Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuần này có chuyến thăm Mỹ với sự kiện quan trọng nhất là cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Donald Trump hôm 31/5 tại Tòa Bạch Ốc.
Trong một bài viết đăng hôm 29/5 trên trang tin Asia Sentinel, David Brown, người từng là một nhà ngoại giao Mỹ với nhiều kinh nghiệm về Việt Nam, cho hay sau khi ông Trump từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã xuất hiện những đồn đoán rằng Việt Nam có thể muốn đi đến một hiệp định thương mại song phương với Mỹ dẫn đến nhiều cải cách giống như các điều khoản của TPP.
Trong trương hợp điều này là sự thật, ông Brown nhận định rằng có lẽ việc khởi động đàm phán về thương mại song phương sẽ đứng đầu trong nghị trình của ông Phúc khi đến Washington.
Ông David Brown nhận xét rằng bản thân việc Thủ tướng Phúc gặp 30 phút với tổng thống Mỹ cũng là một sự kiện có ý nghĩa ở 3 khía cạnh.
Thứ nhất, các nhà ngoại giao hàng Việt Nam, trong đó có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ở Hà Nội và Đại sứ Phạm Quang Vinh ở Washington, đã thiết kế được một thời khắc quan trọng là cuộc gặp đầu tiên của ông Trump tại Tòa Bạch Ốc với một vị khách Đông Á.
Thứ hai, Việt Nam nhận được lý do để hy vọng rằng đàm phán thương mại có chất lượng như TPP có thể mang lại kết quả.
Thứ ba, ông Phúc sẽ có món quà cho Mỹ, đó là bày tỏ việc Hà Nội muốn mua một số mặt hàng quốc phòng tiên tiến của Mỹ. Đây sẽ là khía cạnh được ông Trump coi như là thành tựu của ông từ cuộc gặp.
Từ Anh quốc, Tiến sĩ về quan hệ quốc tế Đoàn Xuân Lộc viết trong một bài đăng hôm 28/5 trên trang Asia Times rằng xem xét những diễn biến trong quan hệ Việt-Mỹ từ tháng 12 năm ngoái - khi ông Trump trở thành tổng thống đắc cử - đến nay, và những trao đổi cấp cao sắp tới, có thể thấy rõ cả chính quyền của ông Trump và chính phủ Việt Nam đều coi trọng hợp tác Mỹ-Việt và sẵn sàng cải thiện điều này.
Theo Tiến sĩ Lộc, Mỹ và Việt Nam đều có những động lực về lợi ích để tăng cường quan hệ trong nhiều lĩnh vực quan trọng.
Một trong những lĩnh vực đó là thương mại. Việc ông Trump rút khỏi TPP là một đòn mạnh đối với Việt Nam. Thêm vào đó, Việt Nam bị chính quyền ông Trump liệt vào danh sách 16 nước bị điều tra về gian lận thương mại. Nhưng thay vì phản ứng tức giận, Việt Nam đã chọn thái độ hợp tác.
Hồi tháng 3, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang nói với Đại sứ Mỹ Ted Osius rằng Việt Nam “ủng hộ thương mại tự do trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi”. Phát biểu của ông Quang cho thấy Hà Nội lắng nghe quan ngại của ông Trump về sự bất cân đối thương mại và sẵn sàng làm việc với chính quyền của ông để làm cho thương mại trở nên cân bằng và cùng có lợi.
Việt Nam chọn lập trường như vậy vì tiếp cận Mỹ, thị trưởng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, có tầm quan trọng cấp thiết đối với nền kinh tế dựa vào xuất khẩu.
Trong năm 2016, kim ngạch thương mại Việt-Mỹ là 46,8 tỷ đôla, trong đó Việt Nam xuất sang Mỹ tới 38,1 tỷ đôla. Cũng năm 2016, kim ngạch thương mại Việt-Trung là 71 tỷ đôla, song Việt Nam nhập từ nước láng giềng khổng lồ tới 50 tỷ đôla.
Điều quan trọng hơn là so với thương mại Việt-Trung, thương mại Việt-My có tính bổ sung hơn và vì vậy có lợi hơn. Do đó, Tiến sĩ Đoàn Xuân Lộc cũng nhận xét rằng thương mại sẽ đứng đầu trong nghị trình của ông Phúc khi gặp ông Trump.
Vị tiến sĩ cho rằng một vấn đề quan trọng không kém sẽ được bàn thảo là tranh chấp Biển Đông.
Hồi tháng 3, Chủ tịch Quang của Việt Nam nói với Đại sứ Osius của Mỹ rằng ông Quang hoan nghênh sự hợp tác mạnh mẽ hơn của Mỹ với các nước trong khu vực để duy trì tự do hàng hải và hàng không, ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao và đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Phúc có lẽ sẽ nhắc lại thông điệp này khi đàm thoại với Tổng thống Trump hôm 31/5.
Vào lúc Philippines “đang tách ra” khỏi Mỹ và Malaysia ngày càng ngả về Trung Quốc, Việt Nam dường như là bên đòi chủ quyền về Biển Đông duy nhất - ở mức độ nhất định - vẫn còn chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam cũng là một trong những nước kêu gọi Mỹ có cam kết mạnh hơn đối với khu vực.
Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam có phần chắc sẽ trở thành một đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á trong nhiều năm nữa nếu Washington và Hà Nội đạt được những hiệp định quan trọng về thương mại, an ninh và các lĩnh vực khác để nâng cấp quan hệ hiện ở mức đối tác toàn diện hiện nay.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lộc chỉ ra rằng do chuyến thăm của ông Phúc diễn ra vào lúc ông Trump đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng, thật khó nói chắc chắn liệu ông Trump có ở vào vị trí thuận lợi để đạt được những đột phá như vậy hay không.
(theo Asia Sentinel, Asia Times)