Đường dẫn truy cập

'Đường Nào Cũng Dẫn Đến La Mã'


Đấu trường La Mã vào buổi tối.
Đấu trường La Mã vào buổi tối.
"All roads lead to Rome". Đường nào cũng dẫn đến La Mã. Đây là câu nói mà tôi đã nghe từ lúc còn ở Việt Nam. Vì vậy nó nói lên ít nhất hai điều. Thứ nhất, nghe câu nói này ai cũng hiểu. Từ Đông sang Tây. Đó là làm gì thì làm nhưng cuối cùng nó cũng sẽ là điểm dừng chân, là điểm đến.

Thứ hai, nếu đã chấp nhận điều đó thì ai cũng phải thầm chấp nhận thêm rằng trên thế gian này, ít nhất cũng là trong vài ngàn năm trở lại đây, Rome mới thật sự là thủ đô của nền văn minh nhân loại, là điểm mọi người nên tụ họp về, để chiêm ngưỡng, để suy ngẫm và nhất là để cảm nhận về những gì được cho là đáng bảo tồn nhất.

Sẽ không có một thành phố nào có nhiều cổ vật bằng thành phố này. Cũng sẽ không có một nhà thờ nào vĩ đại hơn Toà Thánh St Peters của Thành Vatican.

Thật sự có đặt chân đến nơi này bạn mới có thể bắt đầu hình dung được sự giàu có và huy hoàng của những đại đế La Mã ngày xưa. Tôi nhận thấy thường đọc sách hay học lịch sử để biết thêm về một nơi nào đó là một chuyện. Nhưng đến được tận nơi, thấy tận mắt thì chúng ta mới có thể bắt đầu cảm nhận được bề dày (lẫn bề ngang) của nơi mình vừa đặt chân đến.

Thành Roma, tên chính thức người Ý gọi thủ đô của họ, là một trong những thí dụ điển hình nhất.

Thật ra đây không phải là lần đầu tiên tôi đến thành Roma. Trong khuôn khổ bài viết này tôi cũng không muốn chia sẻ với các bạn về tất cả những nơi tôi nghĩ nếu bạn là khách du lịch nên ghé thăm. Đơn giản vì có nhiều quá. Nếu như ở Úc toà nhà nào trên 100 tuổi sẽ đương nhiên được liệt vào hàng quốc bảo thì tôi nghĩ ở Ý mình cần phải nhân lên 10. Vì cứ quẹo qua một góc đường là bạn lại thấy một thánh đường to, cổ. Rải rác khắp cả thành phố là những công viên, cung điện, tường thành không cái nào giống cái nào. Mà cái nào cũng đã có mặt ít nhất vài trăm năm... trước mình!

Mặc dù tôi biết một số người cho rằng thành Roma có quá nhiều khách du lịch, too touristy, không thơ mộng bằng Tuscany hay bình yên như ở Florence nhưng tôi vẫn nghĩ nếu đã đến Ý thì nhất định bạn phải đến Rome. Cho dù nó có đắt đỏ đến đâu. Vì Roma là biểu tượng của nước Ý. Của những gì huy hoàng, sang trọng và đáng chiêm ngưỡng nhất về người Ý và lịch sử hào hùng của họ. Không phải đương nhiên mà mãi cho đến bây giờ, thành Roma vẫn được cho là một trong những cổ thành vĩ đại nhất thế giới, nếu không muốn nói là No. 1.

Đối với riêng tôi nó hơn hẳn tất cả những cổ thành khác trên thế giới.

Và đúng là nó cũng có đắt thật. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên qua Ý lúc còn đi học cả ngày tôi chỉ có đủ tiền mua pizza hoặc hot dog bên lề đường để ăn cho đỡ đói. Con mắt lúc ấy được chăm sóc tử tế hơn cái bao tử. Bây giờ mặc dù có đỡ hơn, lần này tôi sang đây để đi làm chứ không phải đi chơi nhưng thú thật tôi cũng chẳng dám đêm nào cũng bước vô nhà hàng. Vì bảo đảm với bạn, chỉ cần bước vô bước ra là bạn sẽ tốn ít nhất 50 euros cho một bữa ăn ba món. Chưa tính tiền tax và tiền nước. Còn nếu như bạn đã lỡ thích có rượu đễ nhâm nhi thì thôi... miễn bàn.

Tiền khách sạn ở Roma cũng thuộc vào hàng đắt đỏ nhất thế giới, theo tôi nghĩ. Đêm hôm trước khi qua tôi đã lên mạng để check xem có cái deal “last minute” nào tốt hay không (vì thường book trên mạng vào những ngày cuối rẻ hơn) nhưng rất tiếc “last minute” hay có book trước vài tuần thì cũng thế. Vì không có cái nào còn chỗ trống.

Bạn có thể tưởng tượng được không khi tôi phải bỏ ra 130 euros và sau 4 giờ trên mạng tôi mới tìm được một khách sạn hạng tồi nằm cách xa trung tâm thành phố hàng chục cây số.

Bởi thế tôi nghĩ nếu như bạn muốn có một lần được viếng thăm thành Roma trong đời và bạn không có nhiều tiền như... tôi thì đây là những điều bạn cần ghi nhớ.

Thứ nhất, bạn chỉ nên đi lúc low season có nghĩa là không phải trong thời cao điểm. Như bây giờ chẳng hạn. Giá cả mùa hè phải chăng hơn mùa đông vì có ít khách du lịch hơn.
Thứ hai, nếu là học sinh thì bạn nên lo làm thẻ học sinh trước khi đi vì đôi khi giá vào cửa các viện bảo tàng, cung điện có thể giảm hơn 1/3 hay chỉ có nửa giá.

Thứ ba, tránh đừng gọi taxi kể cả lúc vừa mới đến phi trường. Tôi biết tâm lý chung của mọi người là không biết việc đi lại sẽ ra sao nên thường bắt taxi về khách sạn cho chắc ăn. Nhưng qua kinh nghiệm cho thấy, từ phi trường về khách sạn, nhất là ở Âu Châu, phần lớn các phương tiện công cộng, đặc biệt là xe lửa, đều tiện lợi, rẻ và mau hơn nhiều.

Hôm tôi buộc phải dùng taxi từ phi trường về khách sạn ở Rome vì có quá nhiều đồ đạc, dụng cụ quay phim linh tinh, tôi đã phải chi 70 euros, tức là gần 100 đô mới về tới khách sạn. Sau gần 2 tiếng đồng hồ bị kẹt xe trên đường về trung tâm thành phố. Nếu hôm đó tôi chịu khó bắt xe lửa, chắc chắn tôi chỉ mất khoảng 1 giờ và 10 đô là đến hotel.

Thứ tư, mỗi tối trước khi về khách sạn bạn nên ghé vào các tiệm thực phẩm hoặc supermarket mua nước và trái cây để dùng cho ngày hôm sau. Bảo đảm bạn sẽ tiết kiệm được ít nhất là hơn nửa hoặc ¾ giá bán lẻ. Một chai nước vào supermarket mua sỉ chỉ có 40 cents. Nhưng ngoài cổng gần những nơi có nhiều khách du lịch giá mỗi chai nước là 4 euros. Nói thật những anh Ý bán hàng rong ở Rome làm giá còn hơn các bác ở chợ Đồng Xuân Hà Nội.

Thứ năm, bạn nên mang giày thể thao và đi bộ ở Roma hơn là mang giày da, cao gót và đi xe. Vì chắc chắn một điều bạn sẽ không thể nào cảm nhận được tất cả những gì mà Roma có thể mang lại nếu như bạn chỉ biết cỡi taxi ngắm người. Từ một góc phố cổ kính trong ngõ hẹp, một nhà thờ đứng im trong góc không một bóng người cho đến một ly kem gelatos ngay bên cạnh những bực thang của khu Spanish Steps đông đúc người qua lại, tất cả bạn chỉ có thể tận hưởng và đắm chìm vào văn hoá của người Ý nếu như bạn chịu khó rảo bộ.

Sẽ không có một thành phố nào mang đến cho bạn nhiều cảm xúc, cung bậc từ miếng ăn, cho đến quần áo, lịch sử, đền đài và nhất là tâm linh như ở Roma. Không cần thiết bạn phải là người Công giáo mới cảm nhận được điều này. Tôi nghĩ bất kỳ ai, một khi đã bước vào một thánh đường trang nghiêm, to rộng không một bóng người qua lại (điều này rất dễ tìm ở Roma, nhất là vào ban đêm), tai chỉ nghe tiếng chân của chính mình, mắt chỉ thấy tượng, đền, những cây thánh giá, những ngọn nến lung linh khi mờ, khi tỏ, cũng sẽ cảm thấy lòng mình bỗng chùn xuống. Tâm bỗng như chững lại, tự xét mình xem cần phải làm gì để có thể tốt hơn. Hay đơn giản chỉ là một khoảnh khắc tự nhìn lại mình, sám hối.
Mười năm trước khi đến Roma lần đầu tiên tôi đã tự nhủ thầm rằng nếu như trong cuộc sống của tôi không còn gì để lo, để toan tính chắc chắn tôi sẽ chọn Roma làm nơi tôi sinh sống. Nó có đủ tất cả những gì mà một thằng con trai như tôi thích tìm đến.

Mười năm sau, tôi nghĩ tôi cũng sẽ chọn thành phố này.

Thế còn bạn thì sao?

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG