Dữ liệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy nhanh việc bán cổ phiếu Việt Nam trong những tuần gần đây khi rủi ro thương mại gia tăng đối với quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu này, bất chấp thị trường có triển vọng được nâng hạng và giúp tăng giá cổ phiếu vào cuối năm nay.
Giới phân tích nói rằng Việt Nam, một trung tâm xuất khẩu ở Đông Nam Á, đã hưởng thặng dư thương mại kỷ lục với Hoa Kỳ vào năm ngoái và cũng áp thuế nhập khẩu cao hơn, khiến nước này phải chịu rủi ro về thuế quan của Hoa Kỳ khi chính quyền của ông Trump có động thái chỉnh lại sự mất cân đối thương mại.
Tháng trước, theo dữ liệu thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài - thường được gọi là khối ngoại - đã giảm mức nắm giữ cổ phiếu Việt Nam với một lượng là 6,4 nghìn tỷ đồng (251,18 triệu đô la). Lượng bán ròng từ thị trường đạt trị giá 207 tỷ đô la, gần gấp 3 lần so với tháng 12.
Dòng tiền chảy ra cao hơn nhiều so với thị trường Indonesia có quy mô lớn hơn nhiều, nhưng thấp hơn so với các thị trường châu Á lớn khác, chẳng hạn như Ấn Độ hoặc Hàn Quốc.
Xu hướng nêu trên tăng tốc ở Việt Nam vào tháng 2, khi giá trị bán ròng của khối ngoại lên tới 4,2 nghìn tỷ đồng chỉ trong tuần đầu tiên của tháng.
Tuần này, lượng bán của khối ngoại vẫn tiếp tục, ảnh hưởng đến các hãng sản xuất thép sau khi chính quyền của ông Trump công bố mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu vào Mỹ. Việt Nam là một trong những nhà cung cấp chính về thép cho Mỹ.
Đợt bán tháo kéo dài cho đến nay vẫn chưa được bù đắp lại bằng triển vọng là Việt Nam sẽ được hãng quản lý chỉ số FTSE Russell xếp hạng lại, chuyển từ thị trường cận biên thành thị trường mới nổi, điều mà các quan chức và giới phân tích cho rằng có khả năng sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Vào năm 2018, FTSE đã đưa Việt Nam vào danh sách các thị trường được theo dõi để nâng hạng và quốc gia do đảng cộng sản lãnh đạo này đã áp dụng các cải cách quan trọng trong những tháng gần đây, bao gồm cả việc vào tháng 11/2024 họ xóa bỏ các yêu cầu đối với các nhà đầu tư nước ngoài là phải nạp vốn trước đầy đủ liên quan đến các giao dịch vốn chủ sở hữu, đây là điều kiện tiên quyết quan trọng để được FTSE nâng hạng.
Nhiều quan chức nói rằng FTSE dự kiến sẽ công bố báo cáo tạm thời vào tháng 3 về các thị trường được theo dõi và quyết định vào tháng 9 về khả năng nâng hạng Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng việc FTSE và đối thủ lớn hơn của hãng là MSCI nâng hạng Việt Nam sẽ thu hút thêm 5 tỷ đô la đổ vào thị trường chứng khoán của nước này. Ngân hàng Thế giới ghi chú trong một báo cáo rằng dự kiến sẽ có dòng tiền đáng kể đổ vào trước khi có việc nâng hạng, vì các nhà đầu tư đón đầu sẽ đặt cược vào việc giá cổ phiếu sẽ tăng.
Cho đến nay, điều đó vẫn chưa xảy ra, vì động thái cải cách quy định về tiền vốn tuy quan trọng nhưng lại trùng với thời điểm ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11/2024 và dòng tiền nước ngoài đã chảy ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên trên toàn cầu.
Vào tháng 11/2024, lượng cổ phiếu Việt Nam bị khối ngoại bán ròng đạt 12 nghìn tỷ đồng, là mức rút tiền cao nhất kể từ tháng 6.
Diễn đàn