Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên đường đến Texas để chứng minh cho lập trường của ông về bức tường ở biên giới với Mexico, ông cũng đối mặt với sự ngờ vực ngày càng tăng từ những người liên quan đến bức tường nhiều nhất.
Gần như tất cả các quan chức liên bang và tiểu bang đại diện cho các địa hạt dọc biên giới này phản đối ý tưởng xây tường, theo tờ Washington Post.
Dân biểu liên bang Mac Thornberry của bang Texas, thành viên Cộng hòa cao cấp nhất của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, đã nói rằng ông phản đối việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp để xây bức tường. Một dân biểu khác của Texas là ông Will Hurd cũng thuộc Đảng Cộng hòa đã liên tục lên tiếng phản đối và bỏ phiếu chống ý tưởng này. Ông Dennis Nixon, một lãnh đạo ngân hàng ở Laredo vốn là một nhà tài trợ hàng đầu cho ông Trump, đã cho đăng tải một bài viết dài để bác bỏ mong muốn xây tường biên giới của ông Trump.
Hồi tuần trước, Hạ viện đã thông qua một dự luật cấp ngân quỹ cho các cơ quan liên bang bị đóng cửa, trong đó có Bộ An ninh Nội địa, nhưng không cấp khoản tiền nào cho tiền biên giới. Tất cả chín dân biểu đại diện cho các địa hạt dọc đường biên giới 2.000 dặm với Mexico, trong đó có một dân biểu Cộng hòa, đều ủng hộ dự luật này.
“Đó là giải pháp ở thế kỷ thứ 4 cho một vấn đề ở thế kỷ 21,” Dân biểu Vicent Gonzalez thuộc Đảng Dân chủ đại diện cho một địa hạt vùng biên giới, được CBS dẫn lời nói.
Ông Gonzalez nói ông không chống đối việc tăng cường an ninh biên giới nhưng ông phản đối mở rộng thêm bức tường hiện tại ở biên giới bởi vì ông cho rằng ‘nó không đem lại an ninh biên giới thực sự và nó hết sức tốn kém tiền thuế của người dân’.
Ông Gonzalez cho biết trong một bữa ăn tối riêng với ông Trump hồi năm ngoái, ông đã đề xuất một ‘bức tường biên giới ảo’ sử dụng công nghệ và các thiết bị giám sát quân sự hiện có mà hiện không được sử dụng. Tuy nhiên, ông Trump không hứng thú gì với lựa chọn thay thế cho bức tường thật sự bằng xi măng này, ông Gonzalez nói với CBS.
Địa hạt mà ông đại diện bao gồm McAllen, một thị trấn biên giới của Texas mà ông Trump đến thị sát hôm thứ Năm ngày 10/1 để nêu bật cái mà ông gọi là ‘cuộc khủng hoảng’ ở biên giới. Tuy nhiên, ông Gonzalez nói rằng McAllen là một trong những thị trấn an toàn nhất nước Mỹ và tình trạng tội phạm ở đây đang ở mức thấp nhất trong vòng 33 năm. Do đó, ông bác bỏ lập luận cho rằng đang xảy ra ‘khủng hoảng’ ở biên giới.
“Khi người ta nói về bạo lực tràn lan ở vùng biên giới, điều đó là phi lý,” ông Gonzalez nói thêm.
Khi cơ quan lập pháp bang Texas tái nhóm họp trong tuần này – lần đầu tiên trong vòng một năm rưỡi – Thống đốc Greg Abbott đã có bài phát biểu đưa ra những đề xuất như cắt giảm thuế, giải quyết vấn đề ngân sách giáo dục và cải thiện an toàn trường học. Ông Abbott, cũng như các quan chức hàng đầu khác của tiểu bang, không hề đề cập gì đến an ninh biên giới – vấn đề mà ông Trump cho rằng đang nghiêm trọng đến mức ông cần phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
“Thật lòng mà nói tôi nghĩ là các chính trị gia ở thủ đô Washington rất xa rời thực tế với những gì đang xảy ra ở biên giới,” Thượng nghị sỹ tiểu bang Juan Hinojosa thuộc Đảng Dân chủ đại diện khu vực biên giới mà ông Trump đi thị sát hôm 10/1, nói. “Họ đến đây, họ chụp ảnh trên một con tàu hay trực thăng tuần tra. Phe Dân chủ trỏ sang phía Cộng hòa trong khi những người Cộng hòa chỉ tay về phía Đảng Dân chủ. Sau đó họ rời đi – và họ để lại vấn đề cho chúng tôi.”
Nhiều người ở Texas, trong đó có cả các thành viên Đảng Dân chủ, nói rằng cần phải làm nhiều việc để củng cố an ninh biên giới. Cần bổ sung thêm nhân viên biên phòng. Công nghệ như camera và thiết bị bay cần được đưa vào sử dụng. Những vấn đề này đã được Đảng Dân chủ thúc đẩy thông qua ở Washington.
“Hệ thống di trú đã hoàn toàn đổ vỡ, nhưng bức tường không phải là câu trả lời,” ông Hinojosa nói. “Xây dựng bức tường này không có cơ sở hợp lý. Một số hàng rào là cần phải có, nhưng anh không thể xây một bức tường như ở Trung Quốc (Vạn Lý Trường Thành) chạy từ Brownsville (Texas) cho đến San Diego (California).
Tổng thống Trump thường nói về nhu cầu phải có một bức tường vật chất mà ông nói cần phải cao trên 9 mét và chạy dọc chiều dài biên giới. ‘Xây bức tường’ là tiếng hô đã định hình chiến dịch tranh cử tổng thống của ông và lời cam kết của ông rằng ông sẽ ép Mexico chịu chi phí xây tường đã thu hút được những tiếng reo hò đồng tình của những người ủng hộ ông.
“Đó không phải là hàng rào, đó là một bức tường,” ông quở trách các phóng viên như thế trước khi ông tuyên thệ nhậm chức hồi đầu năm 2017. Nhưng có ít người ở Texas, thậm chí thuộc Đảng Cộng hòa, đi xa đến mức đó. Họ dùng những từ ôn hòa hơn như ‘hàng rào’ thay vì ‘bức tường’.
Có những phức tạp trong việc xây dựng bức tường dọc biên giới với Texas. Địa hình ở đây đầy thử thách. Nếu có con sông chảy qua thì càng phức tạp. Và không giống như ở Arizona hay New Mexico, phần lớn đất đai dọc biên giới của Texas là thuộc sở hữu tư nhân do đó nếu xây dựng bất cứ công trình nào chính quyền cũng phải sử dụng quyền thu hồi đất để lấy đất của người dân.
Các vụ tranh tụng pháp lý vẫn đang chờ đợi được xử lý thay mặt cho những người dân bị chính quyền lấy đất sau khi Tổng thống George W. Bush ký Đạo luật Hàng rào An ninh hồi năm 2006.
“An ninh biên giới bao gồm ba vấn đề: đó là hàng rào ở những nơi khó kiểm soát, đó là công nghệ như thiết bị cảm ứng mặt đất, radar, thiết bị bay và các thiết bị công nghệ được dùng để bổ sung cho bức tường, và đó là con người,” Thượng nghị sỹ Cộng hòa John Cornyn, phát biểu trên kênh Fox News. “Đó thật sự là sự kết hợp của ba yếu tố này và không có một giải pháp chung duy nhất cho toàn bộ đường biên giới. Địa lý ở khu vực rất đa dạng.”
Ông Will Hurd, dân biểu Cộng hòa duy nhất đại diện cho một địa hạt khu vực biên giới, phản bác lời miêu tả của ông Trump về biên giới và cho rằng khu vực biên giới nằm trong số ‘những cộng đồng an toàn nhất nước Mỹ’ và ‘không phải là những bộ phim về băng đảng ma túy đáng sợ như trước’.
Trong bài diễn văn trên truyền hình vào tối ngày 8/1, ông Trump nói rằng vùng biên giới của Mỹ ‘đầy dẫy tội phạm’.
“Xây dựng một cấu trúc bê tông cao 30 foot từ bờ biển bên này đến bờ biển bên kia là cách tốn kém nhất và ít hiệu quả nhất để đảm bảo an ninh biên giới,” ông Hurd nói trên kênh CNN. Ông cũng kêu gọi ông Trump tái mở cửa chính phủ để cho các nhân viên biên phòng có thể nhận tiền lương.
“Nếu đây là một cuộc khủng hoảng,” ông lập luận, “thì những người đang phải đương đầu với khủng hoảng cần được trả lương.”
Ông Hurd là dân biểu đại diện cho địa hạt có đường biên giới dài hơn bất kỳ địa hạt nào của các dân biểu khác ở Hạ viện. Ông đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật mở cửa lại chính phủ hồi tuần rồi của Đảng Dân chủ.
Ông Hurd – vốn từng là điệp viên chìm của CIA – cũng đã đề xuất thông qua dự luật về ‘bức tường biên giới thông minh’, tức là một ý tưởng quản lý biên giới bằng công nghệ mà ông cho rằng tốn chưa tới 1 tỷ đô la so với số tiền 23 tỷ đô la cần để xây dựng toàn bộ bức tường biên giới.
Tuy nhiên, hầu hết các dân biểu Cộng hòa đại diện cho các địa hạt nằm cách biên giới hàng trăm dặm ở bang Texas đều ủng hộ ông Trump ngay cả khi không phải tất cả bọn họ đều kêu gọi xây dựng bức tường.
“Đối với những ai nói rằng hàng rào không có hiệu quả thì hãy đến xem các địa điểm hạt nhân, đến xem Nhà Trắng, đến xem nhà riêng của quý vị xem,” dân biểu Kevin Brady nói. “Hàng rào có tác dụng của nó.”
Dân biểu Lance Gooden, một người mới vừa được bầu vào Hạ viện từ vùng ngoại ô Dallas, hoàn toàn ủng hộ ông Trump và ông nói ông tin tưởng ông Trump làm tất cả những gì cần thiết để được cấp tiền xây tường biên giới.
“Tôi sẽ cảm thấy phấn khích nếu tổng thống nói rằng Quốc hội hãy biến đi trong chuyện này, chúng ta sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp và tự mình làm việc này nếu phe Dân chủ không muốn thương thảo với chúng ta với thiện chí,” ông nói.
Dân biểu Michael McCaul cũng không hề bác bỏ khả năng ông Trump sử dụng quyền về tình trạng khẩn cấp để xây bức tường.
“Tôi nghĩ rằng đó sẽ là phương cách cuối cùng của ông ấy và đó là điều mà các luật sư của ông ấy đang nghiên cứu vào lúc này,” ông nói. “Đây là tình trạng khẩn cấp ở biên giới, theo đánh giá của tôi.”
Dân biểu Dan Crenshaw cũng là người mới được bầu vào Hạ viện từ ngoại ô Houston và là một cựu lính thủy đánh bộ mạnh mẽ ủng hộ đề xuất của ông Trump về bức tường biên giới.
“Từ kinh nghiệm trong quân ngũ của tôi tôi biết rằng hàng rào có tác dụng,” ông viết trong một thông cáo. “Lập luận của phe Dân chủ là bức tường không hiệu quả không dựa trên thực tế hay lý lẽ mà là quan điểm mang tính đảng phái.”
Hôm thứ Ba ngày 9/1, phe Dân chủ ở Hạ viện đã thông qua một dự luật để mở cửa trở lại Bộ Tài chính, một trong số các cơ quan liên bang bị ảnh hưởng bởi chính phủ đóng cửa một phần, để đảm bảo rằng Sở Thuế có thể làm việc khi mùa khai thuế bắt đầu với hàng chục triệu người dân Mỹ.
Bất chấp lời ông Trump kêu gọi Đảng Cộng hòa đoàn kết trước sức ép của phe Dân chủ, có tám dân biểu của Đảng Cộng hòa đã hòa cùng các đồng nghiệp Dân chủ đã bỏ phiếu thông qua dự luật này.
Tuy nhiên dự luật này không có triển vọng trở thành luật do Tổng thống Trump đã nói là ông chống đối bất kỳ dự luật nào không bao gồm ngân quỹ xây tường biên giới.