Đường dẫn truy cập

Đài Loan, nơi Mỹ - Trung ‘xem mặt’ nhau


Tổng thống Đài Loan đã 'nhắc nhở' Trung Quốc ngay ngày đầu nhậm chức nhiệm kỳ 2, 20 tháng Năm.
Tổng thống Đài Loan đã 'nhắc nhở' Trung Quốc ngay ngày đầu nhậm chức nhiệm kỳ 2, 20 tháng Năm.

Võ Ngọc Ánh


Đối nghịch với quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng thì quan hệ Mỹ - Đài ngày càng trở nên nồng ấm.

23 năm sau ngày được trao trả về cho Trung Quốc, Hồng Kông ngày càng mất đi sự hấp dẫn do việc can thiệp thô bạo từ Bắc Kinh.

Ngược với Hồng Kông, Đài Loan đang được các quốc gia dân chủ dành nhiều tình cảm nhờ nền chính trị dân chủ, xã hội cởi mở. Thành công trong việc đối phó với dịch bệnh Covid 19 khiến thế giới phải nói đến Đài Loan nơi để học hỏi. Bất chấp đảo quốc ngày càng bị Bắc Kinh gây sức ép, cô lập trong ngoại giao, đe dọa về quân sự.

Thế giới đã thức tỉnh trước sự hung hăng, thô bạo của Bắc Kinh. Đài Loan trở thành như tiền phương trong cuộc đọ sức của thế giới dân chủ trước một Trung Quốc độc đoán.

Thay đổi của Mỹ với Đài Loan

Lần đầu tiên kể từ năm 1979, đại diện nhà nước Đài Loan được chính thức mời đến tham dự lễ nhậm chức của một Tổng thống Mỹ. Đó là bà Tiêu Mĩ Cầm đại diện ngoại giao của Đài Loan tại Mỹ trong lễ nhậm chức của Joe Biden. Quan hệ Mỹ - Đài đã sang trang.

10 ngày trước khi kết thúc vai trò ngoại trưởng, ông Mike Pompeo cho biết, Mỹ đang tháo bỏ những hạn chế trong quan hệ chính thức với Đài Loan. Các hạn chế do Mỹ tự đặt ra sau khi công nhận một Trung Quốc hơn 40 năm trước.

Tháng 9 năm ngoái, nghị sĩ Tom Tiffany, từ bang Wisconsin đã giới thiệu dự luật, Mỹ bãi bỏ chính sách một Trung Quốc, mở ra quan hệ chính thức với Đài Loan như một quốc gia.

Hàng loạt tín hiệu, thông báo từ tân chính phủ Mỹ cho thấy, chính sách của Mỹ với Trung Quốc tiếp tục cứng rắn và xây dựng mối quan hệ nồng ấm hơn với Đài Loan.

Ba ngày sau khi Joe Biden vào Nhà Trắng, nhóm tàu sân bay tác chiến của Mỹ tiến vào biển Đông và tập trận tại đây.

Tại eo biển Đài Loan, sóng gió nổi lên mạnh hơn trước việc các máy bay quân sự của Bắc Kinh liên tục xâm phạm vùng nhận dạng phòng không Đài Loan. Hành động được xem như nắn gân tân chính quyền Mỹ.

Trước sự hung hăng của Bắc Kinh, các tân lãnh đạo ở Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ nhanh chóng đáp trả, cam kết bảo vệ Đài Loan của Mỹ vững chắc, không thay đổi.

Tàu sân bay Nimitz CSG và nhóm tàu tác chiến đi cùng đang được rút khỏi khỏi Trung Đông để trở lại Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Mỹ bỏ ngoài tai những phản đối từ Bắc Kinh, trong bốn năm ở Nhà Trắng, TT Donald Trump đã bán cho Đài Loan hơn 18 tỷ đô la vũ khí.

Nhiều loại vũ khí tấn công, với khả năng tấn công vượt eo biển Đài Loan vào lục địa Trung Quốc đã được Mỹ trang bị cho hòn đảo độc lập trên thực tế này. Đây là sự khác biệt so với trước đây Mỹ chủ yếu bán cho đảo quốc vũ khí có tính phòng vệ, răn đe.

Thời gian qua Đài Loan đã tiếp đón nhiều quan chức cấp cao của Mỹ: Tháng 8/2020 là chuyến thăm của ông Alex Azar, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ Nhân Sinh. Chuyến thăm của Keith Krach, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ diễn ra một tháng sau. Tiếp đến là Michael Studeman, chuẩn đô đốc Hải quân, một quan chức tình báo quân sự hàng đầu của Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã tới Đài Loan.

Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh để đối phó với Trung Quốc một cách bài bản hơn. Một trong những đối tác hàng đầu của Mỹ là Liên minh châu Âu đã thay đổi cách nhìn với Trung Quốc từ “Đối tác toàn diện” sang “Đối thủ toàn diện”. Donald Trump đã không nhìn ra cơ hội này quy tụ đồng minh vì theo đuổi “Nước Mỹ trên hết” trong bốn năm ông ở Nhà Trắng.

Tại Mỹ việc cứng rắn với Trung Quốc, tăng cường mối quan hệ với Đài Loan, Joe Biden dễ nhận được sự ủng hộ đa số từ đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ.

Các nước dân chủ cùng phối hợp nhịp nhàng sẽ là cách hữu hiệu hơn để đối phó với một Trung Quốc đang lớn nhanh và hung hăng, thì Đài Loan trở nên như một tiền tuyến, quân cờ tiên phong, đối tác hiệu quả.

Chỉ có 2% dân Đài Loan xem mình người Trung Quốc

Sự can thiệp thô bạo của Bắc Kinh, khiến Hồng Kông được thế giới quan tâm không phải điểm đến hấp dẫn của đầu tư, mà ở các phong trào đấu tranh đòi dân chủ.

Hồng Kông bị giảm vai trò ngay chính với Trung Quốc. Nền kinh tế Hồng Kông từ chỗ chiếm khoảng 18% GDP của Trung Quốc khi mới được trao trả, nay tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn khoảng 3% theo Ngân hàng Thế giới.

Bắc Kinh giờ không quá trông chờ, vun vén cho Hồng Kông như tủ kính trưng ra thế giới như trước, thay vào đó gia tăng sự kiểm soát, chi phối.

Bài học từ Hồng Kông làm thức tỉnh đa phần người dân Đài Loan ngày càng muốn tách khỏi Trung Quốc.

Cuộc khảo sát do Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan thực hiện vào mùa hè năm ngoái cho kết quả hơn 75% người dân đảo quốc xem mình là người Đài Loan, chỉ có 4.7% nhận là người Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát khác do Thinktank Đài Loan thực hiện, công bố vào tháng 9 sau đó, cho thấy chỉ có 2% dân xứ Đài xem là người Trung Quốc.

Đài Loan năng động

Năm 2019, Đài Loan đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức thứ hai sau tiếng Trung.

Tiếng Anh một trong những yếu tố hàng đầu đưa Hồng Kông, Singapore trở thành những trung tâm tài chính, dịch vụ của thế giới.

Trước đó, trong những ngày đầu của nhiệm kỳ thứ nhất, Tổng thống Thái Anh Văn đã ‘đánh thức’ “Chính sách hướng Nam mới”.

Chính sách Hướng Nam được khai sinh từ năm 1994, dưới thời Tổng thống Lý Đăng Huy, chủ yếu tập trung vào kinh tế. Tuy nhiên, nó bị bỏ bê do sự hấp dẫn của thị trường Trung Quốc.

Làm mới chính sách này là con đường Đài Loan tự mở ra để hướng đến các nước trong vùng Đông Nam Á, Nam Á cùng với Australia và New Zealand.

Cũng là cách để Đài Loan khẳng định thế mạnh, tính tự chủ, sư năng động trong nhiều lĩnh vực từ ngoại giao, kinh tế, công nghệ, đến giáo dục, văn hóa…

Bởi “Con rồng” Đài Loan có thế mạnh từ công nghiệp chế tạo, sản xuất, đến công nghệ, y tế, giáo dục… để chinh phục thế giới.

Với sự kích thích của Chính sách Hướng nam, đang có hơn 12 nghìn sinh Việt Nam đang theo học tại Đài Loan. Con số này theo chị Thanh Thủy, nhân viên một trung tâm tư vấn du học tại Đài Loan, tăng gấp ba lần so với ba năm trước đó.

Bốn tháng sau khi bà Thái Anh Văn trở thành Tổng thống, tháng 9/2016, chính quyền Đài Bắc đưa ra kế hoạch để biến Đài Loan thành thung lũng Silicon của châu Á.

Phá vòng vây cô lập của Trung Quốc, Đài Loan đang ngày càng khẳng định vị thế một quốc gia độc lập, phát triển, có trách nhiệm với cộng đồng thế giới.

Lo ngại trước việc Đài Loan tuyên bố độc lập sẽ là cái tát vào mặt Bắc Kinh. Cuối tháng một vừa rồi, ông Ngô Khiêm, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra cảnh báo, “Một Đài Loan độc lập nghĩa là chiến tranh”.

Bà Thái Anh Văn, Tổng thống của Đài Loan trước đó đã khôn khéo giải thích trong cuộc phỏng vấn sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai, “Chúng tôi không cần phải tuyên bố Đài Loan là Nhà nước độc lập, vì trên thực tế đã là một quốc gia độc lập”.

Dù chỉ còn 15 nước công nhận Đài Loan là quốc gia, nhưng Nhà nước Đài Loan có mối quan hệ thương mại, không chính thức rất chặt chẽ với nhiều quốc gia thông qua Văn phòng Kinh tế và Văn hóa, hay Ủy ban, Hiệp hội, Trung tâm... Trên thực tế, những nơi này hoạt động như đại sứ quán, lãnh sự quán của Đài Loan ở nước ngoài.

Với sự áp đảo về sức mạnh của Bắc Kinh, Đài Loan chẳng được lợi gì trong lúc này qua việc tuyên bố độc lập.

Đài Loan đang được hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ - Trung, nhưng cũng trở nên như tiền tuyến để hai bên ‘xem mặt nhau’.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG