Nên mở lại các trường học. Đóng cửa trường lâu quá không tốt. Học sinh ở Mỹ đã nghỉ bốn tháng rồi, nếu kéo tới tháng Chín, tháng Mười, sẽ mất hơn nửa năm học. Cha mẹ các em có thể vì thế mà không đi làm được, đa số là các bà mẹ, họ sẽ bị thiệt hại về kinh tế. Các em ở nhà mãi cuồng chân, còn có thể quên mất thói quen học hành.
Bị thiệt hại nhiều nhất là trẻ em trong các gia đình nghèo. Niềm hy vọng của nhiều gia đình là con cái học “thành tài” sau này thoát khỏi cảnh nghèo túng. Đóng cửa trường lâu quá sẽ cản trở con đường thăng tiến đó. Nhà nghèo các em khó học trên mạng, máy computer cũ quá, phần lớn không có Wi-Fi, phụ huynh nghèo cũng không quen dùng internet.
Năm nay dân Mỹ đi bầu cho nên chuyện gì cũng có thể bị chính trị hóa. Nhưng trong vấn đề mở cửa trường học phải bỏ chính trị ra ngoài. Muốn bình tâm thảo luận khách quan có lẽ nên học kinh nghiệm các nước khác đã mở cửa trường học như thế nào.
Nhiều nơi ở châu Á và Âu châu đã mở cửa trường học. Có thể rút kinh nghiệm họ để học sinh, thầy cô giáo, và gia đình họ không bị nhiễm bệnh dịch Covid 19.
Tại tất cả các nơi, các thầy, cô giáo và nhân viên nhà trường thuộc loại dễ bị nhiễm và truyền vi khuẩn corona, như lớn tuổi, đang bị bệnh, sẽ không trở lại trường. Những người đến trường đều được khuyến cáo hay bắt buộc phải đeo mạng che miệng. Lớp học được chia ra thành những nhóm nhỏ hơn, khoảng mươi em, để ngồi cách xa nhau. Giờ ra chơi, giờ sinh hoạt ngoài trời, giờ ăn cũng cho các lớp lần lượt thay phiên nhau, để các em không túm tụm quá đông. Mỗi nhóm học sinh đến trường hai, ba ngày mỗi tuần, những ngày khác học ở nhà qua mạng internet. Phần lớn các nước khi mở cửa trường đều vẫn bổ túc với những giờ ở nhà học qua mạng, vì không thể cho các em đến trường đủ số ngày, giờ như trước khi có bệnh dịch.
Nhà trường phổ biến cho gia đình các học sinh các chỉ dẫn phòng bệnh của các cơ quan y tế công cộng quốc gia, hay ban y tế các thị xã. Thử nghiệm mỗi ngày coi học sinh và người lớn có bị bệnh không; có nơi yêu cầu cha mẹ đo nhiệt độ của con em trước lúc đi học. Trong trường để sẵn các thứ thuốc sát trùng để lau tay, mỗi lớp lần lượt cho học sinh đi rửa tay bằng xà bông đều đều. Nhà trường sẵn sàng thử nghiệm các học sinh và theo dõi những người đã tiếp xúc với bất cứ ai bị nhiễm vi khuẩn.
Nam Hàn là nước đã ngăn ngừa bệnh Covid sớm nhất. Niên học ở đó bắt đầu từ tháng Ba nhưng phải đợi đến tháng Năm mới mở cửa. Chính phủ để cho các địa phương quyết định ngày mở trường và tổ chức việc phòng bệnh. Ngoài việc học sẽ không có hoạt động thể thao, giải trí. Học sinh chỉ tới trường vài ba ngày trong tuần. Nếu thấy người có bệnh, có thể đóng của trường lại và theo dõi coi những ai có thể bị lây nhiễm.
Ở Nhật Bản, phụ huynh phải đo nhiệt độ con em mỗi buổi sáng, ghi vào mẫu giấy in sẵn để trình cho thầy cô giáo. Học sinh mỗi lớp chia làm hai, thay phiên nhau đi học. Trong trường, trong lớp đều đánh dấu chỗ đứng, chỗ ngồi để các em cách xa nhau. Họ gỡ bỏ các cánh cửa lớp, đặt thêm quạt máy để không khí được luân chuyển. Các lớp học nhạc không tập hát nữa! Học sinh Nhật ăn trưa ngay tại chỗ ngồi trong lớp, và ăn trong im lặng – như các nhà sư.
Thụy Điển không hề đóng cửa trường trong suốt thời gian bệnh dịch lan tràn. Trong các trường mẫu giáo và tiểu học, số thầy cô và nhân viên bị bệnh không cao hơn mức bình thường ở ngoài. Giới y khoa đồng ý rằng trẻ em không hay bị nhiễm bệnh Covid, chỉ có 1% các bệnh nhân trên thế giới thuộc lớp dưới 12 tuổi.
Bệnh dịch Covid khác với dịch cúm thông thường (influenza). Khi các học sinh bị cúm thì bệnh lây lan rất nhanh. Trẻ em bị nhiễm virus corona không truyền bệnh như khi bị cúm. Cũng như vào lớp dưới 10 tuổi trẻ em khó bị nhiễm bệnh lao và nếu nhiễm cũng không truyền vi trùng cho người lớn.
Một nguyên nhân khiến trẻ em dưới 10 tuổi ít bị bệnh là do một đặc tính của con virus corona. Khi lọt vào mũi, xuống cuống phổi người ta, con vi khuẩn này dùng gai nhọn cắm vào một phân tử gọi là ACE-2 làm cánh cửa; rồi từ đó xâm nhập vô các tế bào để phá hủy và sinh sôi. Trong thân thể lớp trẻ dưới 10 tuổi, ACE-2 chưa có nhiều, cho nên các em khó bị bệnh.
Có thể một nửa hay một phần ba các em dưới 18 tuổi không bị bệnh Covid. Những em dưới 10 tuổi thì xác suất bị bệnh nặng chỉ bằng một phần ngàn những người trên 70 tuổi. Chỉ có một trường hợp bất thường, ở một trường trung học tại Israel có 150 học sinh và nhân viên nhà trường bị nhiễm bệnh, phải đóng cửa.
Một cuộc nghiên cứu ở Đức cho biết, sau khi trường mở cửa vào Tháng Năm, trong số 1,500 học sinh và 500 giáo viên, chỉ có 0.6 phần trăm bị nhiễm vi khuẩn corona, chưa bằng một nửa tỷ lệ bị nhiễm trong các môi trường khác. Nước Áo (Austria) đã mở cửa trường từ 18 tháng Năm, và sau đó không thấy số người bị nhiễm bệnh tăng lên. Phần Lan (Finland) mở cửa trường từ cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, cũng vậy. Chính phủ Phần Lan đã theo kinh nghiệm Đan Mạch (Denmark) trong việc ngăn chặn bệnh dịch, cả hai nước đều công bố chủ trương nhu cầu giáo dục trẻ em quan trọng hơn mối lo bệnh dịch lan truyền.
Đan Mạch mở cửa trường từ ngày 15 tháng Tư, sớm nhất Âu châu. Chính phủ phân phối bản hướng dẫn của Hội đồng Y tế Toàn quốc, trang bị cho các trường dụng cụ thử nghiệm và theo dõi những người bị bệnh lẫn những người đã tiếp xúc với con bệnh. Họ để cho các hội đồng thị xã quyết định mở trường như thế nào. Phụ huynh học sinh được tự do chọn muốn cho con em đi học hay không. Học sinh phải ngồi cách nhau 2 mét, mỗi hai giờ phải đi rửa tay, mỗi ngày hai lần lại đi lau và sát trùng trên các bàn ghế, dụng cụ lớp học. Chỗ ngồi của mỗi học sinh được đánh số, nếu một học sinh bị nhiễm bệnh thì người ta biết ngay những em nào ngồi gần nhất. Lớp học được chia đôi, thay phiên nhau, và có khi cả lớp ra học ở ngoài trời. Trong sân chơi cũng chia ra cho các nhóm học sinh đứng cách xa nhau.
Phụ huynh học sinh ở Đan Mạch đưa con em đến trường vào giờ nào cũng được chia theo thời biểu, để tránh cảnh họ tới quá đông. Họ cũng phải đi theo những lối đi dành riêng và cũng không bước chân vào trong trường. Những phụ huynh thuộc loại dễ bị lây nhiễm thì không được đưa con đi học, phụ huynh và trẻ em nào thử nghiệm có vi khuẩn thì phải ở nhà.
Đan Mạch và Phần Lan cho các em lớp mẫu giáo đi học sớm nhất, một phần vì cha mẹ các em cần đi làm sớm hơn. Đan Mạch mở các trường tiểu học từ 15 tháng Tư, các lớp lớn hơn được phép mở từ ngày 18 tháng Năm. Phần Lan mở ngày 29 cùng tháng.
Ở Đức thì các học sinh lớp tuổi lớn vẫn tiếp tục đi học trong khi các trường đóng cửa, và nếu đóng thì các lớp cao nhất được đi học sớm nhất khi mở cửa. Có lẽ vì các em đủ lớn để giữ kỷ luật, vệ sinh, và sẽ phải đi thi cuối năm. Nhưng các học sinh này vẫn học bổ túc qua mạng.
Nếu các trường đã mở cửa rồi mà bệnh dịch Covid tái xuất hiện mạnh trong vùng thì sao? Ở Đức, trường học vẫn không đóng cửa, mặc dù các tiệm ăn, nhà thờ và lò mổ heo, thịt bò phải đóng cửa. Ở Na Uy (Norway), trường đã mở cửa từ 20 tháng Năm, và khi số người bị bệnh tăng lên nhanh, các trường vẫn được mở.
Nước Mỹ có thể rút kinh nghiệm của các nước Á, Âu trong việc mở lại cửa trường học, nhưng thế nào cũng nên mở cửa, càng sớm càng tốt. Không có lý gì các tiểu bang vội vã cho mở cửa casino và bar rượu mà lại chậm chạp khi mở cửa trường. Casino và quán rượu là nơi người ta khó giữ kỷ luật vệ sinh hơn trường học.
Các địa phương sẽ đóng vai chính trong quyết định mở cửa trường. Chính phủ liên bang khuyến khích và đưa ra các tiêu chuẩn do giới y tế đề nghị.
Một tiêu chuẩn nên theo là chỉ mở cửa trường khi số người bệnh mới nhập viện giảm xuống trong một thời gian dài. Các nước Âu châu thường ấn định mở cửa trường khi số con bệnh lên cao nhất và đã giảm xuống dần dần trong 30 ngày. Những tiểu bang mà số người bệnh còn tăng lên, như Arizona, Florida hay Texas thì khó bàn chuyện mở cửa trường.
Một tiêu chuẩn khác là chỉ số “R” cho biết trung bình mỗi người bệnh sẽ lây cho mấy người khác. Nếu mỗi người mang vi khuẩn corona không gây cho thêm một người nữa bị bệnh, R thấp hơn 1, thì có thể mở.
Mở cửa trường sẽ tốn tiền. Vì các trường phải được trang bị thêm nhiều thứ, phải thuê thêm giáo viên vì các lớp học nhỏ hơn và nhiều thầy cô không thể đi dậy, phải tổ chức việc theo dõi các người bị nhiễm, vân vân.
Chính phủ liên bang có thể trợ cấp cho tất cả các trường để họ mở cửa. Nhiều người sẽ phản đối vì lo ngân sách khiếm hụt. Nhưng ngân sách chính phủ Mỹ đã khiếm hụt mấy ngàn tỷ đô la khi trợ cấp cho các xí nghiệp cũng như phát tiền cho dân để họ tiêu thụ. Tiêu thêm hàng trăm tỷ để mở cửa các trường cũng vẫn còn ít! Nên biết rằng phụ huynh học sinh chiếm tỷ số không nhỏ trong lực lượng những người dân đóng thuế.
Hơn nữa, mở cửa trường học sẽ có ích lợi kinh tế lâu dài, vì các học sinh bây giờ sẽ là những người làm việc sản xuất và tiêu thụ. Các em chậm mất nửa năm trong việc học thì khả năng đóng góp trong tương lai cũng chậm trễ theo!
Phải mở cửa các trường học, không nên chần chừ nữa!