Quý vị thân mến. Hôm nay thì ba ngày Tết đã qua nhưng mùa Xuân vẫn còn đấy ở bên nhà; hay ít ra là cảnh sắc mùa Xuân đang rõ nét nhất trên miền Bắc đất nước. Trong khi đó thì ở một số lớn các nước phương Tây vẫn còn là mùa Đông, và từ hôm 12 tháng 02 dương lịch thì thế vận hội Olympics mùa Đông đã diễn ra tại Vancouver bên Canada để kéo dài cho đến cuối tháng này.
Chúng tôi nhắc đến chương trình Olympics mùa Đông này là bởi từ cả trên mười năm nay, mỗi lần có những cuộc tranh giải về nghệ thuật trượt băng ở cấp quốc tế cũng như trong các kỳ tranh giải Olympics mùa Đông mà chương trình có cả những màn trượt băng đơn hay đôi thì chúng tôi nhận xét thấy một điều. Là nhạc nền đuợc sử dụng cho các cuộc tranh giải, dù là Olympics hay không Olympics đều là những giai điệu rất quen thuộc từ cả ba bốn chục năm trước.
Cách thiết kế, bài trí cho mỗi kỳ dự tranh đều theo mức độ kỹ thuật cũng như mỹ thuật mới nhất, thế nhưng có điều lạ là trong ba bốn chục năm trở lại đây thì có cả chục, cả trăm nghìn bài hát mới ở phương Tây thế nhưng các màn trượt băng đơn hay cặp đôi thì người ta vẫn không dùng so với những giai điệu khi xưa, tính theo tỷ lệ. Như mới vào đêm mùng Hai Tết vừa mới rồi đây, tình cờ theo dõi những màn biểu diễn tranh giải cặp đôi trên băng thì chúng tôi nghe những giai điệu như sau đây, được dùng làm nhạc nền cho phần biểu diễn:
LOVE STORY
Chúng ta đang nghe bản nhạc “Love story”, có nghĩa là “Chuyện tình”, của Francis Lai vào thời cuối thập niên 60, đầu 70; bản nhạc đoạt giải Oscar về phần nhạc cho phim cùng tựa đề! Và tiếp đó, cũng trong một màn biểu diễn cặp đôi khác thì chúng tôi lại nghe bản nhạc sau đây:
THE WAY WE WERE
Chúng ta đang nghe bản nhạc “The way we were”, có nghĩa là “Mình ngày xưa ấy”, của Bergman, cũng của thời thập niên 70, một bài hát cũng đoạt giải “Oscar” về nhạc trong một cuộn phim thời ấy!
Nếu cho rằng những người dự tranh họ chọn những bản nhạc đó để biểu diễn vì chúng quen tai đối với quảng đại quần chúng xem truyền hình trên khắp thế giới thì không mấy chính xác, bởi thiên hạ có thể quen tai với bản “Love story” chứ chúng tôi không tin là có nhiều người biết đến giai điệu của bài “The way we were”! Có phải vì hình thức “trượt băng nghệ thuật” dù gì cũng đặc biệt mang tính nghệ thuật cho nên người ta chỉ chọn những giai điệu thực sự có nghệ thuật khi biểu diễn chăng?
Và như thế thì trong những ngày đầu Xuân này chúng ta vẫn trở lại nhân tố then chốt nơi những ca khúc là giai điệu của chúng. Và chúng tôi vẫn lấy đó làm điểm tựa để nhìn vào hướng đi của Tân Nhạc Việt Nam xưa và nay!
Xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe trích đoạn bài hát “Em còn nhớ mùa Xuân?” một sáng tác của Ngô Thụy Miện sau năm 75 ở hải ngoại qua giọng ca Mai Hương.
EM CÒN NHỚ MÙA XUÂN
Chúng ta đang cùng nhau nghe bài hát “Em còn nhớ mùa Xuân” của Ngô Thụy Miên qua giọng ca Mai Hương.
Tiếp theo đây, xin mời quý vị ta cùng nhau nghe trích đoạn bài “Mùa Xuân trên đỉnh bình yên” của Từ Công Phụng, một bài hát rất quen thuộc ở miền Nam vào thập niên 60. Một thời gian dài sau bài này, Từ Công Phụng còn có bài “Mùa Xuân và tình yêu em”. Vẫn phong cách vận dụng từ ngữ và giai điệu của người nhạc sĩ này thế nhưng riêng chùng tôi không cảm thấy đặc sắc như giai điệu nơi bài “Mùa Xuân trên đỉnh bình yên” khi xưa!
MÙA XUÂN TRÊN ĐỈNH BÌNH YÊN
Chúng ta vừa nghe một lượt hát bài “Mùa Xuân trên đỉnh bình yên” của Từ Công Phụng do chính tác giả hát!
Để tiếp theo đây nữa, xin mời quý vị ta cùng nhau nghe trích đọan bài “Lắng nghe mùa Xuân về” của Dương Thụ; một bài hát được sáng tác trong thập niên trước đây. Ca khúc này do Hồng Nhung và Bằng Kiều cùng hát.
LẮNG NGHE MÙA XUÂN VỀ
Quý vị thân mến! Chúng ta vừa nghe trích đoạn bài hát “Lắng nghe mùa Xuân về” của Dương Thụ do Hồng Nhung và Bằng Kiều hát. Như chúng tôi bấy nay vẫn thường nhấn mạnh khi đề cập đến những ca khúc qua các thời đại: Điều đáng chú ý là giai điệu nơi từng bài hát, chứ còn lời lẽ các ca khúc thì xưa giờ, đối với từng đề tài, cũng chỉ xoay quanh một số nội dung không khác xa nhau lắm.
Và nói đến giai điệu thì vẫn trong những ngày đầu Xuân, chúng tôi xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe một giai điệu thật cũ kỹ của nửa thế kỷ trước đây trong Tân Nhạc Việt Nam, bài “Nhớ bạn” của Vũ Thành.
Và để cho có chút hương vị của một thời đã qua, chúng tôi xin giới thiệu bài hát này qua giọng hát của nam danh ca Anh Ngọc khi xưa với phần hòa âm cùng dàn nhạc do chính nhạc sĩ Vũ Thành điều khiển.
NHỚ BẠN
Quý vị thân mến! Ta vừa cùng nhau nghe một lượt hát bài “Nhớ bạn” của Vũ Thành, một bài hát có cách đây không dưới 50 năm, qua tiếng hát Anh Ngọc! Chúng tôi không nghĩ là đa số người nghe của ngày hôm nay biết đến bài hát này, trừ lớp thính giả nghe Đài nay đã qua năm sáu chục mùa Xuân. Nếu như có quý vị nào lần đầu tiên bây giờ mới có dịp nghe giai điệu cùng lời lẽ bài hát này rồi buột miệng kêu lên: ”Ôi, hay quá!”, thì trong âm nhạc, ca hát, thiết tưởng ta cũng có thể nói là không có cái mới hay cái cũ, chỉ có cái hay và cái chưa đuợc hay cho lắm!
Và đến đây thì cũng đã kết thúc chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện buổi nay; xin gửi đến quý vị lời chào thân ái trong những ngày đầu Xuân này, và xin hẹn nhau lại đến tuần sau!
Chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện xin kính chào quý vị nghe Đài.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Việt Nam phạt nặng lỗi giao thông: đường sá rối loạn, dân tình ta thán
2Phái đoàn Đài Loan sẽ mang 'lời chúc tốt đẹp nhất' đến lễ nhậm chức của Trump
3TT Biden duyệt tên mới cho bưu điện ở Westminster, tôn vinh cựu binh Chiến tranh Việt Nam
4Lao động nhập cư trên các nông trại Mỹ chuẩn bị trước chính sách trục xuất hàng loạt
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!