Đường dẫn truy cập

Công ty Trung Quốc 'đãi' món thịt lợn nhân tạo nuôi trong phòng thí nghiệm


Thực khách thưởng thức món bánh kẹp làm từ "thịt gà nuôi nhân tạo" tại một nhà hàng ở Ness Ziona ở Israel hôm 18/6. Một công ty của Trung Quốc vừa công bố các món từ thịt lợn nuôi trong phòng thí nghiệm và sẽ cung cấp cho thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này.
Thực khách thưởng thức món bánh kẹp làm từ "thịt gà nuôi nhân tạo" tại một nhà hàng ở Ness Ziona ở Israel hôm 18/6. Một công ty của Trung Quốc vừa công bố các món từ thịt lợn nuôi trong phòng thí nghiệm và sẽ cung cấp cho thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này.

THƯỢNG HẢI – Công ty khởi nghiệp CellX của Trung Quốc hôm 3/9 công bố một thực đơn các món từ thịt lợn nhân tạo được nuôi trong phòng thí nghiệm và cho biết họ đang đặt mục tiêu sản xuất thịt thân thiện với môi trường hơn với giá cạnh tranh cho quốc gia tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới này vào năm 2025.

Các nhà đầu tư được mời nếm thử một trong những nguyên mẫu được sản xuất tại phòng thí nghiệm ở Thượng Hải từ các tế bào lấy từ lợn đen bản địa của Trung Quốc.

"Hương vị hơi nhạt nhẽo ... nhưng nhìn chung thì không tệ", Li Peiyang, một vị khách đã thử món thịt lợn băm trộn với protein thực vật nhận xét.

Những người ủng hộ việc này nói rằng thịt nuôi nhân tạo, hoặc thịt được nuôi từ tế bào cơ động vật trong phòng thí nghiệm, có thể làm giảm đáng kể tác động môi trường từ động vật nuôi, đồng thời tránh được các vấn đề về phúc lợi và dịch bệnh.

Cụ thể, Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ 86 triệu tấn thịt vào năm 2020 tương đương khoảng 30% nhu cầu toàn cầu, đang cần nguồn cung cấp thịt sạch hơn để đáp ứng các mục tiêu carbon của mình, công ty CellX cho biết.

Thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm cũng có thể cho nguồn cung thực phẩm ổn định hơn cho một thị trường đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt và biến động lớn sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào năm 2018.

Nhưng chi phí sản xuất trong ngành công nghiệp non trẻ vẫn cao hơn nhiều so với protein thông thường, và các nhà phân tích cho rằng người tiêu dùng có thể chê không ăn thịt nhân tạo.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, "có rất nhiều người muốn thử nó", người sáng lập CellX, ông Yang Ziliang, nói với Reuters.

Ông Yang từ chối bình luận về chi phí sản xuất hiện tại nhưng cho biết công ty, mới thành lập năm ngoái, đang đặt mục tiêu cạnh tranh về giá với thịt động vật vào năm 2025.

Một báo cáo gần đây của McKinsey ước tính thịt nuôi trong phòng thí nghiệm có thể đạt chi phí ngang bằng với thịt thông thường vào năm 2030, khi ngành công nghiệp này tăng quy mô và tinh chỉnh R&D (nghiên cứu và phát triển).

Thịt gà nuôi trong phòng thí nghiệm lần đầu tiên được bán cho người tiêu dùng ở Singapore vào năm ngoái, nhưng hiện không có quy định nào cho phép bán thịt gà này ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, CellX, công ty đã huy động được 4,3 triệu USD vào đầu năm nay và hiện đang tìm thêm nguồn vốn, cũng đang để mắt đến thị trường toàn cầu.

"Tầm nhìn của chúng tôi là thay đổi cách sản xuất thịt. Đây không chỉ là vấn đề của Trung Quốc mà là vấn đề toàn cầu, vì vậy để đạt được tầm nhìn của mình, chúng tôi cần phải trở thành một công ty toàn cầu", ông Yang nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG