Đường dẫn truy cập

Về lại Camp Pendleton


Tác giả mặc áo màu xanh biển, ngồi bên phải, chụp hình kỉ niệm với bạn trong Camp Pendleton năm 1975 (ảnh Bùi Văn Phú)
Tác giả mặc áo màu xanh biển, ngồi bên phải, chụp hình kỉ niệm với bạn trong Camp Pendleton năm 1975 (ảnh Bùi Văn Phú)

Lái xe trên Xa lộ 5 từ Quận Cam xuống San Diego, trên đường có bảng tên và bảng chỉ lối vào Camp Pendleton, là căn cứ thuỷ quân lục chiến Mỹ có chiều dài hơn 20 dặm.

Đối với người Mỹ gốc Việt, đặc biệt với nhiều người ở Quận Cam, Camp Pendleton là một cái tên gợi nhớ vì trong căn cứ này vào cuối tháng 4/1975 những lều trại đầu tiên được gấp rút dựng lên để đón người tị nạn vào Hoa Kỳ. Đây đã là nơi tạm trú của 50 nghìn người, hầu hết đến từ Nam Việt Nam và một số ít từ Campuchia. Những người Việt được đưa đến đây là trong số 130 nghìn người đã rời khỏi quê hương khi quân cộng sản tiến vào Thủ đô Sài Gòn ngày 30/4/1975 đưa đến việc chính quyền Việt Nam Cộng hòa đầu hàng.

Người Việt di tản khỏi Việt Nam bằng máy bay hay bằng thuyền bè được đưa đến Philippines, đảo Guam hay đảo Wake, cùng lúc chính phủ Mỹ mở ra bốn trại để đón người tị nạn vào nội địa là Camp Pendleton ở California, Fort Chaffee ở Arkansas, Eaglin Air Force Base ở Florida và Indiantown Gap ở Pennsylvania.

Nơi đây 40 năm trước là những lều trại đón người tị nạn (ảnh Bùi Văn Phú)
Nơi đây 40 năm trước là những lều trại đón người tị nạn (ảnh Bùi Văn Phú)

Tôi rời Việt Nam chiều 29/4/1975. Hành trình đến Mỹ đã qua các nơi: một tuần neo ngoài biển Singapore, 6 tuần trên Grande Islands trong căn cứ Subic Bay của hải quân Mỹ ở Philippines, một tuần ở Guam và hơn một tháng ở Camp Pendleton.

Đầu tháng 8/1975 tôi rời Camp Pendleton, theo gia đình ông anh họ là thẩm phán Trần An Bài ra định cư tại thành phố Berkeley ở miền Bắc California.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tình nguyện gia nhập Peace Corps và được gửi sang Togo, châu Phi dạy học. Năm 1986 tôi về Đông nam Á làm việc cho Cao ủy Tị nạn nên đã trở lại thăm Singapore và Subic Bay vào cuối thập niên 1980.

Bốn mươi năm qua chưa về Guam thăm Asan hay về lại Camp Pendleton. Đã nhiều lần lái xe trên Xa lộ 5, nhìn thấy căn cứ của thủy quân lục chiến rộng lớn bên triền đồi, nhưng chưa có dịp ghé thăm, vì e ngại ra vào cơ sở quân sự có khó khăn, cần giấy phép.

Cuối tháng Tư vừa qua tôi đã về lại nơi mình đầu tiên đặt chân vào đất Mỹ cách đây bốn mươi năm. Chỉ hai vợ chồng tôi tìm đến chỗ đã từng là lều trại vào năm 1975.

Đúng ra sẽ có hàng nghìn người cũng đến trong một sinh hoạt tưởng niệm 30/4, nhưng ban tổ chức phía người Việt đã quyết định hủy chương trình tại đây vì không được phép hát quốc ca và chào quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa cũ.

Khu ba-rắc nay vẫn còn (ảnh Bùi Văn Phú)
Khu ba-rắc nay vẫn còn (ảnh Bùi Văn Phú)

Thất vọng khi hay tin chương trình họp mặt được dời về địa điểm mới trong khu vực Little Saigon, nhưng tôi quyết định vẫn về thăm lại trại nên đã lên mạng tìm điện thoại, email để hỏi việc xin giấy vào căn cứ quân sự ra sao.

Các cơ quan điều hành trại tôi hỏi, khi nhắc đến sự kiện người tị nạn Việt đã đến đây 40 năm trước thì có người biết, người không. Khi hỏi về khu lều trại tị nạn cũ, không ai biết ở đâu trong căn cứ. Tất cả đều nói để được vào căn cứ chỉ cần bằng lái xe hay hộ chiếu. Vào cổng chính sẽ có thông tin hướng dẫn.

Sáng sớm thứ Bảy 25/4, từ vùng Vịnh San Francisco chúng tôi bay xuống nam California rồi mướn xe lái đi Camp Pendleton.

Trên đường, ghé phố Bolsa ăn sáng. Little Saigon ngập bóng cờ vàng, cờ hoa. Bốn mươi năm trước nơi đây còn là những cánh đồng cây trái.

Vào quán phở, gặp một bác mặc áo thun vàng trước ngực có in hình trống đồng và chim lạc bên hàng chữ đỏ “Commemorating 40 Years of Vietnamese Americans: Journey to Freedom & Beyond - Tưởng niệm 40 Năm Hành trình đến Tự do và Vươn tới” là chủ đề của buổi lễ dự định được tổ chức tại Camp Pendleton.

Tác giả đứng bên tượng đài Hand of Hope, Bàn tay Hy vọng, tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Lưu Đạt (ảnh Bùi Văn Phú)
Tác giả đứng bên tượng đài Hand of Hope, Bàn tay Hy vọng, tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Lưu Đạt (ảnh Bùi Văn Phú)

Muốn mua một áo làm kỉ niệm, mấy bác chỉ cho nơi bán gần tiệm phở. Tôi cũng hỏi thăm từ đây đến Camp Pendleton bao xa. Một bác cho biết quãng đường là 21 dặm và cũng nói chương trình đã bị hủy bỏ như tôi biết.

Hành trình tìm về trại tị nạn xưa của tôi tưởng dễ, nhưng không.

Từ Little Saigon, lái xe trên Xa lộ 5 gần một giờ đồng hồ thì đến thành phố Oceanside, theo bảng chỉ đường dẫn vào cổng chính Camp Pendleton. Anh lính gác hỏi tôi đi đâu. Tôi nói muốn đến nơi ngày xưa là trại tị nạn cho người Việt. Anh nói chương trình đã hủy bỏ. Tôi trả lời có biết, nhưng vẫn muốn ghé lại vì đã sống ở đó vào năm 1975. Anh yêu cầu cho xem bằng lái xe. Tôi đưa cho anh và hỏi đường. Anh nói không biết, cứ vào trong sẽ có thông tin hướng dẫn.

Không ngờ việc vào một căn cứ quân sự lại dễ dàng đến thế. Vào trong thấy những cửa hàng, siêu thị và một bệnh viện cao tầng. Chắc chắn đây không phải là khu vực trại tị nạn cũ vì quá gần với xa lộ và thành phố.

Vào sâu hơn là những cơ sở huấn luyện quân sự. Đường dẫn lên núi, hai bên là nhà kho, thỉnh thoảng có khu gia binh.

Không thấy bảng hướng dẫn chỉ đường đến trại tị nạn cũ hay tượng đài kỷ niệm mà vài hôm trước tôi thấy trên báo Việt ngữ có đăng hình, đứng cạnh tượng là những người cầm cờ Hoa Kỳ và cờ Việt Nam Cộng hòa. Lúc tôi rời trại, tượng sắp hoàn thành, còn mầu xi-măng. Trong ảnh mới nhất tượng có mầu trắng.

Ghé vào tiệm McDonald trong căn cứ. Hỏi một người lính già, hỏi một anh lính trẻ cũng không ai biết gì về lều trại 40 năm trước hay về tượng đài.

Thẻ ăn của người tị nạn (ảnh Bùi Văn Phú)
Thẻ ăn của người tị nạn (ảnh Bùi Văn Phú)

Anh lính trẻ cho chút hy vọng khi anh nói nếu tiếp tục đi vào sâu hơn, chừng mươi phút lái xe sẽ thấy một bảo tàng. Ở đó sẽ có thông tin tôi muốn tìm.

Đến nơi, Mechanized Museum đóng cửa. Chung quanh có súng đạn, xe tăng được trưng bày.

Tôi trở ra. Vào PX trong khu gia binh tìm mua bản đồ. Chị bán hàng nói phải ra gần cổng chính, vào cửa hàng lớn MCX mới có bản đồ căn cứ. Tôi hỏi có biết nơi đặt tượng đài kỉ niệm người tị nạn, chị không biết nhưng rồi giới thiệu tôi cho một người lớn tuổi. Ông chỉ đường đến bệnh viện hải quân cũ, nay không còn sử dụng. Tôi mừng khi nghe được hai chữ “Naval Hospital” vì còn ghi trong kí ức. Đây là nơi trong thời gian ở trại tôi đã có một lần ghé.

Theo lời chỉ dẫn, chạy về hướng Lake O’Neil thì thấy bệnh viện. Nay bỏ hoang. Đúng là nơi tôi đã có dịp ghé qua cách đây 40 năm.

Nhớ mãi nơi này vì từ khi rời Việt Nam tôi chỉ ở lều trại, ngủ trên ghế bố mà chung quanh toàn cây xanh như ở Subic Bay, đồng cỏ khô như ở Camp Pendleton hay trơ trọi giữa nắng gió biển như ở Guam, vì thế được vào một nhà kiếng cao tầng như bệnh viện này là một sự kiện không phai mờ trong kí ức.

Thời gian sống trong Camp Pendleton tôi chỉ có hai dịp ra khỏi khu lều trại bằng xe buýt nhà binh. Một lần đi PX với ông anh họ. Đến đó, anh mua cho các em những cuốn sổ tay để đi học Anh văn ghi chép và một ra-đi-ô cát-sét bốn băng để sáng nghe đài BBC, VOA và để sang lại những băng nhạc Việt đang được chuyền tay nhau vì sợ khi rời trại sẽ không còn tìm thấy.

Tờ giấy ghi nơi cư ngụ là lều trại của một số bạn quen (ảnh Bùi Văn Phú)
Tờ giấy ghi nơi cư ngụ là lều trại của một số bạn quen (ảnh Bùi Văn Phú)

Một lần đi xa khác là đến bệnh viện này. Tôi mừng khi nhận ra nơi mình đã từng ghé qua. Ngày đó, vừa bước vào cửa bệnh viện là cảm nhận ngay được một mùi thơm đặc biệt.

Sau khi chụp ảnh kỉ niệm, tôi lái xe vòng quanh khu vực nhưng không tìm ra tượng đài hay dấu tích trại tị nạn cũ.

Trở ra cổng chính, vào một cửa hàng MCX lớn như Costco tìm mua bản đồ. Cô bán hàng nói không có bản đồ in rồi dẫn tôi đến quầy dịch vụ khách hàng. Ở đó tôi nhận được bản copi vẽ sơ đồ trại. Hỏi về tượng đài, lấy bàn tay để diễn tả, cô tiếp viên nói nếu không biết ở khu vực số mấy sẽ khó tìm ra vì căn cứ rất rộng. Cô cho một số điện thoại, đề nghị tôi gọi đến đó sẽ có câu trả lời. Tôi gọi, nhưng không ai nhắc máy.

Sau hai giờ loanh quanh trong trại mà không có hy vọng, nhà tôi đã muốn bỏ cuộc. Tôi vận động tinh thần, kể rằng khi tôi đi Cuba, tiếng Tây Ban Nha không rành thế mà còn tìm ra được quán ăn Việt duy nhất ở Thủ đô Havana và nơi đặt tượng đài Hồ Chí Minh, trong khi ở đây là đất nước mình, ngôn ngữ sành sõi mà lại không tìm ra nơi muốn đến thì thật vô lý.

Dùng iPhone tìm cụm từ “Camp Pendleton and Vietnamese refugees 1975” thì ra hình tượng đài trong một bài báo tiếng Anh. Lần mò rồi tìm ra tên trại Talega trong Area 64. Xem sơ đồ có ghi khu vực này.

Ra khỏi cổng chính Camp Pendleton, chúng tôi đi ngược Xa lộ 5 về hướng bắc. Nửa giờ sau vào đến cổng San Onofre. Sau khi trình bằng lái xe, hỏi đường lên khu Talega, anh lính nói cứ chạy về phía phải sẽ thấy.

Lời bài hát “Còn chút gì để nhớ” của Phạm Duy được tác giả chép lại trong ngày 3/7/1975 khi sống trong trại (ảnh Bùi Văn Phú)
Lời bài hát “Còn chút gì để nhớ” của Phạm Duy được tác giả chép lại trong ngày 3/7/1975 khi sống trong trại (ảnh Bùi Văn Phú)

Trời trở nên âm u và bắt đầu mưa. Sau đoạn đường ngắn có nhà thì toàn đồi cỏ khô. Coi sơ đồ thấy vài con đường nhưng phải chạy khá xa mới có một ngã rẽ trái lên núi. Tôi quay ngược lại nơi gần cổng vào để dò hỏi rõ trước khi tiếp tục leo núi.

Đến khu có cửa hàng, hỏi mấy bạn trẻ nhưng cũng không ai biết. May thấy hai anh lính MP, tôi hỏi về lều trại và lại đưa bàn tay ra làm dấu tượng đài. Một anh biết rõ nơi tôi đang muốn đến, chấm lên sơ đồ và chỉ đường rành rẽ.

Đường leo núi không một bóng xe. Hai mươi phút sau tượng đài mầu trắng hiện ra trước mắt. Lúc đó gần 3 giờ chiều.

Trời mưa to, âm u nhưng lòng tôi vui vì đã về lại được nơi mình đã từng sống tạm 40 năm trước. Chỗ này là nơi bắt đầu con đường dẫn vào lều trại, giờ hai bên chỉ cỏ khô. Ngày trước quanh đây có đặt vài văn phòng tiền chế là nơi người tị nạn mới đến khai hồ sơ, làm thủ tục nhập trại. Bây giờ có một căn nhà kiểu trại lính ở bên phải.

Từ ngoài là trại 8. Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã sống trong trại này. Vào trong là lều ăn, lều tắm. Trại 5, nơi tôi ở nằm bên trái. Bên phải là trại 4, 6. Sâu hơn là khu ba-rắc trại 1, 2 và 3.

Những ba-rắc còn đó. Vẫn những con số của từng căn như cách đây 40 năm đã là địa chỉ của người tị nạn. Gần đó là mảnh đất sinh hoạt cho trẻ em vào ban ngày, tối là nơi chiếu phim. Hàng ghế gỗ vẫn còn nhưng đã mục nát nhiều. Sân đá bóng gần đó tôi không nhận ra vì đã phủ cỏ khô.

Tôi ở Trại 5, Khu 9, Lều 12. Nằm chỗ nào trên đoạn đường này tôi không thể định vị trí chính xác được vì giờ toàn cỏ khô. Chỉ phỏng đoán rồi dừng xe chụp hình.

Kí ức 40 năm trước hiện về rõ như một khúc phim. Tôi nhớ những buổi học tiếng Anh trong lều với các thày Đỗ Đình Tuân, Tạ Quang Khanh, Trần Văn Chương, với cô Kelly. Nhớ buổi họp mặt sinh viên luật với giáo sư Nguyễn Văn Canh. Nhớ lễ Chúa Nhật với cha Nguyễn An Ninh.

Phố Bolsa của Little Saigon tưởng niệm 40 năm ngày 30/4 (ảnh Bùi Văn Phú)
Phố Bolsa của Little Saigon tưởng niệm 40 năm ngày 30/4 (ảnh Bùi Văn Phú)

Nhớ căn lều ở chung với các anh chị thỉnh thoảng buổi chiều yên tĩnh nghe có tiếng rắn rung chuông mà sợ. Nhớ các bạn mới quen trong trại: Nguyễn Thị Thủy, Trần Năm Châu, Nguyễn Huy Dư là sinh viên Đại học Sài Gòn. Nhớ các anh Nguyễn Văn Bút, Nguyễn Văn Chinh là lính hải quân. Nhớ cô gái tên Lê Thị Phương Trang dễ thương ở gần lều.

Nhớ những bài ca quen thuộc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương vang vang trong lều mà những khi nhớ nhà tôi đã ngồi nghe và ghi lại. Nhớ những buổi tối ra bãi cỏ xem phim hoạt hình “Popeye The Sailor”. Nhớ những chiếc áo rộng thùng thình nhận từ hội từ thiện.

Nhớ những bữa cơm chiều có thịt gà với hàng người dài như rồng rắn. Nhớ cảnh nhà ăn vắng hoe vì món cá không hợp khẩu vị. Nhớ món chopsuey bữa trưa, cháo thịt bữa sáng. Nhớ táo, cam thơm ngon.

Con đường từ tượng đài vào đến khu ba-rắc tôi cảm thấy ngắn hơn nhiều so với 40 năm trước. Có lẽ giờ tôi lái xe, ngày xưa đi bộ.

Nếu chương trình tưởng niệm không bị hủy bỏ, lúc này đã có hàng nghìn người Việt ở đây.

Hy vọng 5 hay 10 năm tới người Việt sẽ có cơ hội cùng nhau về đây để nhớ lại những ngày buồn đau khi nghĩ về quê hương cũ và những ngày đầy lo lắng nghĩ đến tương lai nơi đất mới. Về đây để cùng nhau nhắc nhở cho thế hệ mai sau biết là từ vùng đồi cỏ khô này cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã được thành hình. Rồi phát triển và vươn lên.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG