Đường dẫn truy cập

Khủng hoảng Venezuela: Giải pháp nào?


Người biểu tình chống tổng thống Maduro mang biểu ngữ có dòng chữ "Chấm dứt độc tài", Caracas, 30 tháng Giêng.
Người biểu tình chống tổng thống Maduro mang biểu ngữ có dòng chữ "Chấm dứt độc tài", Caracas, 30 tháng Giêng.

Năm thập niên về trước, Venezuela từng là một quốc gia giàu mạnh và dân chủ vững chắc nhất trong vùng, trong đó có tự do truyền thông, hệ thống chính trị rộng mở và các đảng chính trị cạnh tranh thay nhau nắm quyền trong hòa bình. Hạ tầng cơ sở của Venezuela thời đó thuộc hạng nhất Nam Mỹ. Mặc dầu nó vẫn còn nhiều vấn đề như tham nhũng, bất công và sai trái, Venezuela đã hơn xa bất cứ một quốc gia đang phát triển khác. Nhưng vài thập niên sau, Venezuela trở thành một nước nghèo đói, một nhà nước hoàn toàn thất bại và tội phạm hóa mà lãnh đạo là những kẻ chuyên quyền và phụ thuộc nặng nề vào các thế lực ngoại bang, nhất là Cuba, Nga, Trung Quốc, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì sao ra nông nỗi này?

Một cách tóm tắt, chủ nghĩa xã hội, dân túy, giá dầu, cũng như các chính sách điều hành quốc gia độc đoán và sai lầm bởi lãnh đạo bất tài, là những yếu tố đã đưa Venezuela đến khủng hoảng lâu nay.

Vào thập niên 1970, Venezuela là một trong hai mươi quốc gia giàu nhất thế giới, tổng sản lượng quốc gia (GDP) cao hơn cả Tây Ban Nha, Hy Lạp, Do Thái, và chỉ thua Anh 13 phần trăm. Nhưng vào đầu thập niên 1980, giá dầu sụt giảm và cả thị trường dầu hỏa suy yếu đã chấm dứt thời kỳ vàng son của nước này. Một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào dầu hỏa này khi suy yếu đã tác động sâu xa lên bao nhiêu lĩnh vực khác, từ giáo dục, y tế, tiền tệ, lạm phát, ngân hàng, thất nghiệp v.v… Sau một thập niên trì trệ kinh tế, người dân Venezuela trước đó quen sống sung sướng trở thành bất mãn và vỡ mộng. Thời thế đã tạo anh hùng … giả. Hugo Chávez thực hiện cuộc đảo chánh nhưng không thành ngày 4 tháng Hai năm 1992, vì thế bị giam tù rồi trở thành anh hùng dân gian không tưởng tại Venezuela. Sau khi được trả tự do, Chávez đã tranh cử và đắc cử tổng thống năm 1998, chấm dứt hệ thống dân chủ lưỡng đảng kéo dài 40 năm tại Venezuela. Những gì diễn ra sau đó là lịch sử. Và Nicolás Maduro là người được Hugo Chávez chọn làm thừa kế.

Kể từ khi Maduro lên cầm quyền, mọi thứ đều trở nên tồi tệ hơn nữa. Tổng sản lượng quốc gia của Venezuela năm 2013 là 234,4 tỷ đô la Mỹ, năm 2018 chỉ còn 96,3 tỷ, giảm hơn một nửa. Chưa có quốc gia nào có tỷ lệ lạm phát ở kỷ lục cao như Venezuela, 1,37 triệu phần trăm. Nghĩa là nếu một người có được trong tay 10 ngàn đô la dành dụm vào đầu năm thì đến cuối năm chỉ còn trị giá 73 xu (Tạp chí The Economist cho rằng tỷ lệ lạm phát lên đến 1,7 triệu phần trăm, cho nên 10 ngàn thì chỉ còn 59 xu). Sự thiếu hụt triền miên về thức ăn, thuốc men và điện nước đã làm cho khoảng ba triệu người Venezuela bỏ nước ra đi kể từ năm 2014, trong đó gần nửa triệu đã đến hai quốc gia Mexico và Hoa Kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 34,3 phần trăm. 8 trên 10 người Venezuela được khảo cứu cho biết họ không có đủ thức ăn tại nhà. Tỷ lệ giết người tại Venezuela là thuộc cao nhất thế giới, 58 trên 100 ngàn người. Các dịch vụ công căn bản như giáo dục, y tế và an ninh cũng không còn được bảo đảm nữa. Vào năm 1961, Venezuela được xem là quốc gia đã loại trừ được bệnh sốt rét, thì giờ đây nó đã trở lại, ảnh hưởng hơn 400 ngàn người vào năm 2017. Bệnh sởi cũng trở lại nước này.

Tóm lại, chính quyền Nicolás Maduro tại Venezuela đã thất bại hoàn toàn trong việc điều hành quản trị kinh tế và mọi mặt đời sống, đẩy người dân vào đường cùng của đói nghèo, thất học, bệnh tật và tội phạm. Nhưng Maduro chỉ là người thừa kế. Người đã đưa Venezuela vào con đường tội lỗi này chính là Hugo Chávez. Một chế độ và lãnh đạo bất tài, thối nát và thất bại toàn diện như thế không có bất cứ một lý do chính đáng nào để tồn tại, bởi nó thách đố mọi lôgích, lý lẽ và tình cảm của con người.

Giải pháp quân sự?

Sẽ không có một giải pháp chính trị nào hoàn hảo cho tình hình chính trị phức tạp và lắm chia rẽ như tại Venezuela. Những hệ lụy mà chính quyền Nicolás Maduro, hay người tiền nhiệm Hugo Chávez, để lại hơn hai thập niên qua là chồng chất.

Các cuộc biểu tình rầm rộ lên đến vài trăm ngàn người tại Venezuela, có khi cả triệu người trên toàn quốc, trong những năm qua cũng như cuối tháng Giêng vừa qua thể hiện sự bất mãn tột cùng của người dân với chế độ cầm quyền. Nhưng biểu tình thôi dường như chưa thay đổi được điều gì sâu sắc. Vì thế mà nhiều người cho rằng chỉ có lật đổ chế độ này bằng bạo lực thì mới giải quyết được vấn đề. Nhưng quân đội bấy lâu nay vẫn đứng về phía cầm quyền. Vì thế khi nghe tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gợi ý về giải pháp quân sự cho Venezuela, hiển nhiên nhiều người vui mừng và hoan nghênh ý tưởng này.

Nhưng can thiệp bằng quân sự, do Hoa Kỳ lãnh đạo, có phải là một giải pháp tốt cho Venezuela? Có thể sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ chỉ cần một ngày là hạ sập được chế độ Maduro, nhưng không có gì bảo đảm là Hoa Kỳ có khả năng duy trì và ổn định an ninh nơi này trong thời gian ngắn rồi mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Cuộc chiến Iraq và sau đó Afghanistan cũng như các bài học về chiến tranh trước đây đã làm cho Hoa Kỳ ngày nay rất ngần ngại trong việc tham chiến bất cứ nơi nào. Sau George W Bush, Barack Obama chủ trương hạn chế sự can thiệp về quân sự của Hoa Kỳ, đặc biệt tại những nơi không có tính cách chiến lược hay ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Donald Trump cũng chủ trương giới hạn các hoạt động quân sự, đề cao chủ trương giao dịch (transactional approach). Tuy Trump tuyên bố “chúng ta có nhiều giải pháp cho Venezuela kể cả một giải pháp quân sự khả dĩ, nếu cần thiết”, tức ngược lại với chủ trương bình thường của mình, phần lớn các thành viên trụ cột của chính quyền Hoa Kỳ không tán thành giải pháp này (tuy John Bolton có ám chỉ can thiệp bằng quân sự). Lý do dễ hiểu, bởi vì ngoài khả năng có thể bị sa lầy thêm lần nữa, giải pháp quân sự sẽ tốn kém về tài chánh lẫn nhân mạng, uy tín và chính nghĩa của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị tổn hại, và qua đó ảnh hưởng sâu đậm lên các chiến lược ưu tiên hiện nay của Hoa Kỳ, trong đó có mục tiêu đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từng nói “Khủng hoảng tại Venezuela không phải là một vấn đề quân sự”.

Thêm vào đó, mọi giải pháp quân sự chỉ là nhất thời, bởi nó không phải là giải pháp cho một bài toán phức tạp tại Venezuela, và chắc chắn không phải là giải pháp mang lại dân chủ. Các nước láng giềng Venezuela đều chống lại giải pháp quân sự. Đó là một tiền lệ mà họ đều e ngại bởi rằng nếu Hoa Kỳ làm được với Venezuela thì cũng có thể đối với họ. Ngoài ra, xây dựng lại quốc gia này với một nền kinh tế kiệt quệ, một quân đội ảnh hưởng quá sâu rộng lên mọi lĩnh vực công, và sự bắt đầu khôi phục lại các dịch vụ căn bản như y tế, giáo dục và thực thi pháp luật, là một thử thách cực kỳ lớn. Giải pháp cho bài toán của Venezuela phải tính thật kỹ đến toàn bộ đến các yếu tố này, nếu không thì giá phải trả sẽ rất đắt đỏ.

Chiến lược nào cho Venezuela?

Giải pháp tối hảo cho Venezuela là ông Nicolás Maduro chính thức từ nhiệm và rời khỏi nước càng sớm càng tốt (ông cùng gia đình và một số thuộc hạ thân tín nhất); quân đội Venezuela đứng ngoài và không can thiệp vấn đề chính trị quốc gia; và ông Juan Guaido tổ chức lại cuộc tổng tuyển cử toàn quốc càng sớm càng tốt với sự giám sát của quốc tế.

Tất cả tùy thuộc khả năng ứng biến chính trị của phe đối lập, đứng đầu là Juan Guaido.

Trước đây, phe đối lập tại Venezuela đã gần như bị chính quyền Maduro dồn vào thế chân tường và bị tê liệt hoàn toàn. Một trong các chiến lược sai lầm lớn của phe đối lập là tẩy chay cuộc bầu cử năm ngoái 20 tháng Năm năm 2018. Các đảng chính trị đối lập chính của Venezuela kêu gọi đảng viên, ủng hộ viên và người dân tẩy chay cuộc bầu cử này. Hơn một nửa cử tri, và gần hai phần ba những người chống lại chính quyền, ở nhà thay vì đi bầu. Cuộc khảo sát sau bầu cử cho biết họ chiếm đến 78 phần trăm tổng số cử tri, và có xác suất số người bầu cho Henri Falcón, ứng cử viên tổng thống vào lúc đó, ba lần nhiều hơn bầu cho Nicolás Maduro. Những người ủng hộ tẩy chay lập luận rằng tham gia bầu cử chẳng khác gì hợp pháp hóa cuộc bầu cử bất chính và gian lận của chế độ cầm quyền. Cuối cùng thì Nicolás Maduro đã chính thức thắng, còn phe đối lập đổ lỗi cho nhau, kể cả lên án Falcón tham gia ứng cử làm chính đáng hóa cuộc bầu cử, nhưng điều đó không đúng. Theo nghiên cứu vào năm 2010 của Matthew Frankel thuộc Brooklings Institution, trong 171 trường hợp tẩy chay bầu cử thì chỉ có 4 phần trăm đưa đến kết quả tích cực. Tẩy chay không gia tăng xác suất thay đổi chế độ, nhưng nó gây cho các phong trào tẩy chay mất ảnh hưởng trong những không gian quyền lực chính yếu của mình, và làm soi mòn khả năng thách thức sự kiểm soát của chính quyền. Tóm lại, nếu phe đối lập không tẩy chay thì đã thắng cử, và nếu chính quyền Maduro không chịu thoái lui sau kết quả đó thì chính nghĩa lại càng đứng về phe đối lập hơn nữa, và sự can thiệp của quốc tế càng chính đáng hơn.

Nhưng tình hình có vẻ đã thay đổi. Phe đối lập đang ở thế tấn công và hiện đang có nhiều yếu tố thuận lợi mà trước đây chưa hề có được. Theo Harold Trinkunas, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc đại học Stanford, thì phe đối lập đã đạt được bốn yếu tố chiến lược thuận lợi. Một, họ đã vượt qua được tính cố hữu tự phá hoại và bè phái trước đây. Hai, họ đã phát triển được cách tiếp cận mới thành công để vận động những người Venezuela bất mãn chế độ. Ba, họ đã truyền đạt rõ ràng tới lực lượng vũ trang (kể cả quân đội), cánh tay phải của chế độ Maduro, với đảm bảo rằng những tội ác trước đây sẽ được tha thứ nếu phía quân đội ủng hộ sự chuyển tiếp dân chủ. Vào ngày 15 tháng Giêng, Quốc Hội Venezuela đã thông qua luật ân xá để tha tội cho những thành viên của quân đội nào giúp khôi phục lại dân chủ tại nước này. (Và chính Juan Guaido đã cam kết ân xá cho cả Maduro nếu đồng ý từ nhiệm, và quân đội hay bất cứ ai sẵn sàng đứng về phía hiến pháp để phục hồi trật tự dân chủ.) Bốn, đại diện phe đối lập Juan Guaido đã được chính quyền Hoa Kỳ và các nước châu Mỹ Latinh chính thức công nhận, và điều này gửi tín hiệu đến những người còn ủng hộ chế độ Maduro, nhất là phía quân đội, rằng cộng đồng quốc tế đang cam kết để mang lại thay đổi cho Venezuela. (Nghị viện châu Âu đã chính thức công nhận Juan Guaido làm tổng thống lâm thời tự phong hôm 31 tháng Giêng, gây thêm áp lực lên ông Maduro.)

Tóm lại, phe đối lập lần này đã chuẩn bị kỹ càng, đề ra chiến lược đối nội lẫn đối ngoại/quốc tế hẳn hoi, để gia tăng áp lực lên Maduro phải bước xuống. Mấu chốt vấn đề tại Venezuela hiện nay là làm thế nào quân đội Venezuela đứng bên ngoài cuộc đấu tranh chính trị này, không chấp hành lệnh đàn áp của Maduro. Nên nhớ quân đội Venezuela lâu nay là thành phần ít nhiều chịu “ơn” của Chávez và Maduro. Trong khi chính quyền cạn kiệt nguồn lực để duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa, mà phần lớn cũng chỉ đủ khả năng để trả lương giới hạn và chọn lọc cho công chức Venezuela, thì giới quân đội Venezuela vẫn tiếp tục được hưởng lương bổng từ chính quyền Maduro. Họ hiện đang nắm và điều khiển mọi lĩnh vực công tại Venezuela. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thay đổi. Ở đây, các áp lực quốc tế sẽ mang tính quyết định. Hoa Kỳ đã gia tăng áp lực lên Venezuela bằng cách đánh thẳng vào hầu bao của chính quyền Maduro, phương tiện sống còn của chế độ. Theo tạp chí The Economist thì “Hoa Kỳ đã áp đặt mức phạt đối với xuất khẩu dầu và nhập khẩu chất pha loãng cần thiết để đưa ra thị trường dầu nặng. Bằng cách ra lệnh thanh toán dầu từ Venezuela phải được đưa vào tài khoản ngân hàng dành riêng cho chính phủ Guaido, Hoa Kỳ nhắm vào mục đích làm ngạt thở chế độ, với hy vọng rằng các lực lượng vũ trang sẽ chuyển sang ủng hộ ông Guaido.”

Những rủi ro phải cân nhắc

Hoa Kỳ và các nước Nam Mỹ khác chắc chắn không muốn nhìn thấy một khủng hoảng Venezuela. Nếu cuộc đấu tranh chính trị của phe đối lập, đứng đầu là Juan Guaido, kỳ này không thành thì hậu quả để lại sẽ tàn khốc, và sẽ mất một thời gian rất lâu nữa để có một cơ hội khác có đầy đủ các yếu tố thuận lợi như hiện nay. Không thành công kỳ này thì Venezuela sẽ trở thành một nước phá sản toàn diện để rồi hậu quả nội địa lan tràn sang các nước khác và trong vùng.

Do đó Hoa Kỳ và các nước Nam Mỹ phải bằng mọi cách tiếp tục tạo áp lực quốc tế tối đa lên chính quyền Maduro, để cho phía quân đội không dám nghĩ đến, và có nghĩ thì cũng phải cân nhắc và chùng bước, việc đàn áp Guaido, phe đối lập và người dân. Nhưng chiến lược của Hoa Kỳ trong cách ủng hộ Guaido và phe đối lập lần này vô cùng quan trọng. Mạnh mẽ hoặc hung hăng quá, dồn chính quyền và quân đội vào chân tường, thì có thể sẽ có phản ứng. Hoa Kỳ tất nhiên không muốn vấn đề của Venezuela trở thành vấn đề của nước Mỹ, trở thành xung đột giữa Hoa Kỳ và Venezuela, trong khi mục tiêu chính là phục hồi dân chủ tại Venezuela và Nicolás Maduro phải ra đi. Ngược lại, nếu thiếu cứng rắn và chuẩn bị thì các thể chế đã và đang hỗ trợ cho sự tồn tại của chế độ Maduro, nhất là Cuba, Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ tìm các biện pháp đối phó và gây khó khăn cho phe đối lập tại Venezuela.

Nếu điều trên xảy ra, tình thế sẽ trở nên phức tạp, do đó cần tính trước mọi bước để tiên liệu và đối phó hiệu quả. Chẳng hạn, Hoa Kỳ và các quốc gia công nhận Juan Guaido có thái độ nào, và sẽ làm gì cụ thể, để bảo vệ Juan Guaido và các nhân sự đối lập chủ chốt, nếu chính quyền Maduro sử dụng bạo lực để đàn áp?

Vài lời kết

Có rất nhiều điều đáng suy ngẫm và có thể rút tỉa cho công cuộc vận động dân chủ tại Việt Nam nếu quan sát kỹ diễn biến tại Venezuela, mặc dầu có rất nhiều khác biệt giữa hai quốc gia này. Nhưng đây là đề tài cho một dịp khác.

Cuộc biểu tình tại Venezuela ngày 23 tháng Giêng năm 2019 có đến ít nhất là một triệu người. Con số tham dự cuộc biểu tình ngày mai, 2 tháng Hai, ước đoán và hy vọng sẽ còn cao hơn nữa. Juan Guaido và phe đối lập đang có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đại đa số người dân Venezuela. Họ cũng được Hoa Kỳ và phần lớn thế giới công khai ủng hộ chính nghĩa của cuộc đấu tranh này và thực hiện các biện pháp áp lực mạnh mẽ lên chế độ độc tài Maduro. Mục tiêu phục hồi dân chủ tại Venezuela có vẻ đang trở thành hiện thực sau một thời gian dài bế tắc. Rất có thể có những nguy cơ và biến sự làm thay đổi tình thế vào giờ phút cuối, nhưng cũng có nhiều khả năng Nicolás Maduro cuối cùng phải bước xuống và bước ra khỏi Venezuela để cho người dân tại đây được vươn lên làm lại cuộc đời.

Sau cùng chúng ta có quyền hy vọng rằng chính nghĩa sẽ thắng hung tàn, chí nhân sẽ thay cường bạo, và lẽ phải sẽ đánh bại họng súng, lần này.

(Úc Châu, 01/02/2019)

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG