Đã hơn 40 năm từ khi Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon đi thăm Bắc Kinh, mở đầu một thời đại mới trong quan hệ Mỹ-Trung. Nhưng điều mà nhiều người cho là đã giúp thắt chặt các quan hệ song phương diễn ra một năm sau chuyến đi lịch sử đó, khi Dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia được Tổng Thống Nixon chọn như một trong những bước đầu trong các hoạt động giao lưu văn hóa với Trung Quốc. Mùa Xuân năm nay, Dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia lại đi thăm Trung Quốc để đánh dấu kỷ niệm 40 năm chuyến đi đầu tiên có tính đột phá ấy.
Dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia, một trong các dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới, mới đây đã thực hiện chuyến đi hai tuần, lưu diễn tại năm thành phố Trung Quốc. Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Gary Locke nói về mục đích của chuyến đi:
“Nghệ thuật là phương tiện giúp chúng ta xích lại gần nhau, bất kể nguồn gốc văn hóa hay ngôn ngữ..”
Nhạc sĩ Herb Light đã cộng tác với Dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia 53 năm nay, ông là một trong tám thành viên của dàn nhạc có mặt chuyến đi Trung Quốc đầu tiên, nay quay lại Bắc Kinh trong chuyến đi năm nay. Ông nói:
“Tôi nghĩ rằng lúc bấy giờ các cử tọa tại Trung Quốc hiếm khi được nghe âm nhạc Tây phương. Họ rất lịch sự và thỉnh thoảng chỉ vỗ tay nhẹ. Người ta có thể nhận ra là họ không biết nên cư xử như thế nào, liệu có nên biểu lộ cảm xúc của họ hay không. Thế rồi sau chuyến đi thứ bảy hoặc thứ tám của chúng tôi thì những tiếng vỗ tay ngày càng nồng nhiệt hơn. Bây giờ thì rõ rệt các cử tọa ở Trung Quốc chẳng khác gì mấy với cử tọa tại các nước khác trên thế giới, họ nhiệt liệt bày tỏ sự hưởng ứng của họ trong các buổi trình tấu concerto của chúng tôi.”
Nhưng chuyến đi năm nay mang một ý nghĩa khác hơn so với các buổi hòa nhạc quốc tế khác. Ông David Kim là một nhạc trưởng thuộc Dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia:
“Một trong những điều độc đáo nhất trong chuyến lưu diễn của chúng tôi là những cuộc hòa tấu tự phát, bất ngờ không tính trước. Mới đây chúng tôi đã gây nhiều chú ý khi bốn thành viên trong dàn nhạc bị kẹt trên một phi đạo ở Bắc Kinh, họ đã rút nhạc cụ ra để trình tấu cho hành khách trên cùng chuyến bay.”
Ông David Kim:
“Dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia cũng đã làm điều đó tại những nơi công cộng, các thư viện, tại những địa điểm có nhiều người địa phương…Đó là một cách hay để biểu diễn cho nhiều người vốn bình thường không tìm tới các buổi hòa tấu nhạc cổ điển, và tạo được sự thích thú khi họ nhận ra sự có mặt bất ngờ của các thành viên của dàn nhạc chuyên nghiệp như thế này trước mặt họ. Chúng tôi rất thích làm việc đó tại các công xưởng, các trạm cứu hỏa hay các bệnh viện. Những buổi trình diễn ấy rất có ý nghĩa, và là điều mà các nhạc sĩ của thời đại này nên rèn luyện kỹ năng để làm. Họ phải có khả năng trình bày, hay nói qua trung gian một người thông ngôn. Họ phải có khả năng tiếp xúc, một cách thân mật với bất cứ một cử tọa nào, vào bất cứ lúc nào.”
Ông Kim nói trong khi nhạc cổ điển thường thu hút một cử tọa khán giả không mấy đông đảo ở phần lớn các nơi trên thế giới, trường hợp Trung Quốc bây giờ lại rất khác.
“Tôi tin rằng Trung Quốc là một thị trường đang nổi đối với nhạc cổ điển Tây phương. Hiện đã có các nhạc sĩ tài hoa như dương cầm thủ Lang Lang hay Yuga Wang. Nói tới giới hâm mộ nhạc cổ điển, tôi tin rằng Trung Quốc bây giờ có thể được so với Nhật Bản, Nam Triều Tiên, hay có thể Đài Loan của cách đây 10, hay 20 năm trước. Trung Quốc đang xây các sân khấu tân kỳ để thu hút các dàn nhạc giao hưởng quốc tế. Tôi cho rằng đối với Dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia, chúng tôi không chỉ tới Trung Quốc để trình diễn, mà mỗi năm chúng tôi lưu lại đây khoảng ba tuần lễ, và thực sự kết giao với nhân dân Trung Hoa ở nhiều cấp độ, không chỉ với giới nhạc sĩ chuyên nghiệp mà còn với các sinh viên ngành âm nhạc, những người mong muốn trở thành nhạc sĩ biểu diễn. Ngoài ra, còn có các cuộc tiếp xúc rộng rãi với công chúng. Tất cả những yếu tố đó góp lại đã giúp cho Dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia chúng tôi thực sự có vai trò đặc biệt tại Trung Quốc.”
Sự hưởng ứng dành cho nhạc cổ điển Tây phương ở Trung Quốc, theo lời ông Kim là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì các Dàn nhạc Giao hưởng quốc tế trên thế giới, kể cả Dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia.
Nhạc sĩ Kim chia sẻ:
“Vâng, chúng tôi thấy ngày càng có nhiều người Á Châu trong các cử tọa đến nghe các buổi hòa tấu của Dàn nhạc Giao hưởng chúng tôi. Ngồi ở tất cả các dãy ghế đầu ngay trước sân khấu là khán giả đến từ Hoa Lục và một số người từ Triều Tiên. Hiện tại có rất nhiều nghệ sĩ gốc Á đi vào con đường nhạc cổ điển, như Yo-Yo, Lang-Lang chẳng hạn.. và nhiều nhạc sĩ khác nữa. Tôi tin rằng một phần nào đó, là do ảnh hưởng của cha mẹ. Các bậc phụ huynh gốc Á thường hối thúc con cái không những phải học hành, mà còn phải tham gia các hoạt động như thể thao, hay theo đuổi một bộ môn nghệ thuật, như âm nhạc cổ điển chẳng hạn. Rất nhiều nhạc sĩ Á Châu được huấn luyện từ thuở còn bé giờ trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp cộng tác với Dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia. Không có sự thúc đẩy của cha mẹ, mà được để tự do chọn lựa, khó lòng các nhạc sĩ này có thể bỏ ra công sức, hy sinh đến mức đó để có thể thành công.”