Đường dẫn truy cập

Người lính Mỹ Phi Châu và Latino trong chiến tranh Việt Nam


Tổng thống Biden và đệ nhất phu nhân trong buổi viếng đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ngày 29 tháng Ba, 2021.
Tổng thống Biden và đệ nhất phu nhân trong buổi viếng đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ngày 29 tháng Ba, 2021.

Đinh Yên Thảo


Nhắc đến cuộc chiến Việt Nam, hầu như mọi người sẽ nhớ đến con số 58 ngàn quân nhân Hoa Kỳ đã tử nạn trong cuộc chiến. Vậy còn bao nhiêu người lính GI da đen và gốc Mỹ La Tinh đã nằm xuống trong số này? Những ngày tháng Tư này, ắt cũng là dịp để nhìn nhận sự đóng góp của riêng nhóm này trong cuộc chiến.
Nếu các số liệu của Bộ Quốc Phòng xác định rõ ràng số lượng những quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến hay tử nạn tại Việt Nam theo chủng tộc da trắng hay da đen thì không có số liệu riêng biệt về người lính gốc Latino bởi những người Mỹ gốc Mỹ La Tinh này được liệt chung vào nhóm quân nhân da trắng. Trong khi các quân nhân da trắng chiếm áp đảo trong Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ thời gian này thì hầu hết nhóm quân nhân da đen và Latino lại thuộc về Thuỷ Quân Lục Chiến và Bộ Binh, những người lính đối đầu trực diện với súng đạn và cái chết.

Theo số liệu từ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thì có khoảng 12.5% người lính da đen trong số đã tử nạn tại Việt Nam, tức khoảng hơn 7,200 người. Với người lính gốc Latino, dù không có số liệu chính thức nhưng trong vài cuộc khảo cứu theo họ tên có nguồn gốc Latino thì các nhà nghiên cứu đã ước lượng một cách an toàn là ở khoảng 5.5% trong số binh sĩ thiệt mạng, tức khoảng 3,200 người. Như vậy tổng cộng chung cho người lính da đen và gốc Latino là hơn 10,000 người trong số 58 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ bị tử nạn. Trên thực tế, nếu thăm viếng và xem danh sách các quân nhân Hoa Kỳ tử nạn trên bức tường đá đen, tức đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam thì cũng dễ nhận ra có nhiều tên họ có nguồn gốc Latino.

Vào thập niên 60s, những phong tranh đấu mạnh mẽ cho nhân quyền và bình đẳng sắc tộc tại Hoa Kỳ diễn ra với những chia rẽ thì trên chiến trường Việt Nam, trong tình huynh đệ chi binh, những người lính xem nhau như anh em, không phân biệt màu da. Các phóng sự cùng những hồi ký kể lại đã cho thấy, giấc mơ không rào cản sắc tộc của mục sư Martin Luther King thì khó nơi nào đúng hơn tại tuyến đầu giao tranh, nơi những người lính sát cánh và đối diện giữa sự sống và cái chết. Theo các phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, phương châm "không bỏ đồng đội" (Leave no one behind) đã là một trong những lý do gây ra nhiều tử vong trong các trận đánh khốc liệt này, khi những người lính cố băng qua lửa đạn để cứu đồng đội đang bị thương.

Với cộng đồng Latino, theo International World History Project ước lượng thì có khoảng 180,000 quân nhân Latino đã tham chiến tại Việt Nam. Những thủy quân lục chiến gốc Latino cũng tham dự và ngã xuống tại các chiến trường lớn như Khe Sanh, Huế, Quảng Trị... rồi nhận được các huân chương cao quý nhất của quân đội như Medal of Honor cùng các anh dũng bội tinh khác.

Kể dăm trường hợp đặc biệt thì khó có người lính nào, Mỹ hay Việt lại có được chiến tích như Jorge Otero Barreto, một quân nhân gốc Puerto Rico và là người được mệnh danh "Puerto Rican Rambo". Ông tình nguyện sang Việt Nam năm lần, từ năm 1961 đến 1970, huấn luyện cho binh sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tham dự hơn 200 trận đánh. Ông bị thương năm lần và nhận được tổng cộng 38 huân chương, có cả huân chương từ chính phủ VNCH, trở thành một quân nhân đã nhận số huân chương chiến đấu cao nhất trong chiến tranh Việt Nam hay cao nhất trong lịch sử quân lực Hoa Kỳ, theo như một số cơ quan truyền thông.

Nếu kể thêm đôi nhân vật khác thì có thể nhắc đến người tù binh đầu tiên tại Bắc Việt với tám năm rưỡi tù là Trung Tá (hồi hưu) phi công Hải Quân Everett Alvarez Jr., một người gốc Mexico. Sau khi được trao trả tù binh vào năm 1973, ông đã tiếp tục phục vụ quân ngũ rồi trở thành một luật sư, chính khách và một nhà sáng lập doanh nghiệp rất thành công. Cả hai đều ở tuổi 83 và đang còn sống hiện nay.

Những người lính Latino đã đến Việt Nam từ đầu cuộc chiến, nằm xuống mảnh đất này và rồi rời Việt Nam trên chuyến bay cuối cùng, như Juan J. Valdez, một trong những thủy quân lục chiến cuối cùng rời Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn rạng sáng 30 tháng 4 năm 1975. Liệu đó không phải điều đáng để nhắc đến hay ghi công?

Bất kể màu da hay sắc tộc nào, những người lính Mỹ đã dự phần vào hầu hết các cuộc chiến hay chiến tranh Việt Nam nói riêng để bảo vệ quốc gia, bảo vệ nền tự do thế giới. Họ cũng đã đến Việt Nam, sát cánh cùng những người lính VNCH rồi nằm trên mảnh đất hình chữ S xa xôi.

Tháng Tư, nhắc về những câu chuyện lịch sử trong chiến tranh Việt Nam, tưởng cũng cần biết thêm về sự đóng góp và hy sinh của người lính da đen và gốc Latino trong việc tưởng niệm những người đã nằm xuống cho tự do.

XS
SM
MD
LG