Đường dẫn truy cập

Một người vì tất cả! Tất cả vì một người!


Quân đội Mỹ vừa khẳng định thêm một lần nữa, cam kết “Một người vì tất cả! Tất cả vì một người!” vẫn còn giá trị…

Cuối tuần vừa rồi, Air Force Times – một trong những tờ báo của Không quân Mỹ - kể lại một chuyện xảy ra hồi tháng 8…

Một quân nhân Mỹ ở Afghanistan bị trọng thương, các bác sĩ ở Quân y viện tiền phương Craig tại Bagram (căn cứ lớn nhất của quân đội Mỹ tại Afghanistan) nhận định,nếu kịp vận chuyển về Tổng y viện Brooker (quân y viện lớn nhất, hiện đại nhất, nơi tập trung các chuyên gia y tế hàng đầu về nhiều lĩnh vực của quân đội Mỹ) ở San Antonio, Texas - quân nhân này có thể thoát chết…

Vấn đề nan giải là làm sao có thể vận chuyển một đồng đội trong tình trạng “thập tử, nhất sinh” vượt 8.000 dặm (12.800 cây số) trong thời gian ngắn nhất mà vẫn giữ cho anh ta an toàn? Nhiệm vụ này được giao cho Thiếu tá Dan Kudlacz của Không đoàn 436, đóng tại Dover (một căn cứ không quân ở tiểu bang Delaware). Kudlacz sẽ chở một toán 18 chuyên viên y tế bằng C-17 đến Bagram, đón đồng đội bị thương.

Đó là một nhiệm vụ không đơn giản, phi công và các chuyên viên y tế phải tính toán cặn kẽ sao cho mọi thứ thật sự phù hợp với tình trạng của người lính bị thương, thời gian bay, áp suất không khí trong khoang C-17, cả phương tiện – nhân sự hỗ trợ trong suốt hành trình… để kế hoạch đáp ứng yêu cầu: Duy trì sự sống của đồng đội cho đến khi đặt anh ta vào tay các chuyên viên y tế của Tổng Y viện Brooker...

Trong khi Kudlacz bay từ Dover đến Bagram, Quân y viện tiền phương Craig phát thông báo: Một đồng đội cần máu cho chuyến chuyển thương về Mỹ! Chỉ trong vòng 15 phút, nhân viên y tế nhận đủ 100 đơn vị máu cần thiết cho kế hoạch vận chuyển… Đến Bagram, nhận xong thương binh, Kudlacz và phi hành đoàn quay về ngay lập tức. Trên đường, tình trạng sức khỏe của người lính bị thương xấu hơn dự kiến…

Lúc đó, thời gian quí hơn vàng! Mặc dù tiếp nhiên liệu trên không cho các phi cơ tản thương là sai nguyên tắc vì tiếp nhiên liệu trên không thường gây nhiễu loạn nhưng không còn cách nào khác nên Trung tâm Điều động không lực của Không quân Mỹ lần lượt gửi hai phi cơ KC-135 từ MacDill (một căn cứ không quân ở tiểu bang Florida) lên trời, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhiên liệu cho Kudlacz...

Một KC-135 tiếp nhiên liệu khi Kudlacz chạm bờ biển của Anh. Một KC-135 nữa tiếp thêm nhiên liệu khi Kudlacz bay trên khu vực Bangor của tiểu bang Maine. Tổng số nhiên liệu mà hai KC-135 đã bơm cho chiếc C-17 của Kudlacz trên đường từ Afghanistan về San Antonio là 24.000 gallons (90.800 lít)… Sau 20 giờ bay từ Bagram, Kudlaz đáp xuống San Antonio, kịp giao đồng đội bị thương cho các chuyên gia y tế…

Air Force Times bảo rằng, vì phải tôn trọng quyền riêng tư, họ không thể nêu tên, tình trạng thương tật của người lính nhưng họ cho biết, người lính bị trọng thương đã vượt qua tình trạng nguy hiểm và đang hồi phục… Hàng trăm quân nhân thuộc nhiều đơn vị khác nhau của Không quân Mỹ đã thực hiện đúng lời thề của mọi quân nhân Mỹ: Không bỏ rơi đồng đội và bằng mọi giá, mang tất cả về nhà, kể cả khi đồng đội đã chết!

***

Nhiều người Việt biết: “Một người vì tất cả! Tất cả vì một người!” qua tiểu thuyết hoặc phim Ba người lính Ngự lâm (The Three Musketeers) của Alexandre Dumas.

Theo Wikipedia thì “Một người vì tất cả! Tất cả vì một người!”, hay “One for All! All for One” (tiếng Anh), hay “Un pour tous, tous pour un” (tiếng Pháp), hay “Einer für alle, alle für einen” (tiếng Đức), hay “Uno per tutti, tutti per uno” (tiếng Ý), hay “Unus pro omnibus, omnes pro uno” (La tinh),… nổi tiếng ở châu Âu trước khi Ba người lính Ngư lâm (1844) ra đời hơn 200 năm (2).

Năm 1618, khi nổi dậy chống lại những kẻ thống trị xứ Bohemia (Cộng hòa Czech hiện nay), các nhóm phản kháng đã cam kết với nhau: “Một người vì tất cả! Tất cả vì một người!”… Sau trận lụt kinh hoàng hồi cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 1868, “Một người vì tất cả! Tất cả vì một người!” trở thành khẩu hiệu có tính truyền thống ở Thụy Sĩ kể từ đó đến nay.

“Một người vì tất cả! Tất cả vì một người!” và những câu chuyện có liên quan đến việc thực hiện cam kết ấy như câu chuyện đã kể ở phần đầu bài viết này dễ khiến nhiều người Việt… bâng khuâng. Từ sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 trên toàn Việt Nam, hai từ “nhân vị” – nhắc nhở, đề cao vai trò của từng cá nhân, khuyến khích tôn trọng phẩm giá con người trong tương quan với xã hội, quốc gia, nhân loại - không còn chỗ đứng!

Khi “Một người vì tất cả! Tất cả vì một người!” bị xem là ngược chiều với con đường… xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, khi hết thế hệ này đến thế hệ khác chỉ được thúc giục thực thi những khẩu hiệu kiểu như: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên, tại sao trường học, bệnh viện, các công trình phúc lợi công cộng,… rất thiếu nhưng những công thự trị giá trăm tỉ, những trung tâm hành chính trị giá hàng chục ngàn tỉ rất… nhiều! Tại sao dân chúng càng ngày càng đói khổ, nợ nần càng ngày càng cao nhưng đã là công bộc thì không thể thiếu… công xa, chuyên cơ, sức khỏe vẫn phải được chăm sóc tại những cơ sở được xây dựng riêng cho… công bộc, hoặc dùng công quỹ để chữa trị ở nước ngoài, thậm chí chết cũng phải chôn trong những nghĩa trang đã được qui hoạch riêng cho giới của mình!..

Do “tất cả” được dồn vào việc… xây dựng chủ nghĩa xã hội, các cá nhân, kể cả những người hiến sinh mạng của họ cho “cách mạng thành công” cũng chẳng là gì cả, nên cuối tuần vừa qua mới có sự kiện, giới hữu trách “nghi” tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương có gần 3.000 ngôi mộ hoang là chỗ táng… “anh hùng, liệt sĩ” và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương vừa hứa sẽ xác minh sớm (3).

Phải mất 44 năm kể từ ngày “thống nhất đất nước”, tướng Lê Nam Phong, từng là cựu Tư lệnh Sư đoàn 7, mới quay lại khu vực này để… khóc và xác nhận, đơn vị do ông chỉ huy có rất nhiều người chết tại đây! Bởi cá nhân, kể cả cá nhân hữu công cũng chẳng là gì cả cho nên mãi đến bây giờ, ngoài tướng Phong, mới có thêm một số người đứng ra xác nhận: Bộ đội mình hi sinh ở đây không biết bao nhiêu mà kể!.. Do không có ai thèm nhớ nên cách nay mười năm, khi san ủi đất, chủ đầu tư Khu Công nghiệp Bàu Bàng tìm thấy và tự cải táng gần 3.000 bộ hài cốt không quan quách vào hai nghĩa trang trong vùng. Gần 3.000 ngôi mộ chỉ có hài cốt, không có tên ấy tiếp tục làm bạn với cỏ dại, không ai nhang khói thêm mười năm nữa... Sắp tới những ngôi mộ táng những bộ hài cốt mà nơi chôn cất “trùng khớp với địa bàn chiến đấu ngày xưa của Sư đoàn 7” sẽ được… cắt cỏ!

Chú thích

(1) https://www.airforcetimes.com/news/your-air-force/2019/10/05/how-the-air-force-conducted-a-four-day-8000-mile-mission-to-save-one-injured-soldier-in-afghanistan/

(2) https://en.wikipedia.org/wiki/Unus_pro_omnibus,_omnes_pro_uno

(3) https://tuoitre.vn/phat-hien-gan-3-000-mo-vo-danh-hoang-lanh-khoi-huong-khong-ai-coi-soc-20190912081554796.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG