Đường dẫn truy cập

4 nước trong Ủy ban Sông Mekong sẽ chất vấn Trung Quốc


Các chuyên gia cho rằng 11 đập thủy điện đã hoặc đang được xây dựng ở miền nam Trung Quốc đang làm tắc nghẽn dòng chảy của con sông
Các chuyên gia cho rằng 11 đập thủy điện đã hoặc đang được xây dựng ở miền nam Trung Quốc đang làm tắc nghẽn dòng chảy của con sông

Tuần tới, bốn nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vốn bị tác động nặng nề bởi mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục, sẽ chất vấn Trung Quốc, nước bị qui trách nhiệm đã chặn dòng chảy của con sông này bằng các đập thủy điện.

Hãng tin Reuters cho hay Việt Nam, Thái Lan, Lào, và Campuchia, là 4 nước trong Ủy ban Sông Mekong, sẽ cử các nhà lãnh đạo tham dự một cuộc hội nghị thượng đỉnh từ ngày 3 tới ngày 5 tháng Tư ở thị trấn Hua Hin của Thái Lan.

Trung Quốc cũng đã đồng ý tham dự, tuy nhiên theo các giới chức Thái Lan thì không biết họ sẽ cử giới chức cấp nào tới hội nghị này.

Mực nước sông ở 4 nước này đã xuống tới mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ qua, làm ảnh hưởng tới hoạt động nông nghiệp, ngành thủy sản cũng như nguồn nước uống của người dân làng ở dọc dòng sông này.

Các chuyên gia cho rằng 11 đập thủy điện đã hoặc đang được xây dựng ở miền nam Trung Quốc đang làm tắc nghẽn dòng chảy của con sông.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ không chịu tháo nước từ những con đập mới xây của họ.

Ông Somjai Phagaphasvivat, một khoa học gia chính trị tại trường Đại học Thammasat của Thái Lan nhận định rằng ông không thấy có khả năng nào có thể buộc Trung Quốc tháo nước ở những con đập này như các nước ở hạ nguồn mong muốn.

Ông nói thêm rằng Bắc Kinh cũng bị chịu áp lực phải giúp người dân của chính họ trong những vụ hạn hán nghiêm trọng, vốn tác động tới hơn 50 triệu người trên khắp miền tây nam Trung Quốc.

Một số phân tích gia dự báo rằng Trung Quốc sẽ biết cách cân bằng quyền lợi giữa các bên tại cuộc hội nghị thượng đỉnh này và chứng tỏ hình ảnh của một nhà lãnh đạo khu vực bằng cách là một mặt sẽ giữ khả năng kiểm soát dòng nươc ở thượng nguồn, trong khi sẽ cung cấp các khoản tài trợ hoặc trợ giúp về mặt kinh tế cho những nước bị tác động bởi tình trạng hạn hán.

Theo ông Kasemsan Jinnawaso, giới chức cao cấp tại Bộ Môi trường và Tài Nguyên Thiên nhiên của Thái Lan, việc Trung Quốc đồng ý tham dự hội nghị là một dấu hiệu tốt cho thấy Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề này một cách cẩn trọng.

Nguồn: Bloomberg, AFP

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG