“Chuyện chưa kể về phụ nữ Việt Nam” là chủ đề của một sự kiện lần đầu tiên diễn ra ở London, Anh. Một chuỗi những câu chuyện bị lãng quên về những người mẹ của con lai Đại Hàn tại Việt Nam đã được “kể” lại vào tối 12/9, với sự tham dự của Cựu Ngoại trưởng Anh Jack Straw trong tư cách diễn giả khách mời.
Anh Nguyễn Văn Thanh, một trong số hàng chục ngàn con lai Đại Hàn đang sống ở Việt Nam, kể riêng với VOA về hoàn cảnh của mình:
“Mẹ mình bán nước dừa ở trước nhà, coi giùm cho bà ngoại. Xe nó [binh sĩ Hàn] đi đổ rác, đi ngang qua đấy dừng lại chơi. Không biết mẹ bị cưỡng hiếp như thế nào. Bà chỉ nói là bị cưỡng hiếp thôi”.
“Mẹ mới 14, 15 tuổi đã sinh ra mình. Nghe nói sinh ra mình cũng nhỏ lắm, vì mang thai khi còn nhỏ tuổi. Sinh ra mình nhỏ nên khó nuôi, khổ sở lắm, rồi phải lăn lộn với cuộc sống, nghe bà già kể lại thấy quá khổ..."
Tuổi thơ của anh đầy nước mắt, bị khinh khi, hành hạ ngay từ trong gia đình:
"Sau này bà lấy chồng thứ hai, bị chồng hành hạ, đánh đập. Mình cũng bị hành hạ, đánh đập khi mới chỉ 3 tuổi”.
Không đành lòng chứng kiến anh bị hành hạ liên tục, mẹ đã đem anh đi trốn biệt xứ, đến một khu vực mà xung quanh chỉ có rừng núi. Vậy mà vẫn không tránh được cảnh bị hà hiếp vì là "con lai Đại Hàn".
Câu chuyện của ông Thanh là một phần trong những câu chuyện chưa được kể về số phận của những nạn nhân bị cưỡng bức tình dục trong thời chiến.
Justice for Lai Dai Han (“Công lý cho con lai Đại Hàn”), nhà tổ chức sự kiện, cho biết họ đã tìm hiểu và thu thập được nhiều câu chuyện “bị giấu kín” về những phụ nữ Việt bị binh sĩ Hàn hãm hiếp trong thời chiến tranh Việt Nam.
Những câu chuyện này đã được trình chiếu trong sự kiện lần đầu diễn ra tại Anh.
Cần một cuộc điều tra cấp cao
Trả lời phỏng vấn với VOA, Cựu Ngoại trưởng Anh Jack Straw nói tính nghiêm trọng của câu chuyện khiến cho ông chú ý và nhận lời tham dự.
“Cần phải có một cuộc điều tra cấp cao, chất lượng về những cáo buộc này”, cựu Ngoại trưởng Anh nói với VOA.
Từ kinh nghiệm của nước Anh, Cựu Ngoại trưởng Straw cho rằng khi có những cáo buộc từ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, bước đầu tiên cần thực hiện là phải tiến hành điều tra, cho dù đây là một “chủ đề nhạy cảm” đối với cả chính quyền Việt Nam lẫn Hàn Quốc.
Có khoảng 300.000 binh sĩ Hàn Quốc tham chiến cùng các lực lượng của Mỹ tại Việt Nam vào năm 1964, chủ yếu tập trung ở khu vực miền Trung.
Suốt hàng chục năm sau khi đất nước được “giải phóng”, những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt – Hàn luôn bị xã hội khinh khi, ruồng bỏ.
“Người ta quýnh tôi luôn thôi… Cứ đi học là bị mấy đứa bạn học quýnh… Rồi bị chòm xóm ăn hiếp… Họ nói mình khác nòi giống với người ta. Họ nói ‘Mày là con Hàn Quốc. Đi về nước đi, đừng có ở đây’”, chị Võ Thị Tuyết bật khóc khi nhớ lại tuổi thơ đầy cay đắng của mình.
Không riêng Hàn Quốc, Hoa Kỳ cũng bị lên án về việc bỏ lại những đứa trẻ lai tại Việt Nam sau năm 1975.
Năm 1987, với Đạo Luật Con Lai Mỹ (Amerasian Homecomming Act), Hoa Kỳ đã đón khoảng 21.000 con lai và hơn 55.000 gia đình Việt Nam đến định cư tại Mỹ.
Con lai Đại Hàn không may mắn như vậy. Chính phủ Hàn Quốc vẫn không thừa nhận những đứa trẻ Việt là con cái của binh sĩ nước này.
Ước tính hiện có khoảng 800 phụ nữ Việt Nam bị lính Đại Hàn hãm hiếp vẫn còn sống. Mong muốn lớn nhất của họ chỉ là một lời “xin lỗi” từ chính phủ Hàn Quốc để con cái họ được thừa nhận.
Theo Tổ chức Justice for Lai Dai Han, có khoảng từ 10.000 – 30.000 con lai Đại Hàn đang phải chật vật với cuộc sống nghèo khổ bên lề xã hội vì thiếu cơ hội đến trường từ nhỏ.