Cuộc chiến 17/2…
Sau cuộc chiến biên giới Việt – Trung năm 1979, nhiều cựu chiến binh Trung Quốc đã chất vấn chính quyền Trung Quốc về mục đích và ý nghĩa của cuộc xung đột này. Sự vô nghĩa của cuộc chiến, theo người lính Trung Quốc, thể hiện qua tác phẩm “Ma chiến hữu” là cuộc đối thoại giữa hai thế giới âm dương trên những chiêm nghiệm về cuộc chiến ấy và những điều trớ trêu nhất về các sự tích anh hùng sinh ra trong mỗi cuộc chiến tranh (1). Họ cho rằng cuộc chiến không chỉ có vấn đề về hoạch định và chỉ huy, mà còn xuất phát từ những sai lầm trong chiến lược của giới lãnh đạo Trung Quốc thời bấy giờ.
Cuộc chiến tranh Trung – Việt năm 1979, đối với một số sử gia quốc tế, là “Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba” (2) vẫn còn nhiều góc khuất. Tại sao đồng minh trung thành của Việt Nam ở phía bắc, một quốc gia Cộng sản, lại đột nhiên quay lưng lại với người đồng chí cũ của mình? Trung Quốc bất ngờ tấn công Việt Nam trên danh nghĩa là “cuộc phản kích tự vệ” (?!), nhưng thực chất lại xuất phát từ lo ngại trước việc Hà Nội lật đổ chế độ Khmer Đỏ, một đồng minh quan trọng của Bắc Kinh. Sự kiện này, trong bối cảnh chiến tranh Lạnh, đã làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực khi Việt Nam ngày càng gần gũi hơn với Liên Xô, đối thủ lớn nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ. Quyết định tấn công Việt Nam của Bắc Kinh không đơn thuần chỉ là một cuộc xung đột biên giới, mà còn mang tính chiến lược sâu xa hơn: nguyên nhân chủ yếu nằm ngoài cuộc chiến, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Việt Nam và Liên Xô ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, những đòn tiến công hiểm ác của Trung Quốc sau đó lại nhanh chóng bị hai Đảng và hai Chính phủ Cộng sản tìm cách lãng quên (3). Trong các bộ sử chính thống của cả Việt Nam và Trung Quốc, cuộc chiến biên giới được đề cập sơ sài, đặc biệt là từ phía Việt Nam. Các sử quan đã viết lại theo cách có lợi cho mỗi bên. Điều này phản ánh một thực tế: chính trị thời hậu chiến có thể khiến lịch sử bị bóp méo, nhưng sự thật thì vẫn còn đó, chỉ chờ được nhìn nhận đúng đắn.
Những thách thức từ cục diện mới
Hơn 46 năm sau cuộc chiến biên giới (2/1979 – 2/2025), thế giới đã thay đổi sâu sắc. Hoa Kỳ, như đã thấy trong thế kỷ qua, vẫn luôn là tâm điểm thế giới. Nhưng giờ đây, sự trở lại Nhà Trắng lần thứ hai của Tổng thống Donald Trump dường như đang lại mở ra một cục diện mới cho chính quốc gia này cũng như cho cả thế giới.
Cuộc gặp hôm 18/2 vừa qua giữa Ngoại trưởng Mỹ, Marco Rubio, và Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, nhằm hiện thực hóa cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 12/2 trước đó, sẽ mở ra cục diện ra sao cho thế giới? Sự trở lại của Donald Trump không chỉ định hình lại chính trị Hoa Kỳ mà còn tác động mạnh đến quan hệ quốc tế, đặc biệt là cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Sự đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gay gắt, thể hiện qua căng thẳng ở Biển Đông, vấn đề Đài Loan, và cuộc chiến công nghệ (4).
Việt Nam, dù muốn hay không, vẫn đứng giữa những áp lực địa - chính trị ngày càng lớn. Nếu trong cuộc chiến 1979, Việt Nam từng mong chờ sự hỗ trợ từ Liên Xô để đối phó với Trung Quốc, thì ngày nay, bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị. Đó là, không thể phụ thuộc vào bất kỳ cường quốc duy nhất nào để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Sự kiện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cập nhật chính sách về Đài Loan, gỡ bỏ cụm từ “chúng tôi không ủng hộ độc lập của Đài Loan”, cũng như các cuộc đàm phán đã diễn ra giữa Nga và Mỹ, chắc chắn đang tạo ra một cục diện mới (5). Sức nóng của nó không thể không dồn xuống không gian “Ấn Thái Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP) nói chung và Biển Đông nói riêng (6). Căng thẳng gia tăng có thể dẫn đến những thay đổi trong tương quan lực lượng, đặt Việt Nam vào tình thế trước sau cũng phải điều chỉnh chiến lược ngoại giao một cách khéo léo nhưng phải cương quyết hơn bao giờ hết. “Ngoại giao tre pheo” nghiêng ngả đã hết thời! (7)
Chủ quyền quốc gia và tự cường dân tộc
Những vấn đề từ cuộc chiến 17/2/1979 luôn đặt ra cho các thế hệ Việt Nam, đối với người dân nhưng đặc biệt là lãnh đạo, chính là bài học về dã tâm thực sự của Bắc Kinh đối với Hà Nội, cũng như đòi hỏi người Việt mọi thế hệ phải luôn ý thức về chủ quyền quốc gia và bản lĩnh tự cường dân tộc mới có thể đối phó với các dã tâm ấy trong hiện tại lẫn tương lai. Đó cũng chính là nội dung cần lan tỏa từ “Bàn tròn chuyên đề” tuần qua của Đài VOA. Các vị khách mời đã cung cấp nhiều chi tiết mới về mức độ ác liệt và man rợ của cuộc chiến kéo dài từ sau 17/2/1979 cho đến năm 1989 mà cả hai Đảng Cộng Sản Trung Quốc lẫn Việt Nam vẫn cố tình che giấu người dân (8).
Ngày nay, khi Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến "Vành đai - Con đường" (BRI), đầu tư hàng tỷ USD vào hạ tầng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, thì vấn đề phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và nguy cơ mất kiểm soát các tài sản chiến lược ngày càng trở nên cấp bách. Bài học năm 1979 vẫn còn nguyên giá trị: Đừng bao giờ đánh đổi chủ quyền lấy lợi ích kinh tế ngắn hạn (9).
Điều nói trên càng mang ý nghĩa thời sự khi ngày 19/2/2025, Quốc hội Việt Nam vừa chấp thuận Dự án tuyến đường sắt nối Trung Quốc với các thành phố lớn ở miền Bắc Việt Nam trị giá hơn 8,3 tỷ USD từ vốn vay của Trung Quốc. Ý kiến của cả người dân trong nước lẫn chuyên gia hải ngoại đều cho rằng, nợ vay từ Trung Quốc là một rủi ro lớn. Trong quá khứ, các nhà thầu Trung Quốc làm đường sắt ở Hà Nội rất tốn kém, tiến độ lại kéo dài, và quá đắt… Với dự án này, số vốn quá lớn như thế sẽ là một rủi ro về bẫy nợ. Tuyến đường dài hơn 390km này đắt hơn tuyến đường 450km bên Lào, sẽ đi qua 9 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Ý kiến của giới quan sát đánh giá các mặt lợi, hại từ dự án đường sắt Việt Nam – Trung Quốc vừa được duyệt cũng rất khác nhau (10).
Trong bối cảnh tự cường dân tộc bị đe dọa như thế, vai trò của người dân trong việc bảo vệ chủ quyền càng trở nên quan trọng. Nếu trong quá khứ, những người lính trên chiến trường là tuyến phòng thủ cuối cùng của đất nước, thì ngày nay, trách nhiệm đó mở rộng trước hết trên lĩnh vực kinh tế, truyền thông và chính trị. Công dân cần có tiếng nói, cần giám sát chính quyền và đòi hỏi minh bạch trong chính sách đối ngoại, nhằm đảm bảo lợi ích dân tộc không bị hy sinh vì những toan tính ngắn hạn.
Lịch sử không cho phép im lặng!
Gần nửa thế kỷ sau cuộc chiến 1979, cả Việt Nam và Trung Quốc đều có những thay đổi lớn về chính trị và kinh tế. Nhưng có một sự thật không thay đổi: Chủ quyền quốc gia và tự cường dân tộc không bao giờ là điều hiển nhiên. Nó phải được bảo vệ bằng quyết tâm, bằng chiến lược đúng đắn, và quan trọng nhất, bằng ý thức của chính nhân dân về vận mệnh quốc gia.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng Bí thư Việt Nam đã đến dâng hương tại đền thờ liệt sĩ Vị Xuyên. Đây có thể là một tín hiệu tích cực, nhưng đồng thời là lời nhắc nhở rằng, nếu Việt Nam không duy trì một nền chính trị minh bạch, không bảo vệ quyền tự do ngôn luận, không để người dân được quyền lên tiếng về lịch sử của chính họ, thì bài học 1979 có thể bị lãng quên – và những sai lầm có thể lặp lại.
Cuộc chiến 17/2/1979 là một dấu mốc lịch sử không thể bị xóa nhòa. Nó không chỉ là bài học về sự hy sinh, mà còn là bài học về cách một quốc gia phải biết bảo vệ chủ quyền của mình trong một thế giới đầy biến động (11). Nhân dân nào thì chính phủ ấy! Một đất nước muốn ngẩng cao đầu, trước hết phải có những công dân dám lên tiếng, dám đấu tranh, và dám đòi hỏi sự minh bạch trong các quyết định liên quan đến vận mệnh dân tộc.
Lịch sử từng cảnh báo: Im lặng cũng là một sự đồng lõa! (12)
Tham khảo:
1) https://taodan.com.vn/cuon-sach-ma-chien-huu-khong-dang-len-an.html#google_vignette
(2) https://veteransbreakfastclub.org/china-invaded-vietnam-in-1979/
(3) https://www.viet-studies.net/kinhte/DinhHoangThang_Ngay17_02_79.html
(5) https://www.act.nato.int/wp-content/uploads/2023/05/regional-perspectives-2022-07-v2-2.pdf
(7) /a/ngoai-giao-cambodia-mot-bien-thai-cua-ngoai-giao-tre-pheo-/7897514.html
(9) https://www.armyupress.army.mil/Portals/7/combat-studies-institute/csi-books/how-china-wins.pdf
(10) /a/gioi-quan-sat-danh-gia-duoc-mat-tu-du-an-duong-sat-vn-tq-vua-duoc-duyet/7981193.html
(12) https://vineyardgazette.com/news/2021/10/25/silence-equals-complicity
Diễn đàn