Từ thảm họa cá chết tới hạn hán và lũ lụt, môi trường Việt Nam đã hết ngưỡng chịu đựng.
Đó là lời giải trình tại quốc hội của bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà tại phiên họp quốc hội hôm 2/11 được truyền hình trên VTV1:
"Sau hàng loạt sự cố, chúng ta nhận thấy môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa."
Những vụ cá chết hàng loạt trên biển miền Trung và các sông hồ ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng như các trận lụt lớn gần đây đều được cho là có liên hệ tới sự tập trung vào phát triển kinh tế mà không chú trọng đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Theo bộ trưởng Hà, ngay sau sự cố môi trường biển miền Trung chính phủ đã tiến hành rà soát toàn bộ nguồn thải trong quá trình phát triển kinh tế trước đây. Nhưng gần đây ông công nhận rằng chính phủ đã xử lý chậm chạp trước thảm họa cá chết do tập đoàn Formosa xả thải độc gây nên.
Những vụ cá chết hàng loạt gần đây trên các hồ ở Hà Nội, nhất là trên Hồ Tây, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự “không thể chịu đựng hơn được nữa” của môi trường thiên nhiên trong sự phát triển ồ ạt về công nghiệp cũng như quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Môi Trường và Cộng Đồng Nguyễn Ngọc Lý nhận xét với VOA Việt Ngữ:
"Trong sự phát triển nhanh về công nghiệp và về đô thị hóa hiện nay, nó đã đẩy đi quá nhanh mà việc bảo vệ môi trường đang rất bị hạn chế không theo kịp với sự phát triển đó. Và cũng như các nước, nó sẽ phải đi theo một lộ trình khá là vất vả."
Người đứng đầu bộ TN&MT cũng đã nhận định tại quốc hội hôm 2/11 rằng “lâu nay môi trường đi sau phát triển” và kêu gọi cho việc chú trọng vào đầu tư cho môi trường ngay từ đầu:
"Trước đây môi trường thường đi sau các hoạt động phát triển – phát triển trước làm sạch sau – thì hiện nay vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình đó. Trước đây chúng ta bảo vệ môi trường trong phát triển nhưng bây giờ môi trường phải nằm ngay trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược và quy hoạch."
Ông Hà nói với các đại biểu quốc hội rằng bộ “đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở, từ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho đến các ngành xả thải nhiều như khai thác khoáng sản, giấy, dệt, nhuộm.” Dựa theo những dữ liệu đó, bộ trưởng kêu gọi có các biện pháp quyết liệt và nghiêm túc trong việc thực hiện luật môi trường.
Nhận xét về vấn đề thực thi luật, chuyên gia môi trường Lý nói:
"Những cơ chế hoặc những luật hiện nay ra chưa đủ mạnh để có thể kiểm soát được các ô nhiễm thải xuống sông, hồ hoặc các thủy vực khác nhau. Và khi anh không kiểm soát được ô nhiễm, thì ô nhiễm rất là lớn, thì nó có thể tạo ra hàng loạt các vấn đề như hiện nay chúng ta thấy."
Nhiều chuyên gia cho rằng sự hủy hoại về môi trường là cái giá mà Việt Nam đang phải trả cho sự phát triển quá nhanh và thiếu kiểm soát.
Để giải quyết vấn nạn môi trường đang đến mức báo động, bộ trưởng Hà cho quốc hội biết sắp tới bộ sẽ “đề xuất sửa luật Môi Trường, sửa luật Đầu Tư và doanh nghiệp trong đánh giá tác động môi trường, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường.” Ông Hà kêu gọi chấm dứt sử dụng công nghệ lạc hậu và Việt Nam phải hướng tới xu hướng của thế giới là phát triển 1 nền kinh tế xanh và nền kinh tế carbon thấp.