Đường dẫn truy cập

Chiến dịch mùa Đông của Putin


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã bay tới Washington để gặp Tổng thống Joe Biden và nói chuyện với quốc hội Mỹ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã bay tới Washington để gặp Tổng thống Joe Biden và nói chuyện với quốc hội Mỹ.

Chuyến đi Mỹ của ông Zelenskyy sẽ ảnh hưởng quyết định trên cuộc chiến trong Mùa Đông 2022-23 vì chỉ có những vũ khí tối tân của Mỹ mới giúp quân Ukraine đối phó với chiến dịch mùa Đông sắp tới của Vladimir Putin.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã bay tới Washington để gặp Tổng thống Joe Biden và nói chuyện với quốc hội Mỹ. Đây là chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên kể từ khi nước ông bị quân Nga xâm lăng vào tháng Hai năm nay.

Sau khi quân Ukraine tái chiếm nhiều phần đất bị quân Nga chiếm đóng, cuộc chiến tranh Ukraine đang ở trong tình trạng dằng co. Từ tháng Chín Ukraine đã tái chiếm tỉnh Khakiv, đoạt lại những vùng bị quân Nga chiếm ở phía Tây của hai tỉnh Luhansk và Donetsk giáp biên giới Nga. Tháng 11 họ đã đánh vào tỉnh Kherson bị Nga cướp từ ngày cuộc chiến bắt đầu, lấy lại được thủ phủ đầu tháng 12. Nhưng Ukraine đang bị đe dọa về kinh tế cũng như quân sự, trong lúc Putin đang chuẩn bị cuộc tấn công trong mùa Đông sắp tới.

Trong hai tháng qua, Nga áp dụng chiến tranh phá hoại, bắn vào các nhà máy và hệ thống điện trên toàn quốc với các hỏa tiễn tầm xa và các máy bay nhỏ không người lái, drones, do Iran cung cấp. Mùa Đông khắc nghiệt đang tới, Ukraine có thể sẽ lâm vào tình trạng thiếu điện, thiếu nước dùng, các cơ xưởng công nghiệp bị phá hoại hàng ngày.

Đại tướng Valery Valuzhny, tham mưu trưởng quân đội Ukraine nói với báo Economist tỏ ý lo lắng. Nga có thể tấn công cả hệ thống điện bằng những hỏa tiễn có sức tàn phá mạnh hơn và bắn xa hơn. “Tinh thần binh sĩ sẽ ra sao khi vợ con họ bị rét cóng? Không có điện, không có nước, không được sưởi, làm cách nào có thể đưa quân trừ bị ra chiến trường?”

Gần đây, quân Nga bắt đầu thay đổi chiến thuật, sau khi Tướng Sergei Surovikin nắm quyền tổng chỉ huy, từ tháng Mười. Nga sử dụng lực lượng lính đánh thuê Wagner làm đội quân xung kích, phần lớn đều thiện chiến nhờ kinh nghiệm trận mạc ở Syria, lại tuyển thêm những tù nhân bị tội tử hình hoặc khổ sai chung thân ở Nga, ra mặt trận sẽ được ân xá. Sau đó, đến những đám lính đánh thuê từ Chechnya, một vùng đã bị sáp nhập vào Nga sau khi bại trận. Những đám quân này đang tấn công thành phố Bakhmutt, tỉnh Donetsk, trong vùng vẫn còn thuộc chính phủ Ukraine. Thành phố này không có giá trị chiến lược nào quan trọng. Cho nên Tướng Valuzhny cho rằng người Nga chỉ muốn “cầm chân” quân Ukraine ở đó, dồn sức bảo vệ Bakhmut, sẽ yếu hơn trên các mặt trận khác. Ông Valuzhny khen Tướng Surovikin tỏ ra có sáng kiến nhưng nói mình sẽ không bị đánh lừa.

Lực lượng quân Nga vẫn đáng kể, mặc dù cuộc “tổng động binh” của ông Putin chỉ đưa ra mặt trận thêm 300,000 lính quân dịch không đủ khí giới, có khi thiếu cả thức ăn và quân phục. Nhưng bộ trưởng quốc phòng Estonia, ông Kusti Salm, nhận xét rằng hiện tượng họ huy động được một số lính đông đúc trong thời gian nhanh chóng như vậy cần phải được Ukraine và khối NATO chú ý. Khối NATO, đặc biệt là Anh quốc, đã mất 18 tháng để huấn luyện được 30,000 quân Ukraine, ông Salm nhắc nhở.

Với số quân đông đảo hơn, dù không thiện chiến, Nga có thể luân chuyển lính từ mặt trận về nghỉ ở hậu phương, rồi lại ra trận, thay phiên nhau. Đó là điều Tướng Valery Valuzhny nhấn mạnh khi ông nghĩ rằng cuộc động binh của Putin vẫn có hiệu quả. Một chứng cớ là Nga vẫn cố thủ được hai thành phố trong tỉnh Luhansk bị quân Ukraine tấn công, dù trong đó chỉ có những người lính động viên, huấn luyện sơ sài lo phòng ngự.

Tướng Valuzhny nghĩ rằng Putin đang chuẩn bị một cuộc tấn công vào mùa Đông, có thể bắt đầu vào tháng Giêng, tháng Hai, chậm nhất là tháng Ba năm 2023. Quân Nga sẽ phản công ở các tỉnh bị Ukraine chiếm lại, nhưng có thể lại tấn công vào tận thủ đô Kyiv.

Một mối đe dọa khác trên quân đội Ukraine là vùng biên giới Belarus, mà ông tổng thống Lukashenko vốn là đồng minh của Vladimir Putin. Tháng 11, bộ trưởng ngoại giao Vladimir Makai bị đầu độc chết, có thể do gián điệp Nga chủ mưu vì ông không muốn Belarus tham dự cuộc chiến Ukraine. Tổng thống Lukashenko đã phải thay đổi cả đầu bếp và những người phục dịch chung quanh vì lo sợ đến lượt mình bị hạ thủ, theo bản tin của báo Kyiv Post ngày 11 tháng 12. Đầu tháng 12, bộ trưởng quốc phòng Nga đã tới thủ đô Belarus và sau đó chính ông Putin cũng tới Minsk. Nga đã tập trung 9,000 quân ở biên giới Belarus, chỉ cách Kyiv hơn 200 cây số.

Trước ngày ông Zelenskyy lên đường, bộ trưởng quốc phỏng Nga Sergei Shoigu tuyên bố sẽ tăng quân số Nga từ 1,150,000 lên 1.5 triệu; ngoài số binh sĩ đi quân dịch sẽ có 695,000 lính tình nguyện, một phần sẽ được đưa tới biên giới phía Tây, vì Phần Lan và Thụy Điển sẽ gia nhập khối NATO. Trong khi đó, Ukraine chỉ có 200,000 quân chính quy giàu kinh nghiệm chiến trường, trong tổng số 700,000 gồm cả dân quân tình nguyện.

Trong dự án ngân sách mà quốc hội Mỹ sẽ biểu quyết trước khi đi nghỉ lễ, có $1.85 tỷ viện trợ cho Ukraine, đặc biệt nhất là lần đầu tiên sẽ cung cấp các tên lửa Patriot. Patriot là loại tên lửa rất hiệu quả chuyên nhắm đánh các hỏa tiễn của đối phương trong lúc còn đang bay tới đích. Hiện nay Mỹ chỉ cung cấp Patriot cho 10 quốc gia, trong đó có Israel, Đức, Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan; Ukraine sẽ là quốc gia thứ 11 được trang bị, sau Ba Lan.

Cùng với Patriot, ngân sách viện trợ mới cũng tặng thêm các loại bom có thể điều khiển sau khi phóng đi. Các phi cơ chiến đấu của Ukraine có thể lái trái bom nhắm trúng đích, như hỏa tiễn hoặc máy bay Nga. Đây chính là những vũ khí Ukraine đang cần để ngăn làn sóng lửa từ trên trời đánh xuống các thành phố. Việc huấn luyện quân sĩ để quen sử dụng các vũ khí mới này sẽ thực hiện ở Đức trong nhiều tuần lễ.

Đại tướng Valery Valuzhny nói rằng Ukraine đang cần thêm 300 chiến xa (xe tăng), 600 đến 700 xe chiến đấu cho bộ binh và 500 đại bác, Howitzers. Tất cả sẽ nhờ viện trợ của các nước tự do dân chủ mà hiện nay Mỹ, Anh quốc, Đức và Pháp đóng góp nhiều nhất. Các nước khác như Ý, Ba Lan, Cộng Hòa Tiệp, Thụy Điển, Phần Lan cũng hỗ trợ. Các nước nhỏ vùng Baltic viện trợ cho Ukraine với một tỷ số trên Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) lớn hơn tỷ số viện trợ của các cường quốc, vì họ lo Putin sẽ nhắm đến nước họ nếu thắng ở Ukraine. Đó cũng là mối lo của tất cả các nước trước đây thuộc Liên bang Xô Viết và các nước cộng sản Đông Âu.

Trước ngày ông Zelenskyy đi xe lửa qua Ba Lan để bay sang Washington, Tổng thống Biden đã đề nghị một ngân sách $37 tỷ mỹ kim viện trợ khẩn cấp cho Ukraine, nhưng quốc hội Mỹ đã biểu quyết tăng lên thành $45 tỷ.

Hiện nay đảng Dân Chủ còn kiểm soát Hạ viện nên thông qua các món viện trợ trên nhanh chóng. Trên thượng viện, cả hai đảng đều ủng hộ, chứng tỏ nước Mỹ hoàn toàn đứng sau lưng Ukraine, như Nghị sĩ Chuck Schumer, trưởng khối đa số tuyên bố. Các ngân sách $1.85 tỷ và $45 tỷ được hai viện bỏ phiếu trước ngày lễ Giáng Sinh vì mối lo ngại sang năm thành phần quốc hội sẽ thay đổi, đảng Cộng Hòa sẽ chiếm đa số ở Hạ viện sau cuộc bầu cử vừa qua.

Nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối Cộng Hòa ở Thượng viện cũng nói, “Lý do chính khiến chúng ta tiếp tục giúp Ukraine đánh đuổi quân Nga xâm lược là vì quyền lợi thực tế, lạnh lùng của nước Mỹ … Đánh bại cuộc xâm lăng của Nga sẽ giúp Âu châu tránh được các cuộc khủng hoảng an ninh sắp tới.”

Nhưng Dân biểu Cộng Hòa Kevin McCarthy, California, sang năm có thể sẽ làm chủ tịch Hạ viện, đã từng tuyên bố rằng sẽ ông không chấp nhận viện trợ vô giới hạn cho Ukraine, mà ông ví giống như ký một ngân phiếu để trắng cho người thụ hưởng viết số tiền vào.

Chuyến đi Mỹ của ông Zelenskyy sẽ ảnh hưởng quyết định trên cuộc chiến trong Mùa Đông 2022-23 vì chỉ có những vũ khí tối tân của Mỹ mới giúp quân Ukraine đối phó với chiến dịch mùa Đông sắp tới của Vladimir Putin. Liệu Tổng thống Ukraine có thể thuyết phục được những chính khách như ông Kevin McCarthy được không?

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG