Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: Việt Nam ‘rất cẩn trọng’ với Mỹ dưới thời Trump


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) bắt tay Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong dịp đến Hà Nội vào tháng 11 năm 2017.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) bắt tay Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong dịp đến Hà Nội vào tháng 11 năm 2017.

Vào thời điểm các nước trên thế giới đều tập trung chú ý ‘nhất cử nhất động’ trong quá trình chuyển giao quyền lực ở Washington để điều chỉnh các chính sách và chiến lược thích hợp, Việt Nam có vẻ như cố ý đẩy mình vào “sự đã rồi” khi ký kết vào Hiệp định “Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực” (RCEP) vốn được xem như chiếc “thòng lọng” của Trung Quốc đặt vào cổ các nước thành viên.

“Có chờ thì cũng không thay đổi gì và Việt Nam cũng biết như vậy. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao mà gần đây Việt Nam ký hiệp định thương mại RCEP”, Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Đại học Maine, Hoa Kỳ, đưa ra nhận định với VOA.

RCEP được ký kết vào ngày 15/11 mà không có nhiều “loa kèn” từ truyền thông lẫn các thành viên chính quyền tại Hà Nội như các hiệp định thương mại quốc tế lớn khác, cho dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là “niềm tự hào, là thành quả to lớn” sau 8 năm đàm phán.

Một số chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam bày tỏ lo ngại về “cái hại nhiều hơn cái lợi” mà hiệp định thương mại này mang đến cho Việt Nam trong tương lai, khi Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi nhiều hơn và tình trạng nhập siêu, phụ thuộc của Việt Nam vào quốc gia láng giềng này sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng mặc dù Việt Nam “có khả năng trì hoãn” việc ký kết hiệp định, nhưng Hà Nội không muốn làm như vậy vì “không muốn mếch lòng” láng giềng gần là Trung Quốc, giữa lúc không có nhiều dấu hiệu về một sự thay đổi ngoạn mục từ “bạn bè xa” là Hoa Kỳ, cho dù Washington đang trong quá trình thay đổi lãnh đạo.

“Vấn đề là đã ký rồi thì trong tương lai Việt Nam sẽ làm gì để bảo vệ mình?”, GS. Ngô Vĩnh Long đặt câu hỏi. Theo ông, Việt Nam có thể đã nghĩ đến việc sử dụng các hiệp định thương mại đã ký kết khác để chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của RCEP. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có chiến lược và nhân sự tốt, và điều quan trọng là phải có sự “đồng lòng” trong nội bộ lãnh đạo ở Hà Nội, điều mà ông tỏ ra nghi ngờ.

Riêng trong mối quan hệ với Mỹ, cường quốc có khả năng “đối trọng” với Trung Quốc, Giáo sư của Đại học Maine cho rằng mặc dù quan hệ về an ninh, quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn có những tiến triển nhất định, nhưng Hà Nội rất dè dặt và “cẩn thận” trong suốt thời gian 4 năm mà nước Mỹ nằm dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Trump, người đã công khai “tuyên chiến” với Bắc Kinh.

“Bởi vì Mỹ dưới thời ông Trump đã cắt đứt các quan hệ đa phương với các nước trong khu vực và trên thế giới, thành ra Mỹ bị cô độc, đơn thương độc mã, mà như vậy thì Việt Nam cũng khó mà tiến gần với Mỹ vì chưa chắc Mỹ có thể bảo vệ Việt Nam khi có chuyện gì xảy ra. Bởi vậy Việt Nam đã rất cẩn thận trong 4 năm qua”, GS. Ngô Vĩnh Long giải thích thêm.

Theo ông, chiến lược “cẩn trọng” này là một lựa chọn “miễn cưỡng” của Hà Nội.

Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, nói với VOA rằng “Việt Nam và Hoa Kỳ có thể xích lại gần nhau hơn để phối hợp một chiến lược ngoại giao-chính trị nhằm phản đối các yêu sách pháp lý của Trung Quốc tại nhiều tổ chức đa phương như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á và Liên Hiệp Quốc”, nhưng “Có rất nhiều vấn đề kinh tế và những vấn đề khác tồn tại gây trở ngại cho việc nâng tầm mối quan hệ đối tác toàn diện năm 2013 của họ lên thành đối tác chiến lược”.

Chẳng hạn, theo GS. Thayer, Việt Nam có thặng dư thương mại ngày càng tăng với Hoa Kỳ, điều mà các giới chức chính quyền Trump đã nhiều lần đưa ra cảnh báo và muốn Hà Nội phải khắc phục.

Còn khi ông Joe Biden đắc cử tổng thống, các giới chức đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ sẽ “gây áp lực với Việt Nam về nhân quyền”, GS. Thayer nói.

Nhận định thêm về khả năng Việt Nam đối phó với Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, GS. Ngô Vĩnh Long cho rằng giữa bối cảnh các chính sách về Biển Đông và khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ không thay đổi, thậm chí “có thể còn mạnh hơn” dưới thời ông Biden, nhưng để Việt Nam có thể “tận dụng” mối quan hệ này để thực hiện một hành động “mạnh tay” với Bắc Kinh, như kiện ra toà án quốc tế chẳng hạn, thì vẫn là một viễn cảnh xa vời.

“Trước hết, ông Biden cần phải tái lập quan hệ với các nước ASEAN, các đồng minh như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Philippines… và củng cố quan hệ với các nước châu Âu để có một sức mạnh. Và khi đó, nếu Trung Quốc làm gì quá đáng, thách thức Việt Nam thì lúc đó Việt Nam mới có cơ hội kiện Trung Quốc”, vẫn theo GS. Ngô Vĩnh Long.

Hôm 15/11, khi được hỏi về tình huống ông Biden đắc cử tổng thống Mỹ và sẽ chú ý đến vấn đề nhân quyền trong khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “Việt Nam tôn trọng quyết định của người dân Mỹ và dù ai thắng cử thì nước Mỹ vẫn là người bạn, có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG