Đường dẫn truy cập

Phối hợp: Giải pháp cho các vấn đề xã hội (kỳ 1)


Phe ủng hộ dân chủ tập hợp tại Hong Kong với cờ Mỹ, 1 tháng 12, 2019.
Phe ủng hộ dân chủ tập hợp tại Hong Kong với cờ Mỹ, 1 tháng 12, 2019.

Cuộc bầu cử quận tại Hồng Kông vào ngày 24 tháng 11 tuần qua, tuy không thay đổi đáng kể các mục tiêu đấu tranh của phong trào dân chủ tại Hồng Kông, nhưng đã mang lại kết quả vô cùng tích cực và niềm tin hết sức lạc quan cho công cuộc đấu tranh suốt sáu tháng qua.

Hơn 2,9 triệu người trên tổng số 4,1 triệu cử tri ghi danh đã đi bầu, chiếm tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, tức 71,2 phần trăm [1]. Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) mặc dầu đã bị loại ngay từ đầu với lý do bất hợp lệ vì chủ trương cổ võ độc lập cho Hồng Kông, người thay thế Wong đã đắc cử tại quận phía nam này.

Trong tổng số 452 ghế thì gần 400 ghế, thuộc phe dân chủ, chiếm 344 ghế, và phe độc lập, chiếm 41 ghế, với 9 ghế chưa rõ, trong khi chỉ có 58 ghế ủng hộ Bắc Kinh. 17 trên 18 quận bây giờ thuộc về phe ủng hộ phong trào dân chủ [2]. Hơn một nửa số ghế này chuyển sang ủng hộ phía phong trào dân chủ so với cuộc bầu cử cách đây bốn năm.

Đây là lần đầu tiên mà tất cả 452 ghế quận đã được tranh cử [3]. Điều này cho thấy chiến lược và quyết tâm của phong trào vận động dân chủ giành lấy chính nghĩa bằng lá phiếu tín nhiệm của người dân. Nói cách khác, phong trào dân chủ Hồng Kông hiểu rằng biểu tình phản kháng lại sự can thiệp của Bắc Kinh vào nền chính trị tại đây là một cách đấu tranh. Cách đấu tranh hiệu quả khác là vận động người dân sử dụng lá phiếu của mình để chính thức bày tỏ nguyện vọng và để gửi thông điệp trực tiếp đến người Trưởng khu (Tổng chánh) Carrie Lam, cũng như lãnh đạo Bắc Kinh.

Trong khi đó, các cơ quan truyền thông của Trung Quốc lại sử dụng những từ ngữ như thiên lệch/bóp méo (skewed) và thất bại/thoái lui (setback) để diễn tả kết quả bầu cử [4]. Họ đổ lỗi cho phong trào dân chủ phá hoại chiến dịch bầu cử, cáo cuộc phong trào dân chủ thị oai các cử tri để họ không dám bầu phía thân chính quyền/Bắc Kinh. Tuy đưa ra đầy cáo cuộc như thế trên các cơ quan truyền thông tại Trung Quốc, họ không trưng bày bằng chứng nào, và cũng không đưa ra kết quả bầu cử rằng phe ủng hộ dân chủ đã thắng gần 90 phần trăm ghế quận này để người dân Trung Quốc nhận xét thông tin một cách trung thực. Cho nên truyền thông nhà nước Trung Quốc muốn nói sao thì nói bởi họ không chỉ độc quyền đưa thông tin và bình luận mà còn kiểm soát và ngăn cấm mọi tiếng nói khác biệt.

Kết quả bầu cử cuối tuần qua đã gửi thông điệp đến Bắc Kinh, và phe thân Bắc Kinh tại Hồng Kông, rằng đại đa số người dân Hông Kông ủng hộ phong trào dân chủ; rằng họ không muốn Bắc Kinh can thiệp vào chuyện nội bộ Hồng Kông; rằng họ yêu cầu chính quyền Hồng Kông đáp ứng tất cả năm yêu cầu của họ, chứ không chỉ đơn thuần rút lại dự luật dẫn độ là thôi.

Cuộc đấu tranh tại Hồng Kông để bảo vệ các quyền, tự do và nguyên tắc/tiến trình dân chủ trong sáu tháng qua đã gây hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trên toàn thế giới. Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông S.1838 và chuyển lên Tổng thống Trump ngày 21 tháng 11, và được ông ký thông qua ngày 27 tháng 11 [5].

Làm sao phong trào dân chủ tại Hồng Kông đạt được những kết quả đầy ngoạn mục này, qua các cuộc biểu tình liên tục và có lúc huy động được một hai triệu người, và qua con số đi bầu kỷ lục 2,9 triệu người mà đại đa số bầu cho phe ủng hộ dân chủ?

Như đã trình bày trong các bài trước, ba lý do căn bản mà phong trào dân chủ tại Hồng Kông thể hiện một cách đáng ngưỡng mộ và đáng để cho tất cả những ai khát vọng tự do dân chủ học hỏi [6]. Một, người Hông Kông may mắn tiếp thu một nền văn hóa và chính trị dân chủ từ Anh quốc hơn 150 năm qua, trong đó nền pháp quyền (rule of law) và các tiến trình thủ tục dựa trên pháp luật là nền tảng xã hội. Nhờ các nền tảng căn bản nhưng vững chắc này nên Hồng Kông mới có thể trở thành trung tâm tài chánh hàng đầu tại Á châu. Người Hông Kông hiểu rõ giá trị tự do dân chủ và thành quả nó mang lại, cho nên họ phải đấu tranh để bảo vệ nó. Hai, một nền giáo dục cấp tiến đào tạo ra những cá thể biết suy nghĩ độc lập, có tư duy phản biện (suy nghĩ phê phán/critical thinking), có tinh thần sáng tạo và có sự tự tin mạnh mẽ. Ba, họ học hỏi không ngừng, rút tỉa những thành công cũng như thất bại từ các cuộc đấu tranh Dù vàng năm 2014, từ các cuộc cách mạng cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, các bài học đấu tranh bất bạo động của Gene Sharp, các triết lý “hãy như nước” của Bruce Lee, v.v… và áp dụng nó vào thực tế mà không sợ thất bại.

Joshua Wong có tiết lộ rằng phong trào dân chủ tại Hồng Kông tuy không có lãnh đạo nhưng có hàng trăm điều phối viên. Qua cuộc bầu cử quận cuối tuần qua, kết quả cho thấy họ đã chuẩn bị người tranh cử vào tất cả 452 ghế quận này, và đã giành được khoảng 350 ghế trong tổng số ghế này. Họ không những linh động, uyển chuyển, sáng tạo, mà còn luôn trên tinh thần sẵn sàng để chủ động, đặt chính quyền về phía bị động; đồng thời luôn sẵn sàng ứng biến, đối phó khi tình thế hoặc điều kiện thay đổi.

Nhưng bên cạnh, và đàng sau, những khuôn mặt nổi này, là hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, những cá nhân khác. Mà mỗi người là một chiến sĩ. Và cũng là một lãnh đạo nhỏ, trong nhóm riêng của mình. Sự thành công của phong trào Hồng Kông nằm ngay ở tinh thần độc lập và tự quyết của mỗi cá nhân này. Không có lãnh đạo, họ đặt nặng ở chiến thuật cốt lõi: phối hợp. Mỗi cá nhân biết nhìn bức tranh tổng thể, biết tự xem mình có thể làm gì, đóng góp được gì, trong bức tranh đó, để hỗ trợ cũng như phối hợp nhịp nhàng và khôn khéo. Khả năng và tinh thần phối hợp của họ được thể hiện rõ ràng qua các cuộc biểu tình, qua cuộc bầu cử cuối tuần qua, và qua cung cách quốc tế vận của họ với các khuôn mặt nổi đi khắp nơi để mang tiếng nói và chuyển tải thông điệp của mình trên bình diện quốc tế.

Cuộc đấu tranh nào cũng cần lãnh đạo. Đó là điều chắc chắn. Các chế độ độc tài thừa hiểu sách lược này. Họ cũng từ đó mà ra. Cho nên để triệt tiêu các cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ, các thể chế độc tài tìm mọi cách để kiềm chế, quản thúc, triệt hạ uy tín, gây nghi kỵ chia rẽ, và sau cùng nếu cần thì ngụy tạo bằng chứng để kết tội, để xét xử tại tòa án cho có lệ và để bỏ tù qua tiến trình đầy thủ đoạn, bất công và hoàn toàn không minh bạch của họ đối với các lãnh đạo phong trào dân chủ. Chặt được đầu não thì đã giải quyết phần lớn vấn đề.

Phong trào đấu tranh tại Hồng Kông thì khai dụng sách lược khác. Phối hợp hàng ngang để vận động số đông. Để có hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, hay cả hàng triệu ngàn, cái đầu. Làm sao chặt hết!!!

Tài liệu tham khảo:

1. K.K. Rebecca Lai and Jin Wu, “Hong Kong Election Results Mapped”, The New York Times, 24 November 2019.

2. Ngọc Lễ, “Phe dân chủ thắng lớn trong bầu cử, Hong Kong sẽ có gì thay đổi?”, VOA Tiếng Việt, 26 tháng 11 năm 2019.

3. James Griffiths, Eric Cheung and Maisy Mok, “Landslide victory for Hong Kong pro-democracy parties in de facto protest referendum”, CNN, 25 November 2019.

4. Huileng Tan, “Beijing finally responds to Hong Kong election results after big win for democrats”, CNBC, 26 November 2019.

5. Thượng viện thông qua ngày 19 tháng 11 với tỷ số tuyệt đối; Hạ viện thông qua ngày 20 tháng 11 với tỷ lệ gần tuyệt đối 417-1; và Thượng viện chuyển đến Tổng thống Donald Trump để ký vào ngày 21 tháng 11. Ngày 27 tháng 11 ông Trump đã ký thành luật, dù quan điểm của ông ra sao đi nữa, ông Trump không có sự chọn lựa nào khác khi quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua gần như tuyệt đối.

6. Phạm Phú Khải, “Viễn ảnh cuộc đấu tranh tại Hồng Kông?, VOA Tiếng Việt; Kỳ 1 ngày 9 tháng 11; Kỳ 2 ngày 13 tháng 11. “Hong Kong: Biểu tượng vì tự do” ngày 9 tháng 10; “Tại sao cần nền giáo dục cấp tiến?” ngày 25 tháng 9; “Hong Kong: tự do hay là chết?” ngày 6 tháng 9 năm 2019.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG