Gần đây, “cư dân mạng” Việt chia sẻ rất nhiều về thông tin của tân hoa hậu Thái Lan trong một cuộc thi sắc đẹp: Mint Kanistha đeo vương miện quỳ gối trước người mẹ nhặt rác của mình. Câu chuyện này cũng làm gợi nhớ đến Klanarong Srisakul, một sinh viên trường Đại học Chulalongkorn Thái Lan, mặc lễ phục trong ngày lễ tốt nghiệp, quỳ rạp xuống lạy người cha bên chiếc xe tải chở rác để tỏ lòng biết ơn với đấng sinh thành. Hành động này đã trở thành một hiện tượng được đăng tải trên nhiều trang báo quốc tế. Ở Thái Lan, những cử chỉ trân trọng dành cho người đối diện như lời cảm ơn hay cái chắp tay trước ngực đã trở thành một biểu tượng quốc gia thật đẹp. Trong những video truyền thông của người Thái, những câu chuyện về lòng biết ơn, sự quan tâm đối với người xung quanh mình luôn được lấy làm chủ đề giáo dục chính, lấy được sự đồng cảm và nước mắt của người xem.
Ở những đất nước tôi đã từng được đặt chân tới, lời cảm ơn có ý nghĩa ngang bằng với câu chào hỏi. Nếu đầu câu chuyện là một câu chào thì kết thúc luôn là lời cảm ơn. Tại Hàn Quốc, việc những người nhỏ tuổi cúi gập người chào người lớn, học sinh chào giáo viên, hay nhân viên chào sếp, là một quy tắc bất thành văn của đất nước xứ Kim Chi. Trong hệ thống ngôn ngữ của Hàn, các động từ cũng được chuyển thể sang một dạng nói riêng biệt (giống như chia động từ ở tiếng Anh) khi nói chuyện với người lớn tuổi để thể hiện sự tôn trọng. Trẻ em mẫu giáo, bé tí xíu đã được dạy cách chào hỏi, cách quỳ cúi đầu thể hiện sự lễ phép một cách rất bài bản, chỉn chu mỗi ngày đến lớp. Thú vị ở chỗ, các bề trên cũng có thái độ trân trọng ngược lại. Thầy cô giáo cúi người cám ơn cả lớp khi kết thúc giờ học, ông bà cha mẹ cúi đầu đáp lại lời chào hỏi của con trẻ. Người ngoại quốc đặt chân đến Hàn cũng ngay lập tức “nhiễm” luôn văn hóa này vì… thấy họ cúi chào và cám ơn nhau nhiều quá.
Ở Việt Nam, rất hiếm khi tôi nghe được lời cảm ơn. Từ trên chuyến bay Japan Airlines của đất nước Nhật Bản chuyển sang Vietnam Airlines, tôi đã thấy vơi hẳn những lời cảm ơn dịu dàng dành cho khách hàng. Chợt nhớ một tình huống “dở khóc dở cười” bản thân tôi từng gặp phải mỗi khi về Việt Nam. Khi bước vào cửa một khu mua sắm lớn, theo phản xạ tôi luôn giữ cửa cho người đi sau mình. Và dường như, cũng là do phản xạ, cô gái xinh đẹp đằng sau tôi cũng cứ thế mà bước vào, và 4,5 người tiếp sau cũng hồn nhiên đi vào, ngỡ rằng tôi đang mở cửa mời họ vào trung tâm, tất cả lướt qua tôi, thờ ơ lãnh đạm không có lấy 1 câu cảm ơn. Hành động giữ cửa đó tôi học được ở nước Mỹ, cũng như các hành xử khác như những câu cảm ơn, xin lỗi và bắt tay, ôm hôn chào nồng nhiệt người đối diện. Thậm chí mỉm cười với người lạ gặp bất chợt trên đường cũng trở thành một thói quen.
Văn hóa nói chung, là một khái niệm vô cùng rộng rãi nhưng là tiền đề cơ bản để hình thành nên một con người, một đất nước văn minh. Và hiển nhiên văn hóa thể hiện ở những hành động được dạy dỗ, rèn luyện có hệ thống từ tấm bé. Giăng khắp trường lớp học từ bậc tiểu học lên tới trung học là những biểu ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” hay “5 điều bác Hồ dạy”… những câu thơ, dòng chữ dài lướt thướt khó hiểu kia các em có thể đọc thuộc vanh vách mỗi ngày, nhưng đọc xong rồi thấy chả có gì ăn nhập với thực tế. Bởi những gì các em thực sự học được là sự phản ánh từ những cử chỉ, dù nhỏ nhất, từ người lớn xung quanh. Bỏ qua những bài học to tát về cách làm người, tôi nghĩ trước hết hãy nuôi nấng thế hệ tiếp theo bằng cách nuôi nấng trẻ lớn lên từ lời cảm ơn, bắt đầu từ việc chính bản thân mỗi chúng ta đứng trước mặt trẻ, dịu dàng nói lời “Cám ơn con” mỗi khi các con làm một hành động nhỏ xíu như dọn đồ chơi hay ngồi ăn cơm ngoan ngoãn. Bởi nếu chính bản thân người lớn chẳng trân trọng con trẻ, những người thầy, người cô cũng không có một thái độ đúng đắn với học sinh trên lớp học, như trói tay chân các em, dùng thước kẻ khứa vào tay trò, đánh học sinh hay chửi bới xưng mày tao… thì làm sao có thể yêu cầu con trẻ biết ơn mình?
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.