Bốn mươi hai giáo sư và học giả về quan hệ quốc tế thuộc các trường đại học hàng đầu trên khắp nước Mỹ mới đây đăng một tuyên bố trên tờ New York Times bày tỏ sự ủng hộ đối với trật tự quốc tế và các định chế kèm theo vốn được xác lập dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ kể từ sau Đệ nhị Thế chiến và lên án lập trường của Tổng thống Donald Trump.
Cho đến thứ Hai ngày 13/8, tuyên bố này đã thu được 572 chữ ký ủng hộ của các giáo sư và học giả khác trên nước Mỹ và vẫn đang tiếp tục thu thập chữ ký.
Tuyên bố này khẳng định tầm quan trọng của trật tự quốc tế thời hậu chiến là đã đem đến những lợi ích quan trọng cho Mỹ cũng như những quốc gia khác.
Theo đó, các định chế như Liên Hiệp Quốc, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Liên minh châu Âu EU và cả định chế khác thời hậu chiến – những tổ chức bị ông Trump chĩa mũi dùi – ‘tất cả đều giúp đem đến ổn định về kinh tế và an ninh toàn cầu’.
Các vị giáo sư này nói rằng ‘chính các định chế đó đã góp phần tạo ra mức độ thịnh vượng chưa từng thấy và thời kỳ lâu nhất trong lịch sử hiện đại không xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc’. Họ cũng nhắc lại rằng chính Mỹ là nước đã xây dựng trật tự này và sự lãnh đạo của Mỹ lâu nay là hết sức quan trọng để đảm bảo cho trật tự này vận hành tốt.
Trong một lập luận phản bác lại ông Trump, các vị học giả tên tuổi này viết: “Mặc dù Hoa Kỳ phải gánh một phần lớn chi phí xây dựng trật tự này, nhưng nước Mỹ là nước được hưởng lợi rất nhiều từ nó. Thật vậy, Hoa Kỳ đã giành được ảnh hưởng quá lớn trong việc định hình các luật lệ của trao đổi quốc tế và hợp tác an ninh trong những cách mà giúp cho chúng ta bảo đảm lợi ích của mình trên toàn cầu.”
“Tuy nhiên, ngày nay, các định chế quốc tế đặt nền móng cho trật tự thế giới thời hậu chiến đang bị Tổng thống Donald J. Trump tấn công,” tuyên bố viết. “Là những học giả về quan hệ quốc tế, chúng tôi cảm thấy hoảng hốt trước sự tấn công này của ông Trump.”
Theo lời của các giáo sư này thì nước Mỹ ‘nên cải cách, chứ không phải phá hoại, trật tự mà đã phục vụ lợi ích nước Mỹ và các đồng minh trong hơn bảy thập niên qua’.
“Trật tự toàn cầu đương nhiên cần sự điều chỉnh lớn, nhưng chắc chắn không phải theo cách bạt mạng như ông Trump đang theo đuổi,” tuyên bố viết.
“Xây dựng các định chế là khó hơn là phá bỏ chúng. Gần như không có ai được lợi gì khi thế giới rơi vào vòng xoáy hỗn loạn khi không có những định chế hiệu quả để khuyến khích và tổ chức sự hợp tác.”
Trong bài viết đăng trên tờ Washington Post, hai giáo sư đến từ Đại học California ở San Diego (UCSD) là David A. Lake, giáo sư danh dự về khoa học chính trị, và Peter Gourevitch, giáo sư danh dự về khoa học chính trị và là người sáng lập ra Trường sau đại học về Chiến lược và Chính sách toàn cầu (GPS), trần tình: “Một số độc giả có thể nghĩ rằng những người ký tên vào tuyên bố này đơn giản chỉ là những học giả theo đường lối tự do muốn tìm cơ hội phê phán tổng thống. Nhưng đây là những người đã dành cả đời để nghiên cứu và phân tích cách vận hành của thế giới.”
Hai giáo sư này là những người dẫn đầu nỗ lực đưa ra tuyên bố này.
“Đúng là các đồng minh NATO không đóng góp một cách bình đẳng cả về tài chính lẫn quân sự. Nhưng nước Mỹ luôn là người chỉ huy NATO và định hình các chính sách của khối – trước hết là răn đe Liên Xô rồi sau này là Nga, và sau đó là trong cuộc nội chiến ở Nam Tư, Kosovo, Afghanistan, Libya và những nơi khác,” hai ông viết.
Trong khi đó, Tổng thống Trump chỉ nhìn vào các định chế này dưới con mắt lợi ích tiền bạc thay vì lợi ích chiến lược và an ninh của Mỹ.
Còn về WTO, hai vị giáo sư này cho rằng mặc dù đôi khi WTO cũng cáo buộc Mỹ vi phạm luật lệ nhưng nhìn chung tổ chức này vẫn trước sau thể hiện lợi ích của Mỹ. Chẳng hạn như, WTO đã giúp tự do hóa giao thương lĩnh vực chế tạo trong khi gạt qua vấn đề nhạy cảm về đối nội như là trợ giá nông nghiệp.
“Chính quyền Trump đã đặt lại vấn đề về cam kết của Mỹ đối với NATO, đe dọa rút Mỹ ra khỏi WTO và NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ) và áp thuế quan lên các đối tác của chúng ta dựa trên lập luận mơ hồ về an ninh quốc gia,” hai vị giáo sư chỉ trích.
“Làm như thế, Tổng thống Trump không chỉ từ bỏ quyền lãnh đạo của Mỹ đối với các định chế quốc tế này mà còn đe dọa phá bỏ trật tự mà những nhà lãnh đạo nước Mỹ trước ông đã gầy dựng.”
Tuy nhiên, hai vị giáo sư này thừa nhận có những học giả không tham gia ký vào tuyên bố này. Theo hai ông, đó là những người theo chủ nghĩa đơn phương hay chủ nghĩa dân tộc vốn đồng tình với phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump và nỗ lực của ông sử dụng quyền lực của nước Mỹ để đạt được những thỏa thuận tốt hơn cho Mỹ từ các đồng minh cũng như kẻ thù. Trong khi đó, những người chống toàn cầu hóa ủng hộ cách tiếp cận có kiểm soát hơn đối với dòng thương mại và đầu tư và đòi phải có cơ chế an sinh xã hội tốt hơn cho những người bị mất việc vì toàn cầu hóa. Những người theo các lập trường này tin rằng các định chế quốc tế đang tạo gánh nặng quá mức cho Mỹ và theo họ thì con đường thích hơp nhất là bãi bỏ trật tự thế giới hiên hành và xây dựng lại một trật tự mới cho phù hợp hơn với lợi ích hiện đại của Mỹ.
Cũng trong bài viết này, hai vị giáo sư này cũng cảnh báo rằng trong quá khứ, mỗi khi các học giả đưa ra các cảnh báo tương tự thì họ đều dự đoán chính xác.
Hai ông đưa ra dẫn chứng là vào năm 1930, 1.028 nhà kinh tế đã ký vào lá thư kiến nghị nổi tiếng phản đối sắc thuế Smoot-Hawley. Vào năm 2002, 33 học giả về an ninh đăng tuyên bố trên tờ New York Times phản đối cuộc chiến Iraq mà sau đó có thêm một lá thư ngỏ nữa với chữ ký của trên 850 nhà nghiên cứu.
“Những kiến nghị trước đây cho thấy các nhà nghiên cứu biết trước hậu quả những chính sách này đem tới. Sắc thuế Smoot-Hawley dẫn đến vòng xoáy đánh thuế trả đũa vốn khiến cho cuộc Đại suy thoái thêm trầm trọng. Cuộc chiến Iraq được tiến hành dưới cái cớ sai và trở thành một trong những cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ và đã không đem lại nền dân chủ ổn định ở Trung Đông như những người cổ súy mong muốn,” hai ông viết.
Hai ông cho biết là những vị giáo sư ký vào bản tuyên bố phản đối chính sách của ông Trump có những quan điểm khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, nhưng họ đều đồng ý rằng ‘nước Mỹ đang đi sai hướng’.
Các giáo sư tham gia ký vào Tuyên bố đến từ những trường đại học hàng đầu nước Mỹ như Harvard, Stanford, Columbia, Princeton, MIT, University of Pennsylvania, UC Berkeley, UCSD, Rice, Brown, Emory, George Washington University (GWU), Texas A&M, Houston University, University of Texas, University of Wisconsin ở Madison, Ohio State University và University of Rochester.
(Theo Washington Post/New York Times)