Quý vị thân mến! Trong buổi phát thanh hôm nay chúng ta cùng nhau nghe một số ca khúc xưa và nay, tuy xoay quanh những đề tài tương tự nhưng với ngôn ngữ và âm hưởng hầu như là hoàn toàn khác nhau. Tình cờ thì cũng vào ngày cuối tháng 2 dương lịch vừa rồi một tờ nhật báo tại miền Nam California đã dành cho nhạc sĩ Từ Công Phụng một buổi ở tòa sọan để trả lời câu hỏi của giới ái mộ những ca khúc của ông từ khắp bốn phương gửi về.
Trả lời câu hỏi: “Ông nghĩ sao về âm nhạc Việt Nam hiện nay?” thì nhạc sĩ Từ Công Phụng đáp: "Theo tôi nghĩ, âm nhạc Việt Nam hiện nay là cho giới trẻ hiện nay ở Việt Nam, còn lớp già như tôi thì ít cảm nhận được dòng nhạc đó, nó không gây cho tôi những ấn tượng. Có thể nói mỗi thời có những cái hay riêng cho người của thời đó, nên tôi cũng không dám nói đó là hay hay dở."
Trả lời câu hỏi: "Anh có suy nghĩ gì về những dòng nhạc của miền Bắc XHCN trước cũng như sau 30-4-75 so với dòng nhạc của miền Nam", nhạc sĩ Từ Công Phụng đáp: "Sau biến cố 1975, tôi còn ở lại Việt Nam cho đến năm 1980. Ở khoảng thời gian đó, tôi thấy nhạc miền Bắc hoàn toàn khác biệt với nhạc miền Nam. Còn khác như thế nào thì chắc em cũng biết. Từ sau 1980 trở về sau thì tôi không rõ lắm bởi tôi rất ít thời giờ để nghe. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp được những dòng nhạc của Việt Nam bây giờ, tôi thấy có một sự thay đổi lớn so với những tháng ngày cũ."
Trả lời câu hỏi: "Ông có suy nghĩ gì về một số bài hát vô thưởng vô phạt ở Việt Nam hiện nay mà tuổi trẻ lại thích nghe?" thì tác giả những bài hát quen thuộc khi xưa như "Bây giờ tháng mấy", "Giọt lệ cho ngàn sau", "Tuổi xa người", v.v.. đã phát biểu: "Tôi không có suy nghĩ gì một số những bài hát vô thưởng vô phạt hiện nay mà tuổi trẻ thích nghe. Có thể nó có cái hay của nó mà chúng ta chưa cảm nhận được, trong khi tuổi trẻ bắt nhận được, vì đó là thế giới của họ."
Từ những ngày đầu phát thanh chương trình này thì chúng tôi vẫn thường xuyên trích dẫn với tính cách minh họa những trích đoạn của các ca khúc mới bên cạnh những ca khúc của thời trước năm 75, chủ yếu là ở miền Nam vì ở nơi ấy nền ca nhạc nói chung không nhắm phục vụ các yêu cầu về mặt chính trị hay tuyên truyền. Bởi bằng không thì nếu như ngày hôm nay đây chúng tôi cho trích đoạn một số ca khúc mới nhất ở bên nhà xoay quanh đề tài tình yêu chẳng hạn thì đã không có những bài hát cùng thể loại như thế ở miền Nam Việt Nam trước năm 75. Và khi trích dẫn các trích đoạn ca khúc xưa và nay để ta so sánh và đối chiếu, để cùng nhau tìm hiểu hướng đi của nền Tân Nhạc Việt Nam, thì chúng tôi vẫn để cho quí vị tùy nghi thẩm định; bởi văn học nghệ thuật là cái vốn liếng tinh thần chung của mọi người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước.
Để mở đầu phần trích đoạn ca khúc ngày hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe trích đoạn một trong những bài hát đang thịnh hành ở bên nhà; bài “Mưa tình yêu” qua giọng hát Thùy Chi!
MƯA TÌNH YÊU
Vừa rồi là trích đoạn bài “Mưa tình yêu” qua giọng ca Thùy Chi. Với cả nghìn bài hát hiện có ở bên nhà và được hát trên hàng nghìn CD nhạc trong nước cũng như một số lớn được đưa ra bán ở hải ngọai như tình hình bấy nay thì chúng tôi làm sao biết bài nào với bài nào để mà chọn? Nói đến chọn thì tức là phải nói đến nghe; mà nghe cho bằng hết ngần ấy bài hát đã có, đang có và sẽ có hàng lọat hết tháng này qua tháng khác thì tuyệt nhiên là chuyện không thể nào làm được.
Tưởng cũng cần nêu sự thể là ở miền Nam trước năm 75, sở dỉ có rất nhiều bài hát người ta còn thích nghe cho đến tận ngày hôm nay ở cả trong lẫn ngoài nước là bởi không có hiện tượng cứ mỗi tháng lại xuất hiện hàng chục hàng trăm ca khúc mới!
Hồi đầu năm dương lịch chúng tôi đã giới thiệu một lọat những ca khúc được người ta bình chọn như xuất sắc nhất ở bên nhà trong năm 2009. Chúng tôi không hề coi các sự bình chọn của các hệ thống truyền hình hay đài phát thanh đó như những chân lý, thế nhưng ít ra chúng tôi cũng có được một tiêu chuẩn định hướng nào đấy.
Vừa mới rồi đây, để cho khách quan được chừng nào hay chừng nấy, chúng tôi lấy ý kiến của một số thính giả trẻ ở bên nhà vẫn thường xuyên theo rõi chương trình này. Chúng tôi hỏi 5 em trong độ tuổi mười tám đôi mươi đó, từ nhiều vùng khác nhau trong nước, xem các em hiện yêu thích những bài hát nào nhất. Các em hồi âm, cho chúng tôi một danh mục gồm khoảng mươi bài; trong đó có bài “Mưa tình yêu” mà chúng tôi mới vừa trích đoạn hầu quý vị. Những bài khác mà chúng tôi sẽ trích dẫn trong buổi nay cũng đều từ danh mục đó mà ra!
Một ca khúc mới về tình yêu trong bối cảnh một ngày mưa là như nội dung mà quý vị vừa nghe từ trích đoạn vừa rồi, thì bây giờ chúng tôi xin giới thiệu trích đọan một ca khúc cũng xoay quanh đề tài như thế nhưng được sáng tác ở hải ngoại bởi một nhạc sĩ mà ở miền Nam trước năm 75 được coi như thuộc lớp trẻ. Xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe trích đoạn bài “Xin một ngày mai có nhau” của Đức Huy qua tiếng hát Ngọc Lan.
XIN MỘT NGÀY MAI CÓ NHAU
Quý vị vừa nghe trích đoạn bài hát “Xin một ngày mai có nhau” của Đức Huy qua giọng ca Ngọc Lan.
Qua trích đoạn hai bài hát “Mưa tình yêu” và “Xin một ngày mai có nhau” vừa rồi, quý vị đã có thể có một ý niệm tương đối rõ nét về cách người ta sử dụng ngôn ngữ cũng như âm hưởng của giai điệu nơi hai bài hát này. Và bấy nay thì chúng tôi cũng chỉ muốn nhấn mạnh ở hai chữ “giai điệu”.
Tưởng cũng cần nêu sự thể là nguyên tắc về chế độ chi trả tác quyền trước kia ở miền Nam, gặp trường hợp một bài thơ phổ nhạc, thì tác giả bài thơ hưởng 25% trong khi tác giả phần nhạc hưởng 75%. Điều đó không có nghĩa là giá trị một bài thơ không bằng phần nhạc phổ thơ. Điều đó chỉ có một cái nghĩa hết sức giản dị là một nhạc sĩ đưa được một giai điệu cho thật hay vào một bài thơ nhưng rồi quyết định bỏ lời lẽ của bài thơ đó để tự mình viết ra lời khác thì cái hay nơi giai điệu vẫn còn nguyên đấy. Ngược lại, một bài thơ có hay đến mấy mà tước bỏ đi cái giai điệu đặc sắc được người nhạc sĩ có thực tài người ta lồng vào đấy thì không dễ gì có được một giai điệu đặc sắc, hay hơn thế!
Và bây giờ, xin mời quý vị nghe trích đoạn bài “Vị trí nào cho anh” của Lương Bằng Quang, qua giọng ca Lý Hải.
VỊ TRÍ NÀO CHO ANH
Quý vị vừa nghe trích đoạn bài “Vị trí nào cho anh”, một ca khúc thịnh hành của ngày hôm nay ở bên nhà. Nơi phần mở đầu chương tình phát thanh hôm nay, chúng tôi có nhắc đến một số ý kiến của nhạc sĩ Từ Công Phụng về những ca khúc xưa và nay. Vậy thì bây giờ xin mời qyý vị, ta cùng nhau nghe trích đọan bài hát “Như ngọn buồn rơi” của Từ Công Phụng qua giọng ca Mai Hương.
NHƯ NGỌN BUỒN RƠI
Quý vị thân mến! Vừa rồi là trích đoạn bài hát “Như ngọn buồn rơi” của Từ Công Phụng qua tiếng hát Mai Hương.
Có người đã từng định nghĩa rằng một bài hát hay là một bài hát mà sau khi nghe rồi thì âm hưởng của nó vẫn còn đọng lại đâu đấy trong lòng người nghe. Qua trích đoạn bốn ca khúc, hai mới, hai cũ trong buổi phát thanh ngày hôm nay, chúng tôi có suy nghĩ là cái gì đã đọng lại đuợc trong lòng quý vị thì nó cũng như trong câu thơ Kiều: ”Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình”, tức là một cái gì đấy ta còn muốn có lúc nghe lại! Còn nếu như có cái gì không đọng lại được thì trước sau gì nó cũng không thể đọng lại được!
Và đến đây thì cũng đã kết thúc chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện buổi nay; xin gửi đến quý vị lời chào thân ái và xin hẹn lại nhau đến tuần sau!
Chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện xin kính chào quý vị nghe đài.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Người trẻ Việt miệt thị cờ VNCH tại bảo tàng quân sự là yêu nước hay cực đoan, thù hận?
2Derek Trần chỉ còn kém Michelle Steel khoảng 200 phiếu trong cuộc đua vào Hạ viện Mỹ
3Nguồn tin từ Kyiv: Tổng thống Ukraine cảnh báo thủ tướng Đức về cuộc gọi với Putin
4Chủ tịch Việt Nam chỉ trích ông Trump khi nói chiến tranh thương mại dẫn đến nghèo đói?
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!