Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm 20 năm Ủy ban Giám sát việc bắt giữ vô căn cứ của LHQ


Cao ủy trưởng nhân quyền LHQ, bà Navi Pillay
Cao ủy trưởng nhân quyền LHQ, bà Navi Pillay

Ngày 14-11-2011 tại Paris, cuộc họp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ủy ban Giám sát việc bắt giữ vô căn cứ của LHQ (United Nations Working Group on Arbitrary Detention – UNWGAD) đã được tiến hành trọng thể và thiết thực.

Theo Nghị quyết số 15/18 ngày 30-9-2010 của Hội đồng Nhân quyền của LHQ, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đã tổ chức ngày kỷ niệm này tại Viện Thế giới Ả-rập ở Paris, Pháp.

WGAD là cơ quan trực tiếp của Hội đồng Nhân quyền hiện có 47 nước thành viên, gồm 13 nước châu Á, 13 nước châu Phi, 8 nước Mỹ La tinh – Caribê, 6 nước Đông Âu, 7 nước châu Âu và Hoa Kỳ.

Hiện nay Cao ủy Nhân quyền của LHQ là bà Giáo sư Tiến sỹ luật Navanethem Pillay, người Nam Phi, tốt nghiệp Đại học Harvard Hoa Kỳ, từng là thẩm phán Tòa án Hinh sự Quốc tế La Haye – Hà Lan. Bà Pillay, nổi tiếng từ hồi bênh vực người da màu dưới chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, được Đại hội đồng LHQ thông qua trong chức vụ Cao ủy Nhân quyền từ tháng 7 -2008.

Dự kỷ niệm và phát biểu ý kiến, có 2 nhân vật từng bị giam vô căn cứ và được tự do nhờ được UNWGAD can thiệp là thẩm phán Haithem Al-Maleh, người Syria, và nữ luật gia Birtukan Mideksa, người Ethiopia, từng bị tuyên án tù chung thân. Bà Aung San Suu Kyi, người Miến Điện, cũng đã gửi bài phát biểu qua video đến cuộc họp. Một sự trùng hợp lý thú là ngày 14-11 này cũng là kỷ niệm đúng 1 năm bà được trả tự do hoàn toàn.

Nhân dịp này ông El Hadji Malik Sow, trưởng nhóm chuyên gia của UNWGAD, cho biết trong 20 năm qua, Ủy ban đã xem xét và có ý kiến về 600 trường hợp giam giữ trái phép trên toàn thế giới. Riêng trong năm 2010 Ủy ban đã xem xét và có ý kiến về 33 trường hợp liên quan đến 98 cá nhân tại 23 nước.

Ủy ban cũng đã quyết định về những thủ tục làm việc chặt chẽ, hợp luật pháp - gọi là Complaint Procedure. Những thủ tục này bao gồm việc thu nhận những khiếu kiện của công dân các nước, thu thập điều tra, lập hồ sơ, đặt vấn đề với chính quyền các nước để tìm hiểu cặn kẽ, nghe ý kiến của nhiều phía để đối chiếu phân tích, đánh giá các hồi âm của chính quyền các nước, từ đó có ý kiến về từng trường hợp và gửỉ kết luận cùng kiến nghị đến nước sở tại cũng như công bố cho công luận rõ. Các chính quyền không chấp nhận những kết luận vô tư rõ ràng, hợp luật của Ủy Ban sẽ bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế mà họ đã cam kết tôn trọng.

Việc xác định thủ tục khiếu kiện, xem xét và kết luận như trên là một bước tiến quan trọng.

Hiện nay Ủy ban còn xuất bản hàng năm tập kỷ yếu The Universal Periodic Review, đánh giá cụ thể tình hình tôn trọng nhân quyền, việc giam giữ vô căn cứ và việc giải quyết trong từng nước của 196 nước trong LHQ hiện tại.

UNWGAD thông báo đã hoàn thành việc lưu trữ toàn bộ các vụ khiếu kiện với hồ sơ cụ thể để phục vụ cho công luận toàn thế giới, bằng 3 thứ tiếng: Anh, Pháp và Tây Ban Nha.

Mọi công dân của thế giới có thể tìm hiểu các tin tức và hồ sơ liên quan bằng cách liên lạc bằng điện thư với 2 địa chỉ :WGAD@OHCHR.ORG hoặc WWW.UNWGADDATABASE.ORG

Ngày 1-11 vừa qua UNWGAD đã gửỉ công văn cho chính phủ Việt Nam nói rõ ý kiến về việc bắt giam trái phép Ls Cù Huy Hà Vũ, yêu cầu trả tự do ngay cho ông vào dịp 5-11-2011, đánh dấu đúng 1 năm ông bị giam giữ vô căn cứ. Đây là chính kiến và yêu cầu chính thức của Liên Hiệp Quốc.

Gần đây chính quyền Hoa Kỳ đã nhiều lần nhận xét là chính quyền Việt Nam tỏ ra thụt lùi về tôn trọng nhân quyền đối với công dân nước mình, và chỉ rõ việc cải thiện và nâng cao quan hệ chiến lược về kinh tế, quốc phòng và an ninh Mỹ - Việt sẽ gắn liền với việc tôn trọng nhân quyền, thành một cấu trúc có liên quan chặt chẽ.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG