Hội nghị được tổ chức để tăng cường hậu thuẫn quốc tế dành cho Công ước năm 1951 về Người tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, trên thực tế đã cứu mạng sống cho hàng triệu người lánh nạn chiến tranh và ngược đãi, và Công ước năm 1961 về việc giảm thiểu tình trạng vô quốc gia.
Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói hội nghị hết sức cần thiết vì sự gia tăng khủng khiếp về con số người tỵ nạn trong năm nay. Kể từ đầu năm, ông nói đã có 750.000 người vượt qua các đường biên giới quốc tế để đi tìm sự bảo vệ. Phần lớn cuộc di tản này là do những vụ nổi dậy ở Trung Đông và Bắc Phi.
Vì số người tỵ nạn gia tăng thêm, ông Gutteres nói có hơn 7 triệu người đang sống trong các tình trạng tỵ nạn kéo dài. Ông cho biết họ tiếp tục sống lưu vong với rất ít niềm hy vọng có được một cuộc sống bình thường vì có rất ít giải pháp lâu dài dành cho họ.
Ông Gutteres nói: “Đồng thời, chúng ta đang phải đối phó với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế và tài chính ở nhiều nơi trên thế giới, và chúng ta đang chứng kiến trong rất nhiều cuộc thăm dò công luận những dấu hiệu của sự lo lắng, của sự bất an – đôi khi của sự sợ hãi có liên quan đến tương lai, và điều đó cũng nẩy sinh ra những cảm giác bài ngoại đây đó đe dọa đến việc bảo vệ người tỵ nạn và những người không có quốc gia.”
Cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc báo cáo có 43 triệu 700 ngàn người tỵ nạn, những người xin tỵ nạn, và những người bị thất tán ngay trong nước vì những vụ xung đột trên khắp thế giới. Ngoài ra, còn có 12 triệu người khác không có quốc gia gần như bị bỏ quên và không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế và giáo dục.
Cao ủy Gutteres nói ông cảm thấy phấn khởi trước kết quả của hội nghị. Thực vậy, ông nói ông chưa bao giờ trông đợi cuộc họp này lại tiến xa như thế.
Ông nói ông lấy làm ngạc nhiên trước những kết quả đã đạt được:
“Không những đã có một sự đồng thuận lớn về việc tái khẳng định và củng cố sự bảo vệ người tỵ nạn và những người không có quốc gia. Mà còn có những cam kết cụ thể được các quốc gia và các tổ chức quốc tế khác đưa ra có liên quan đến việc cải thiện chế độ bảo vệ cả người tỵ nạn lẫn những người vô quốc gia.
Ông Gutteres viện dẫn nhiều thí dụ. Ông nêu ra điểm 20 quốc gia đã loan báo các kế hoạch cải thiện luật lệ để bảo vệ người tỵ nạn, 19 quốc gia đã trình bày các đề nghị để hòa nhập người tỵ nạn vào xã hội, và 18 quốc gia đã hứa sẽ cải thiện sự tiếp cận với việc tái định cư.
Ngoài ra, ông cho biết 7 nước mới đã phê chuẩn Công ước năm 1961 về tình trạng vô quốc gia, và 20 nước khác đã nói họ sẽ làm theo như thế trong tương lai gần. Ông cho biết các cam kết này sẽ củng cố đáng kể cho công ước, mà cho đến lúc này mới chỉ được 37 quốc gia phê chuẩn.
Cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc báo cáo có 60 quốc gia tham dự một hội nghị cấp bộ trưởng trong 2 ngày đã cam kết cải thiện việc bảo vệ và trợ giúp cho hàng triệu người bị buộc phải dời cư và những người không có quốc gia. Các đại diện của khoảng 150 quốc gia hiện diện tại hội nghị ở Geneve, khiến đây là hội nghị lớn nhất từng được tổ chức về người tỵ nạn và những người vô quốc gia trong lịch sử 60 năm của UNHCR.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1