo nhân dân” với trang “báo” của riêng mình. Không phải chỉ như các nhà tranh đấu, họ trang bị kiến thức cho mình, cho nhau về văn minh dân chủ, pháp luật để chống lại bất công; chậm rãi, nhẹ nhàng mà chắc chắn. Từ đó họ tạo ảnh hưởng lớn tới toàn bộ làng báo chí quốc doanh, tới cuộc sống ngoài xã hội, tới giới chức nhà nước - buộc phải luôn dè chừng, không dễ tự tung tự tác như xưa. Họ mới thực sự đang nhìn xa, trông rộng cho cuộc nâng cao dân trí toàn xã hội; trong khi giới đấu tranh dân chủ lại dễ bị sa vào chính trị thuần túy.

Những loay hoay quy hoạch, sắp xếp lại báo chí (nhưng sẽ chẳng hơn gì), hay những phát ngôn đầy vẻ tức tối, rằng “mạng xã hội chửi từ trên xuống dưới, chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay” chính là chút minh chứng cho sự bất lực trước làn sóng tranh đấu cho dân chủ, nâng cao dân trí rộng khắp trên thứ môi trường đặc biệt này.

Bằng phương tiện đó, người dân Việt Nam đang cùng giúp nhau tích cóp những kiến thức, kinh nghiệm để tự bảo vệ mình, giúp cho việc hình thành một xã hội dân sự đích thực trong tương lai.

Những người tranh đấu, nếu chú tâm tới hiện tượng đó, sẽ thấy mình cần thay đổi không ngừng; cần hòa điệu hơn, nương mình vào không khí, làn sóng đó hơn; giảm đi cái cá nhân, tư tưởng muốn làm “lãnh đạo”, coi mình là trung tâm.

Hà Nội, Tháng 4/2020

XS
SM
MD
LG