Sau khi chính phủ và báo chí Việt Nam khẳng định công ty Rạng Đông “gian dối” về lượng thủy ngân phát ra môi trường trong vụ cháy ở công ty cách đây vài tuần, một số tiếng nói nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội kêu gọi nhà chức trách khởi tố công ty vì đã gây ra “thảm họa”.
Tuy nhiên, một kỹ sư môi trường và một luật sư nói với VOA rằng việc khởi tố có thể “không dễ dàng”, mặc dù vậy, những người bị ảnh hưởng do vụ cháy hoàn toàn có thể kiện công ty để đòi bồi thường.
Luật sư Lê Công Định, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, và cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn cuối tuần qua đăng những bài riêng rẽ trên các trang Facebook cá nhân của họ về việc cần xem xét trách nhiệm hình sự của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông sau vụ cháy nhà kho công ty ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội hôm 28/8.
Cho rằng công ty Rạng Đông phạm tội “gây ô nhiễm môi trường”, căn cứ theo Điều 235 của Bộ luật Hình sự, luật sư Lê Công Định viết rằng công ty “lẽ ra đã phải bị khởi tố”, và đặt câu hỏi “Vì sao cơ quan chức năng vẫn chưa khởi tố vụ án và bị can?”
Bà Lê Hoài Anh có chung câu hỏi như ông Định, sau khi bà đưa ra nhận định rằng vụ cháy nhà máy Rạng Đông “ảnh hưởng” tới sức khỏe và cuộc sống của “vài vạn dân”.
Dẫn đường link một bài báo chính thống trong nước mang tít “Công ty Rạng Đông gian dối về sự cố thủy ngân phát tán ra môi trường”, phó giáo sư-tiến sĩ Lê Kế Sơn, một cựu quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường, bày tỏ ý kiến ngắn gọn: “Có thể lập án, khởi tố tội gian trá, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Một loạt các tờ báo, trang tin trong đó có Tuổi Trẻ, Soha, VietnamNet, và Zing hôm 8 và 9/9 trích dẫn một thông báo của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay tổng lượng thủy ngân trong hàng triệu bóng đèn “đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg”.
Theo Tổng cục Môi trường, được báo chí dẫn lại, các con số này là tính toán của các nhà khoa học, sau khi tổng cục “kiểm tra thực tế” vào ngày 31/8 và “đấu tranh với lãnh đạo công ty”, với kết quả là công ty “thừa nhận” họ sử dụng thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn so với viên Amalgam trong sản xuất bóng đèn.
Có một số cơ sở để kiện. Những thông báo khác nhau của nhà máy Rạng Đông không thống nhất. Đầu tiên họ nói ‘chúng tôi chỉ làm dạng Amalgam hỗn hống’, sau đó, ‘chúng tôi có thủy ngân ở trong bóng đèn ở dạng lỏng’. Riêng chi tiết đó tôi nghĩ là luật sư cứng có thể kiện được rồi.Kỹ sư môi trường Đào Nhật Đình
Kết quả nêu trên khác hẳn với “báo cáo ban đầu” của công ty gửi đến nhà chức trách sau vụ cháy, trong đó nói rằng “chỉ còn vài kilogam Amalgam”, là hỗn hợp gồm thủy ngân, kẽm và kim loại khác, trong kho chứa hóa chất lúc vụ cháy xảy ra, vẫn theo thông báo của Tổng cục Môi trường.
Tổng cục Môi trường khẳng định rằng tại thời điểm cháy, lượng thủy ngân và các chất khí độc hại “đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh”, với ước tính là phạm vi ô nhiễm trải rộng khoảng 200 mét tính từ tường rào của công ty, và theo hướng gió có thể ảnh hưởng đến khoảng cách 500 mét.
Thông báo của tổng cục cũng bao gồm cả kết quả quan trắc môi trường không khí xung quanh ngoài hàng rào công ty, theo đó, các đo đạc cho thấy “hàm lượng Hg [thủy ngân] không vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng cũng đã xác định được hàm lượng đáng kể”. Tổng cục cho biết thêm rằng ở thời điểm quan trắc, trời mới mưa, mát với nhiệt độ thấp.
Từ Hà Nội, kỹ sư Đào Nhật Đình, một chuyên gia độc lập với 30 năm kinh nghiệm về môi trường công nghiệp, đưa ra nhận định với VOA về rủi ro từ vụ cháy đối với người dân:
“Hiện nay chưa phát hiện điểm nào tích lũy đủ thủy ngân để gây rủi ro lâu dài, ngoại trừ trầm tích ở sông Tô Lịch. Ở sông này, trầm tích của nó có một lượng thủy ngân lớn, vượt quy chuẩn Việt Nam một ít, nghĩa là có thể gây rủi ro lâu dài. Nhưng cũng may là sông Tô Lịch không ai khai thác thủy sản gì ở đấy cả”.
Khi được hỏi căn cứ vào những gì đã xảy ra do vụ cháy, công ty Rạng Đông có thể bị khởi tố hay không, kỹ sư Đình nói ông muốn nhường lời cho giới luật sư và chính quyền.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ là người dân hoặc các doanh nghiệp ở khu vực xung quanh công ty, họ có thể kiện, ông Đình nêu ra quan điểm. Chuyên gia môi trường này phân tích với VOA:
“Có một số cơ sở để kiện. Những thông báo khác nhau của nhà máy Rạng Đông không thống nhất. Đầu tiên họ nói ‘chúng tôi chỉ làm dạng Amalgam hỗn hống’, sau đó, ‘chúng tôi có thủy ngân ở trong bóng đèn ở dạng lỏng’. Riêng chi tiết đó tôi nghĩ là luật sư cứng có thể kiện được rồi”.
Cũng về vấn đề này, luật sư Trần Thu Nam nói với VOA rằng “có thể xem xét trách nhiệm” liên quan đến sự gian dối của công ty sau vụ cháy. Ông Nam giải thích:
“Thực tiễn họ có sử dụng thủy ngân lỏng. Họ hoàn toàn có thể biết được cái đó bị thất thoát ra môi trường do cháy hoặc rò rỉ mà gây ra thảm họa về sức khỏe, thiệt hại về người và vật chất, nhưng họ cố tình giấu giếm sự nguy hiểm đó, thì cần xem xét trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự”.
Theo luật sư Nam, những người đi kiện hoặc cơ quan chức năng cũng cần chứng minh rằng sự gian dối của công ty có mang lại những hậu quả về sức khỏe, môi trường.
Báo chí trong nước đưa tin cho hay hôm 6/9, Sở Y tế Hà Nội cử bác sĩ khám sàng lọc miễn phí cho người dân sống gần khu vực vụ cháy công ty Rạng Đông. Đến cuối ngày, ít nhất 179 người đến khám, trong đó 52 người được cho là “có sự bất thường”, được chuyển đến các bệnh viện để xét nghiệm và điều trị.
Rơi vào trường hợp bất khả kháng, rất khó có thể khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu nói đến tội phạm, gây ô nhiễm môi trường, nó phải là lỗi cố ý.Luật sư Trần Thu Nam
Bình luận về những lời kêu gọi từ một số người cho rằng cần khởi tố công ty Rạng Đông vì đã gây ra ô nhiễm môi trường, luật sư Nam nói sẽ có một số khó khăn:
“Vụ hỏa hoạn này có phải là trường hợp bất khả kháng hay không? Rơi vào trường hợp bất khả kháng, rất khó có thể khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu nói đến tội phạm, gây ô nhiễm môi trường, nó phải là lỗi cố ý. Trong trường hợp họ chứng minh được vụ hỏa hoạn là trường hợp bất khả kháng thì cần có thời gian nghiên cứu thêm”.
Mặc dù vậy, cả luật sư Trần Thu Nam lẫn kỹ sư Đào Nhật Đình đều thống nhất quan điểm là “hoàn toàn có thể khởi kiện về mặt dân sự” về những ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, bao gồm việc người dân phải di dời nơi ở, trẻ em phải nghỉ học, các cửa hàng, hàng quán bị đình trệ hoặc phải đóng cửa, chăn nuôi, trồng rau bị thiệt hại, v.v…
“Người dân, các cơ sở kinh doanh có thể kiện để đòi bồi thường”, ông Nam nói.
Trong hai tuần qua, các cấp chính quyền Hà Nội chịu nhiều chỉ trích từ người dân do đưa ra các thông điệp trái ngược nhau về mức độ nghiêm trọng của vụ cháy.
Hôm 9/9, thủ tướng Việt Nam yêu cầu chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tiếp tục xử lý hậu quả vụ cháy, trong đó chú trọng “thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy” và “điều tra, xác định nguyên nhân” cũng như ”xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”.