Cuộc gặp mặt giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama, trong chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu Đảng Cộng sản tới Nhà Trắng, được Đại sứ Ted Osius sắp đặt nhằm giúp Mỹ và Việt Nam tạo dựng thêm sự tin tưởng, một yếu tố, mà theo ông, là vô cùng quan trọng trong nỗ lực hoà giải của hai cựu thù.
Quá trình xây dựng lòng tin để vượt qua sự thù hận và bất tín trong quá khứ giữa hai nước được Đại sứ Osius, có nhiệm kỳ ở Hà Nội từ 2014-2017, kể lại trong cuốn sách mới ra mắt của ông có tựa đề “Nothing is Impossible: America’s Reconciliation with Vietnam” (Không gì là không thể: Quá trình hoà giải của Mỹ với Việt Nam) qua những câu chuyện mà ông được chứng kiến trong gần 30 năm kể từ khi bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình ở đây.
Trong cuộc phỏng vấn với VOA ngay khi cuốn sách ra mắt, hiện đang có mặt trên các kệ sách ở Mỹ từ ngày 15/10, ông Osius, đại sứ Mỹ thứ 6 tại Việt Nam, nói về lý do ông dành nhiều năm để viết ra sự thật phía sau các nỗ lực hoà giải giữa hai nước và vì sao mối quan hệ từ cựu thù thành những đối tác quan trọng này được xem là hình mẫu cho những quốc gia khác trên thế giới có thể đến với nhau sau các cuộc xung đột.
VOA: Theo giới thiệu của đại sứ, đây không phải là một cuốn sách về chính sách mà nó là những câu chuyện về những con người: từ chuyện sau cánh gà của cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho đến việc một tư lệnh hải quân Mỹ đi thăm Bạch Đằng Giang dẫn tới kết quả là chuyến thăm đầu tiên của hàng không mẫu hạm Mỹ vào Đà Nẵng kể từ sau chiến tranh. Vậy ông viết cuốn sách này cho ai và ông muốn độc giả lĩnh hội những gì từ đó?
ĐS Osius: Những gì kể trên chỉ là một vài trong nhiều câu chuyện và cuốn sách là một loạt những câu chuyện bắt đầu từ 30 năm trước đây, từ thời điểm 1991. Nó là toàn bộ vòng cung hoà giải giữa Mỹ và Việt Nam qua những câu chuyện về những con người tham gia quá trình đó. Tôi nói rằng nó không phải là một cuốn sách về chính sách bởi vì nó không có toàn những khuyến nghị, các phân tích hay dữ liệu về chính sách mà nó là cuốn sách về những câu chuyện về những con người, những người đã đóng góp vào sự hoà giải. Nhưng thực ra, cũng có chiến lược trong đó. Trong cuốn sách, tôi nói về những gì tôi nghĩ là có hiệu quả trong ngoại giao và những bài học lớn mà tôi nghĩ rằng chúng ta có thể rút ra từ sự hoà giải giữa Mỹ và Việt Nam mà có thể áp dụng được ở những nơi khác trên thế giới, nơi có xung đột và cũng có khả năng cho tình hữu nghị và quan hệ đối tác.
Tôi viết cuốn sách này cho ai? Tôi phải viết nó ra. Tôi đã tham gia vào các mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trong gần 30 năm qua và tôi đã được “ngồi ở hàng ghế đầu” trong rất nhiều những sự kiện lớn để chứng kiến mối quan hệ này. Tôi cảm thấy tầm quan trọng phải viết ra những câu chuyện đó, từ lúc tôi là một nhà ngoại giao trẻ trong những ngày đầu sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao cho tới khi tôi trở thành đại sứ, một công việc mơ ước trong cả cuộc đời tôi. Tôi thấy mình có nghĩa vụ phải viết ra những câu chuyện đó.
VOA: Cuốn sách là về sự hoà giải giữa hai nước. Điều gì là trở ngại lớn nhất đối với các nỗ lực hoà giải giữa Mỹ và Việt Nam? Và theo ông, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần làm gì để tăng tốc sự hoà giải này?
ĐS Osius: Trở ngại lớn nhất là xây dựng lòng tin. Để xây dựng lòng tin phải mất nhiều thời gian. Chúng ta đã có một cuộc chiến tranh đẫm máu. Hàng triệu người đã chết trong cuộc chiến tranh đó và Việt Nam đã bị bỏ lại trong tình trạng tồi tệ khi chiến tranh kết thúc. Hoa Kỳ cũng vậy. Nó gây ra tổn thất to lớn cho cả hai phía. Do đó, việc cả hai nước phải mất nhiều thời gian để hoà giải là một điều tự nhiên. Nhưng thử nghĩ xem, kể từ khi câu chuyện bắt đầu từ năm 1991 cho tới nay thì đó là một quá trình lịch sử tương đối ngắn cho cả hai nước để đi từ những kẻ thù cho tới việc trở thành những người bạn và đối tác thân thiết.
Tôi thực sự nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam đã làm khá nhiều việc để tăng tốc sự hoà giải. Họ đã đưa ra một quyết định lớn để chào đón đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân Hoa Kỳ. Họ đã chào đón những Việt kiều về nước. Đó là hàng triệu người Mỹ gốc Việt. Họ đã hoan nghênh một mối quan hệ an ninh mạnh mẽ với Hoa Kỳ, sự hợp tác trong giáo dục, y tế, môi trường và trong nhiều lĩnh vực khác.
Tôi nghĩ rằng điều còn dang dở, mà thường xảy ra sau bất kỳ cuộc nội chiến nào, là việc vẫn còn nhiều oán hờn từ cả hai phía. Tôi nghĩ vẫn còn nhiều việc cần phải làm để xây dựng lòng tin giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và chính phủ cũng như người dân Việt Nam. Đã có rất nhiều tiến bộ trong việc này và tôi đã tham gia vào các nỗ lực đó. Tuy nhiên, nó chưa hoàn tất và còn nhiều việc phải làm.
VOA: Lòng tin có phải là yếu tố chính làm cản trở Việt Nam và Mỹ nâng cấp mối quan hệ lên tầm chiến lược?
ĐS Osius: Vâng, tôi nghĩ sự tin tưởng là cái mất nhiều thời gian nhất để tạo dựng. Thực ra hai bên giờ đây đã tin tưởng nhau hơn nhiều. Khi tôi gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam, tôi thấy được sự tin tưởng nhiều hơn ở họ so với trước đây. Tôi nghĩ rằng lòng tin là thứ mà bạn phải tiếp tục tìm kiếm. Bạn không thể chỉ tạo dựng lòng tin và để đó. Nó có thể tiêu tan nếu bạn không tiếp tục nuôi dưỡng nó. Vì vậy tôi nghĩ rằng bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần phải được nuôi dưỡng.
Khi Mỹ rút khỏi hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương, chúng tôi đã phá vỡ lòng tin. Theo quan điểm của tôi, phía Mỹ đã thuyết phục được Việt Nam tham gia. Nhiều người đã bất chấp rủi ro để tham gia vào hiệp định thương mại này và khi Mỹ rút lui khỏi hiệp định, tôi nghĩ đó là một sai lầm lớn. Tôi đã viết về điều này ở phần cuối của cuốn sách. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thể tạo dựng lại lòng tin đó thêm một lần nữa bằng cách tham gia một cách chủ động vào lĩnh vực thương mại với Việt Nam cũng như các nước khác ở châu Á. Thương mại là vô cùng quan trọng trong an ninh kinh tế. Tôi muốn thấy Hoa Kỳ ngày càng chủ động hướng đến một chương trình nghị sự kinh tế gắn kết với Việt Nam và các nước còn lại trong khu vực.
VOA: Một báo cáo cập nhật trong năm nay của Quốc hội Mỹ nói rằng quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam còn bị hạn chế bởi một số yếu tố trong đó có việc các lãnh đạo Việt Nam vẫn sợ rằng chính phủ Hoa Kỳ về lâu dài muốn chấp dứt chế độ độc quyền của Đảng Cộng sản thông qua “diễn biến hoà bình.” Có phải hai nước vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng nhau?
ĐS Osius: Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ có sự tin tưởng hoàn toàn. Còn có lợi ích trong đó. Lòng tin là quan trọng và lợi ích quốc gia cũng rất quan trọng. Nhưng tôi nghĩ chúng ta đã có một bước tiến lớn về phía trước vào năm 2015. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ và gặp mặt Tổng thống Barack Obama trong Phòng Bầu dục. Lúc đó, Tổng thống Obama nhìn thẳng vào mắt ông (Trọng) và nói rằng “chúng tôi tôn trọng các thể chế chính trị khác nhau.” Nói cách khác, chúng ta có những sự khác biệt về nhân quyền – mà thực sự là những khác biệt rất lớn – và Việt Nam có một thể chế chính trị rất khác biệt với Mỹ nhưng chúng tôi có thể tôn trọng rằng các quốc gia khác sẽ lựa chọn hệ thống chính trị của họ và chúng tôi không làm thay họ. Tôi nghĩ rằng điều đó đã làm cho các nhà lãnh đạo Việt Nam cảm thấy rất an tâm rằng Hoa Kỳ không có ý định lật đổ chính phủ của họ. Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc cách mạng Da cam hay cách mạng màu ở Việt Nam.
Vào thập niên 1970, chúng tôi đã tìm cách lật đổ chính phủ (Việt Nam) trong cuộc chiến tranh và chúng tôi đã không chiến thắng trong cuộc chiến tranh đó. Và giờ đây chúng tôi có một cách tiếp cận rất khác. Đó là xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và dựa trên ý tưởng rằng chúng tôi không tìm cách thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam. Điều đó cần được tái thiết lập với mỗi chính quyền tiếp theo của Mỹ, và tôi nghĩ chính quyền Trump đã làm tốt điều này. Chính quyền đã nêu rõ ràng rằng họ hoàn toàn vui mừng với một mối quan hệ mạnh mẽ với Việt Nam và không tìm cách thúc đẩy cho sự thay đổi thể chế hay bất kỳ điều gì như vậy. Chính quyền Obama đã cho thấy sự tôn trọng của Hoa Kỳ và gần đây chúng ta đã có hai chuyến thăm cấp cao của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Phó Tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam. Điều đó đã thể hiện sự tôn trọng. Đó không phải là để lật đổ hay đe doạ hoặc thách thức chính phủ Việt Nam. Đó là để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác và bày tỏ sự tôn trọng đối với đối tác của Hoa Kỳ.
VOA: Đại sứ là người đã giúp sắp đặt chuyến thăm của Tổng bí thư Trọng tới Mỹ gặp Tổng thống Obama. Ông Trọng trở thành nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên được tiếp đón tại Nhà Trắng. Chuyến thăm này có vai trò gì trong quá trình hoà giải giữa Việt Nam và Mỹ?
ĐS Osisu: Tôi tin là nó đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp xây dựng thêm lòng tin. Phần quan trọng trong chuyến thăm chính là khi Tổng thống Obama nói chúng tôi tôn trọng các hệ thống chính trị và điều đó làm cho tổng bí thư Đảng Cộng sản thấy rằng ông ấy có thể tin tưởng vào các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và rằng không có lý do gì phải lo sợ cả. Kể từ đó trở đi, sự hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực được làm sâu sắc một cách nhanh chóng hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ rằng chuyến thăm đó đã tạo tiền đề cho hai chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Đà Nẵng trong những năm sau đó. Theo tôi, chuyến thăm cũng tạo tiền đề mối quan hệ thương mại ngày càng sâu sắc giữa hai nước. Nó cho phép chúng ta xây dựng lòng tin ngay cả trong thời gian đại dịch khi bộ máy y tế cộng đồng ở cả hai quốc gia có thể làm việc được với nhau. Chúng ta vừa chứng kiến việc Mỹ mở văn phòng CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) khu vực tại Việt Nam. Vì vậy tôi nghĩ rằng chuyến thăm đó đã đóng góp vào mối quan hệ đối tác tôn trọng lẫn nhau và làm tăng tốc sự phát triển của đối tác đó.
VOA: Mỹ và Việt Nam phải mất 20 năm mới bình thường hoá được mối quan hệ và 25 năm sau nữa mới đạt được mức độ lòng tin như bây giờ. Tại sao lại lâu đến vậy?
ĐS Osius: Nếu nhìn nó như thể là một khoảng thời gian dài khủng khiếp để hai cựu thù đến được với nhau thì tôi nghĩ, về mặt lịch sử, thực ra là khá nhanh. Lý do phải mất 20 năm để đi đến bình thường hoá là vì có rất nhiều sự tức giận, đặc biệt từ phía Mỹ, và Việt Nam cũng phải thương lượng rất nhiều trước khi Mỹ thực sự đáp lại và nói “OK, chúng tôi sẵn sàng để nói chuyện nghiêm túc về việc bình thường hoá.” Chúng tôi đã hợp tác tới mức tối đa có thể để tìm kiếm những quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Còn phía Việt Nam, việc xây dựng lòng tin được coi là điều cần thiết để hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới.
Do đó, đã có một sự đánh đổi trong 20 năm đầu tiên. Thậm chí trong những năm đầu sau khi bình thường hoá, mối quan hệ vẫn còn tương đối là mang tính giao dịch đổi chác. Nhưng sau đó niềm tin dần được tạo dựng trong 25 năm tiếp theo. Trên thực tế xét về mặt lịch sử, đó là một khoảng thời gian khá nhanh để chúng ta đi từ việc thù địch và nghi ngờ lẫn nhau tới việc trở thành những người bạn và đối tác thân thiết. Cuốn sách này kể những câu chuyện cho thấy điều đó đã xảy ra như thế nào, ai đã đóng góp vào sự hoà giải đó, ai đã thực sự chấp nhận rủi ro để làm cho mối quan hệ phát triển, và những quyết định nào mà họ đưa ra để xây dựng lòng tin cũng như vượt qua sự thù hận và bất tín trong quá khứ.
VOA: Ông bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình tại Việt Nam từ giữa những năm 1990 và trở thành đại sứ Mỹ thứ 6 tại Hà Nội, từ 2014-2017. Đâu là điều khó khăn nhất mà ông phải đối mặt trong sự nghiệp gần 30 năm làm ngoại giao ở đây?
ĐS Osius: Điều khó khăn nhất có lẽ là nhân quyền. Chúng ta có những sự bất đồng lớn nhất và sâu sắc nhất về nhân quyền. Đó là điều khó khăn nhất khi làm việc với Việt Nam. Nhưng có một điều khó khăn khác mà tôi phải đối mặt gần như tương tự đối với Hoa Kỳ là việc tẩy rửa chất độc Da cam dioxin còn sót lại sau chiến tranh. Nó khó khăn về mặt quan liêu vì tôi phải thuyết phục Bộ Quốc phòng Mỹ chi ra một khoản tiền lớn cho việc tẩy rửa căn cứ không quân Biên Hoà. Tôi thấy đây là điều rất cần thiết.
Nếu chúng ta muốn gác lại quá khứ thì chúng ta phải tẩy rửa những nơi mà các hành động của chúng ta đã để lại hậu quả. Đó là Phù Cát, nơi đã được Liên Hợp Quốc giúp làm sạch; Đà Nẵng, nơi chúng tôi đã hoàn thành tẩy rửa trong thời gian tôi làm đại sứ; và Biên Hoà, nơi có rất nhiều dioxin đọng lại tại căn cứ không quân. Vì vậy rất là tốn kém để làm sạch nó. Tôi đã phải đấu tranh với Bộ Quốc phòng rồi Bộ Ngoại giao và mất một thời gian rất dài. Quy trình này chỉ được hoàn thành sau khi người kế nhiệm của tôi, Đại sứ Daniel Kritenbrink, lên thay, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Thượng nghị sỹ Patrick Leahy và trợ lý của ông, Tim Rieser.
VOA: Ông đã làm được nhiều điều để giúp hoà giải và phát triển mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Điều gì làm ông, khi nhìn lại, thấy tự hào nhất?
ĐS Osius: Điểm sáng đối với tôi là chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam. Chuyến thăm 3 ngày đó gần như là hoàn hảo. Đó là 3 ngày mà trong sự nghiệp 30 năm làm ngoại giao của tôi khi nhìn lại là đỉnh điểm đối với một nhà ngoại giao như tôi. Thực sự là thú vị khi được tiếp đón và giới thiệu với tổng thống Hoa Kỳ về Việt Nam, về sự thay đổi cũng như sự phát triển của đất nước này. Tổng thống cũng đã rất thích thú, nhất là khi có đến cả triệu người đổ ra đường phố Hà Nội chào đón. Đó thật là tuyệt vời.
Có những khoảnh khắc của chuyến thăm mà tôi thật sự tự hào, đó là chúng tôi đã sắp xếp được một cuộc hội thoại giữa tổng thống và rapper Suboi. Cô ấy đã hát rap cho tổng thống. Tôi cho rằng nhiều người trên thế giới không nghĩ rằng sẽ thấy một nữ rapper trẻ ở quốc gia Cộng sản hát rap cho tổng thống Hoa Kỳ. Tổng thống đã nói chuyện với các doanh nhân trẻ ở TPHCM và ăn bún chả với Anthony Bourdain ở một quán ăn ở Hà Nội. Ông cũng đã có một bài phát biểu rất hay và mạnh mẽ với người dân Việt Nam, trong đó ông nói về hy vọng và cả nhân quyền. Tổng thống đã rất thẳng thắn nhưng được đón nhận.
VOA: Đại sứ nói rằng chuyến thăm đó “gần như hoàn hảo.” Vậy có điều gì khiến nó không hoàn hảo?
ĐS Osius: Có một khoảnh khắc không được hoàn hảo. Tổng thống đã có kế hoạch gặp mặt với một số nhà hoạt động của xã hội dân sự tại khách sạn nơi ông đang ở. Cuối cùng thì ông chỉ gặp được một vài người trong đó chứ không phải tất cả họ. Đối với tôi, đó thực sự là một điều thất vọng bởi vì tôi không thấy có mối đe doạ nào từ việc tổng thống Mỹ gặp mặt với một số thành viên của xã hội dân sự. Nhưng rõ ràng đã có những lo ngại từ phía các nhân viên an ninh và họ đã xua đuổi được một số người đáng ra đã có mặt tại cuộc gặp với Tổng thống Obama. Tôi cho rằng điều đó là không cần thiết. Tôi đã tìm cách nói rõ trước đó rằng chúng tôi sẽ không làm gì để gây bất ổn cho chính phủ.
Khi điều đó xảy ra, nó rõ ràng cho thấy chúng ta chưa đủ độ tin cậy lẫn nhau và người ta đã nghĩ rằng tổng thống Mỹ có những động cơ nào đó mà thực sự không phải vậy. Tổng thống chỉ đơn giản là muốn tìm hiểu về đất nước và về sự phát triển của xã hội dân sự ở đây. Tôi nghĩ (cuộc gặp mặt) là một câu chuyện mà Việt Nam đáng ra phải tự hào thay vì lo sợ.
VOA: Tựa của cuốn sách là “Không gì là không thể” mà ông nói là lấy cảm hứng từ một phát biểu của Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam, Pete Peterson. Có điều gì là ‘không thể,’ hoặc ông thấy là ‘không thể,’ mà lại trở thành ‘có thể’ trong sự hoà giải giữa Mỹ và Việt Nam?
ĐS Osius: Có rất nhiều điều mà ban đầu được xem là không thể vào năm 1996 khi tôi bắt đầu sự nghiệp ở Việt Nam. Tôi đã không thể hình dung được các chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam. Tôi đã không thể hình dung được một đất nước với một nửa dân số sống dưới mức nghèo đói trở thành một đất nước hiện chỉ có một số ít dân còn sống dưới mức này. Tôi đã không thể hình dung được sự thịnh vượng đó trong vòng 25 năm. Và tôi cũng thực sự không thể hình dung được vào năm 1996 rằng chúng ta sẽ trở thành những đối tác trong nhiều lĩnh vực với sự tin tưởng, dù là không phải 100%. Tôi nghĩ chúng ta đã đi khá xa trong quãng thời gian 25 năm và tôi thấy là còn tiếp tục phát triển. Tôi không nghĩ là có một trần giới hạn nào cho mối quan hệ này.
VOA: Cuốn sách của ông sẽ có phiên bản tiếng Việt ra mắt vào năm sau. Ông có gặp phải sự kiểm duyệt nào từ phía chính quyền Việt Nam đối với phiên bản này không?
ĐS Osius: Theo như tôi được biết thì không. Khi tôi gặp Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc ở New York cách đây vài tuần, ông ấy đã chúc mừng tôi về cuốn sách mới. Các quan chức Việt Nam cũng đã bày tỏ nhiều sự quan tâm tới cuốn sách. Tôi không thấy sự nhạy cảm lớn nào từ phía chính phủ Việt Nam đối với việc tôi nói ra sự thật. Tôi không giương cú đấm nhắm vào ai, không nhắm vào Tổng thống Trump, không nhắm vào nhân quyền. Tôi chỉ nói ra sự thật mà tôi thấy. Và tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào rằng chính phủ Việt Nam sẽ cảm thấy khó chịu về sự thật đó. Tôi chỉ thấy rằng chính phủ Việt Nam sẽ hân hoan về một thực tế là tôi cho thấy trong cuốn sách rằng tôi đã làm tốt nhất công việc của mình trong việc kể lại câu chuyện hoà giải của chúng ta.
VOA: Có điều gì mà ông nghĩ là ông viết trong cuốn sách sẽ làm phật lòng các lãnh đạo Việt Nam không?
ĐS Osius: Có thể có một số phần trong cuốn sách gây rắc rối cho một số người nào đó trong chính phủ. Điều đó hoàn toàn có thể. Nhưng tôi nghĩ họ hiểu được là tôi yêu quý Việt Nam. Tôi nghĩ là các quan chức chính phủ, những người có thể không thích một số phần trong cuốn sách, sẽ hiểu được rằng tôi viết nó từ tình yêu của mình với đất nước. Tôi nghĩ rằng mọi người đều quan tâm đến việc tôi nói ra sự thật một cách đầy đủ nhất có thể với khả năng tốt nhất của tôi và kiến thức của tôi. Và đó là điều tôi đã cố gắng để làm.
VOA: Ông đã từ chức trước khi nhiệm kỳ của mình kết thúc để phản đối việc Tổng thống Trump trục xuất di dân Chiến tranh Việt Nam tới Mỹ trước năm 1995. Những gì ông làm với vị trí là chủ tịch và CEO của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN có giúp ông tiếp tục những gì ông đã làm như một nhà ngoại giao?
ĐS Osius: Tôi nghĩ là tôi có thể. Những gì chúng tôi đang làm tại Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN là chiếc cầu nối giữa Hoa Kỳ và ASEAN. Chúng tôi tập hợp những công ty lớn nhất và giàu có nhất của Mỹ tới các nước ASEAN và chúng tôi giúp cho giới tư nhân Mỹ hiểu về các nước châu Á. Do vậy, bằng một cách nào đó, tôi vẫn có cơ hội để tiếp tục công việc mà tôi đã làm trước đây, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả Indonesia, Singapore, Philippines và Thái Lan cũng như những nơi khác ở ASEAN. Tôi giúp mang Hoa Kỳ đến gần hơn với Đông Nam Á trong công việc mới của mình.
Khi tôi từ chức vào năm 2017, tôi rất khó chịu với các chính sách của Tổng thống Trump. Tôi nghĩ nằng chúng không đại diện cho Hoa Kỳ và chúng kỳ thị. Những gì mà chính quyền Trump làm lúc đó, tôi cho là sai trái, và tôi không thể là một phần trong đó. Giờ đây tôi không có những khác biệt như vậy với chính quyền Biden và tôi ủng hộ những gì chính quyền này đang làm. Tôi vui mừng thúc đẩy từ bên ngoài cho những chính sách mà tôi cho là có lợi cho việc thắt chặt thêm mối quan hệ của Mỹ với các nước ASEAN, đặc biệt với Việt Nam. Tôi vẫn có thể phục vụ như một công chức trong công việc mới, như tôi đã từng làm khi là một quan chức chính phủ Mỹ.
VOA: Chúc mừng đại sứ với cuốn sách mới và công việc mới. Chúc ông thành công trong sự nghiệp mới của mình! Cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn VOA và những gì ông đã làm cho sự hoà giải giữa hai nước.