Đến lúc này và dù chẳng muốn chút nào, cơ quan phụ trách về nguồn tài nguyên thiên nhiên gần như duy nhất để nuôi đảng - dầu khí - là Bộ Công thương vẫn phải hô hoán cảnh báo về mối nguy hiểm cạn kiệt kiệt dầu đang rất cận kề.
Cạn kiệt
Trong 10 tháng đầu của năm 2019, sản lượng khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 8,6 tỷ m3, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sản lượng khai thác dầu thô ước chỉ đạt 11,1 triệu tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2018. Hoạt động khai thác dầu ở các mỏ chủ lực trong năm 2019 đang trong giai đoạn suy kiệt, sản lượng giảm mạnh, các mỏ mới phát hiện đều khá nhỏ, cận biên, điều kiện phát triển, vận hành phức tạp, chi phí cao… - bản báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương tại kỳ họp quốc hội tháng 10 - 11 năm 2019 thừa nhận.
Kết quả khai thác khá thất vọng trên là chuỗi tiếp nối của hai năm 2017 và năm 2018 khi hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam bị Trung Quốc gây sức ép tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở Bãi Tư Chính, mỏ Lan Đỏ và cả ở mỏ Cá Voi Xanh mà đã khiến Bộ Chính trị Việt Nam mất ăn ngay trên ‘vùng biển chủ quyền không tranh cãi’ của mình.
Đến lúc này, cấp độ hô hoán đã được chuyển từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam - PVN) lên bộ chủ quản, mà chẳng mấy chốc sẽ chiếm phần nổi bật trong báo cáo kêu than của Chính phủ.
Vậy thực trạng nguồn trữ lượng mới thì sao?
Chỉ chiếm 1/6 sản lượng đang khai thác!
Những năm tới sẽ là một thách thức khủng khiếp: làm sao đảng và PVN tìm ra được nguồn trữ lượng dầu khí mới ở Biển Đông để thay thế cho những mỏ sắp biến thành dĩ vãng và để ngân sách của đảng lẫn đảng khỏi chết theo?
Ngay trước mắt là một mất cân đối quá lớn đối với ‘khoa học khai thác dầu khí’: năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của PVN lên tới 25 triệu tấn, nhưng phần tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng chỉ là 4 triệu tấn, tức trữ lượng mới chỉ chiếm 1/6 sản lượng đang khai thác. Nếu tình trạng mất cân đối giữa tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng và khai thác vẫn tiếp diễn như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, sản lượng khai thác dầu khí của PVN sẽ chỉ còn 1/3 sản lượng so với hiện thời.
Vào đầu năm 2017, một báo cáo của PVN đã thừa nhận rằng gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2017 đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đề ra: mục tiêu đề ra trong nước là 20-30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8-12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28-42 triệu tấn/năm) nhưng trong hai năm 2016 và 2017 PVN đều không hoàn thành khi đạt thấp hơn nhiều (năm 2016 đạt 16,66 triệu tấn quy dầu và năm 2017 đạt 4,0 triệu tấn quy dầu). Hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên hàng năm từ 15% tới trên 30%.
2017 cũng là năm gia tăng trữ lượng dầu khí thấp nhất từ trước đến nay, chỉ đạt 4 triệu tấn dầu, thấp nhất lịch sử. Một quan chức của PVN là Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn phải thừa nhận: “trước đây hàng năm, PVN khoan 30-40 giếng thăm dò, chi phí tốn từ 2-2,5 tỷ USD, gia tăng được 35-40 triệu tấn quy dầu. Thế nhưng, từ 2015 trở lại đây, đầu tư của ta và nước ngoài chỉ đâu đó 400-500 triệu USD cho tìm kiếm thăm dò, giảm 5 lần so với trước”.
Với tình trạng trữ lượng dầu cạn kiệt nhanh trong khi quá khó để tìm ra nguồn trữ lượng mới, có thể hình dung là vào năm 2021, ngân sách chế độ sẽ mất hẳn số thu hàng trăm ngàn tỷ đồng từ PVN mà do đó sẽ ‘kiến tạo’ một lỗ thủng toang hoác không lấy gì bù trám được.
Bạch Hổ cũng sắp ‘chết’
Trước đó vào những ngày đầu năm mới 2019, PVN đã mang lại một thất vọng tím tái cho các cấp trên của nó khi thông báo rằng căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam trong năm nay. Cụ thể, PVN dự tính sẽ khai thác 12,37 tấn dầu thô trong năm nay, giảm 11,45% so với năm ngoái.
Tỷ lệ 11,45% thậm chí còn thấp hơn mức tiết giảm dự kiến 10% mỗi năm của PVN vào năm 2018.
Còn trước đó nữa, vào tháng 11 năm 2018 PVN lần đầu tiên cho biết với trữ lượng gia tăng quá thấp khiến từ nay đến năm 2025, sản lượng khai thác dầu sẽ giảm đều đặn mỗi năm 10% - tương đương với hơn 2 triệu tấn.
Vào năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của PVN lên tới 25 triệu tấn. Nhưng với đà ‘suy giảm tự nhiên’ và với mức giảm bắt buộc hơn 2 triệu tấn/năm, đến năm 2025 sản lượng khai thác quy dầu sẽ cao lắm là 10 triệu tấn/năm. Còn nếu trong giai đoạn 2019 - 2015 mà PVN phải chịu sức ép quá mạnh từ Chính phủ và Bộ Chính trị đảng để phải giữ nguyên hoặc thậm chí gia tăng sản lượng khai thác dầu khí nhằm bù đắp cho một nền ngân sách mau chóng cạn kiệt, đặc biệt là gần như cạn hoàn toàn các nguồn ngoại tệ dùng để trả nợ nước ngoài và chi xài cho công tác ăn tiêu trong đảng, đến năm 2025 PVN sẽ có thể chẳng còn dầu để khai thác nữa.
Những thông tin trên là chuỗi tiếp nối logic với một thông tin từ ông Từ Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Vietsovpetro - vào đầu tháng 2/2018 về “Móng mỏ Bạch Hổ còn quanh quẩn 10 triệu tấn, tối đa chỉ khai thác được 4-5 năm nữa thôi”, tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của PVN.
Điều đó có nghĩa là ngay cả mỏ Bạch Hổ - cung cấp sản lượng lớn nhất, chiếm hơn 60% sản lượng của PVN từ xưa đến nay - đã vào giai đoạn suy kiệt.
Vào năm 2021 hoặc 2022 khi mỏ Bạch Hổ trở thành ‘mỏ chết’, PVN sẽ phải dựa hoàn toàn vào 40% sản lượng còn lại, với điều kiện trữ lượng của những mỏ dầu còn lại vẫn còn mà không suy kiệt hẳn như Bạch Hổ.
Đếm ngược!
Năm 2020 sắp hiện ra với sắc màu tê tái dành cho nền ngân sách thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng của Việt Nam.
Tương lai đen tối trên đang hiển hiện trong bối cảnh hiện thời các nguồn ngoại tệ mạnh từ viện trợ không hoàn lại, viện trợ ODA và cả nguồn kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ đều khá bi đát.
Từ năm 2014, chính thể Việt Nam đã không còn nhận được nguồn vốn ODA đáng kể nào, còn từ năm 2018 đã không còn ODA ưu đãi. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vào năm 2017 và 2018 có thể sụt giảm đến phân nửa so với mức đỉnh 13,5 tỷ USD vào năm 2015…
Trong khi đó, tốc độ bóp hầu bóp cổ dân chúng thông qua thành tích ‘thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước’ và được giới quan chức Việt Nam tự sướng bằng tính từ ‘đáng khích lệ’ sẽ khó lòng gia tăng hơn nữa trong những năm tới.
Tại kỳ họp quốc hội tháng 10 - 11 năm 2019, một sự thật mà giới đại biểu ‘nghị gật’ phải thừa nhận là cơ cấu thu chưa bền vững do những khoản thu từ dầu khí và tiền sử dụng đất bị giảm mạnh, kể cả tại ‘con bò sữa’ TP.HCM. Đặc biệt, thu từ 3 khối doanh nghiệp đều không đạt kế hoạch.
Cũng trong khi đó, nợ công Việt Nam đang khốn quẫn ghê gớm.
Hiện thời, nợ nước ngoài của chính phủ - được công bố chính thức - đã vượt quá 100 tỷ USD. Còn nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, cũng hơn 100 tỷ USD. Nếu tính cả phần nợ vay trong nước, tổng nợ công vào thời điểm năm 2019 có thể xấp xỉ 500 tỷ USD, tức gấp hơn hai lần GDP mỗi năm của Việt Nam (gần 500 tỷ USD bao gồm nợ công Việt Nam đã được xác định là 431 tỷ USD vào năm 2016, cộng với nợ tăng thêm mỗi năm khoảng 20 tỷ USD từ năm 2017 đến nay). Thực tế sống sượng và quá nguy cấp này là hoàn toàn phản ngược với lối báo cáo ‘nợ công vẫn dưới ngưỡng nguy hiểm 65% GDP’ của Chính phủ Việt Nam.
Nổi lên trên bức tranh khốn quẫn ấy, dầu thô - nguồn tài nguyên gần như duy nhất để nuôi đảng - đang biến thành kim đồng hồ đếm ngược tuổi thọ của chế độ độc tài ở Việt Nam theo đúng quy luật của Mác ‘kinh tế quyết định chính trị’.
Nhưng những năm tuổi còn lại ấy thậm chí còn khó có thể trôi dạt và ăn bám như kế hoạch giảm dần sản lượng dầu khai thác của PVN, với lý do là khi PVN lên kế hoạch này thì chưa xảy ra vụ Trung Quốc quyết liệt cho tàu khống chế khu vực Bãi Tư Chính và đòi Việt Nam phải ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí’ - mà về thực chất là ép Bộ Chính trị ‘đảng em’ phải mời kẻ cướp vào nhà để chia bôi tài sản với tỷ lệ có thể đến 60% dành cho Bắc Kinh.
Cũng bởi thế, cái kim đồng hồ đếm ngược không biết có còn cơ hội để chạm mốc 2025 hay sẽ ‘deadline’ trước đó.