Đường dẫn truy cập

Khi nào người Việt ngừng hại chính người Việt?


Những ngày này, mẹ tôi thường dặn tôi khi đi công tác ở nước ngoài về nếu tiện thì mua cho gia đình thuốc vitamin bổ sung hay các loại thuốc thực phẩm chức năng. Ở nhà, mẹ cũng năng đi tìm hiểu và mua các loại vitamin tốt để uống bồi bổ sức khỏe. Mẹ cứ hay tâm sự “bây giờ ăn uống cơm canh là phụ, ăn vừa đủ, bổ sung vitamin là chính, vì thức ăn thấy ở đâu cũng không đảm bảo, ăn gợn người lắm con ạ.” Mẹ tôi là bác sĩ, tánh hay lo, cứ luẩn quẩn chuyện thuốc thang ăn uống như thế từ mấy năm nay. Ấy thế mà mọi người trong nhà vẫn khỏe re, hiếm khi ốm đau nghiêm trọng.

Lo thế cũng phải, hàng ngày cứ lên các trang báo đọc tin là thấy nhan nhản những phóng sự về 1001 kiểu chế biến thực phẩm mất vệ sinh kinh hoàng tại khắp nơi trên đất nước hình chữ S. 1 cọng rau ngoài chợ cũng là sản phẩm của thuốc tăng trưởng, chỉ trong một đêm mọc lên cao gấp 3 lần nhờ phun thuốc. Theo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, tỉ lệ mẫu giám sát vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tại nước ta còn khá cao, 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, 16% mẫu thịt được phát hiện có Salmonella, là một loại vi khuẩn gây ngộ độc, 7.6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng. Số lượng rau thịt ngậm đầy hóa chất này sẽ được đem đi chế biến ở nhiều phân xưởng, nhà hàng, và tiếp tục được tẩm thêm đủ loại hóa chất không rõ nguồn gốc để bảo quản thực phẩm trong thời gian lâu hơn và khiến thức ăn ngon hơn.

Trong 10 năm trở lại, vấn đề về an toàn thực phẩm ngày càng trở nên nghiêm trọng, và việc “ra ngõ gặp đồ bẩn” đã trở thành một việc hết sức bình thường đối với đa số người Việt. Những bài báo phát hiện các xưởng chế biến đồ ăn bẩn như tôm khô, chà bông, bánh trung thu, mỡ lợn… nay luôn được đính kèm với các tin liên quan như “Các mẹo để phân biệt thịt mới và thịt ôi thiu được tẩm hóa chất”, “Làm thế nào để không mua phải trái cây ngâm thuốc”… Chính quyền rõ ràng đã bất lực trong việc kiểm soát tình trạng thức ăn bẩn độc hại đang tràn lan đến từng hàng quán trên các góc phố. Điều này khiến cho người dân đành phải tự tìm cho mình giải pháp để cứu lấy mình như phổ cập kiến thức phân loại thức ăn hay tự mình trồng cây trái, rau quả, hay như mẹ tôi, nhờ bà gửi cây nhà lá vườn từ dưới quê lên và chăm chỉ bổ sung các loại thuốc thải độc và vitamin.

Tôi cứ ngẫm, nếu chỉ là lợi nhuận của một vài đồng bạc cắc, rồi reo rắc độc hại cho đồng bào, thế thì người Việt ta “bạc” quá. Vừa bạc bẽo lại vừa thiển cận. Lại có người bảo những gia đình trồng rau tẩm thuốc hay chế biến thịt luôn có thứ rau, thứ thịt sạch để riêng cho gia đình. Vậy một nhà bán đi một miếng thịt ôi thiu đầy chất bảo quản thì liệu có đi mua lại của nhà khác một túi cam ngâm tẩm hóa chất? Bất nhân với người khác thì làm sao có thể mong người khác mang lại điều tốt đẹp cho mình? Tôi nhớ lại ngày còn đi du học, ngoài giờ học thì đi làm thêm ở quán đồ ăn nhỏ trong trường, ông chủ quán phải mất cả tháng đầu để “trainning” đào tạo nhân viên mới với những kỹ năng chế biến món ăn, quản lý số lượng và chất lượng thực phẩm. Có những điều tôi nhớ mãi, đó là dù nấu ăn ở trong bếp, khách hàng không thể thấy, nhưng tôi luôn cần phải giữ sạch sẽ. Tạp dề được coi như đồng phục quán, phải mặc luôn luôn, tay đeo găng, tóc tai cột thật gọn. Làm ra một cốc nước hoa quả hay một chiếc burger cũng cần phải sạch sẽ gọn gàng như một quy tắc. Tôi gọi đó là quy tắc “Sạch”. Đó không chỉ đơn giản là việc ăn sạch, uống sạch thông thường mà còn là sạch trong tâm, vừa sự gìn giữ uy tín của thương hiệu (dù nhỏ) và thái độ tôn trọng đối với sức khỏe, cảm giác của khách hàng.

Giá mà chúng ta, cũng nghĩ về nhau với một cái tâm sạch hơn, thì tỉ lệ ung thư tại Việt Nam trong những năm gần đây sẽ không tăng cao ngất ngưởng, thì trẻ sơ sinh sẽ không phải uống sữa chất lượng không đảm bảo, bánh mỳ chà bông mỗi buổi sáng sẽ giúp các em học sinh có một sức khỏe tốt hơn. Được như vậy thì tôi dám chắc sẽ không có câu nói quen thuộc “người Việt hại người Việt”, khiến chúng ta sợ hãi nhau và mất niềm tin ở nhau đến thế.

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Hoàng Giang

    Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG