Bộ Thương mại Hoa Kỳ hoãn một quyết định khó khăn về việc có nên nâng cấp Việt Nam lên thành nền kinh tế thị trường hay không cho đến đầu tháng 8 tới, với lý do vì sự gián đoạn về công nghệ thông tin, Reuters dẫn một bản ghi nhớ của Bộ Thương mại Mỹ cho biết hôm 24/7.
Quyết định nâng cấp mà Hà Nội mong đợi từ lâu được dự kiến đưa ra vào ngày 26/7. Việc nâng cấp này bị các nhà sản xuất thép của Hoa Kỳ, những người nuôi tôm và nuôi mật ong ở Bờ Vịnh phản đối, nhưng được các nhà bán lẻ và một số nhóm kinh doanh khác ủng hộ.
Nếu được công nhận quy chế kinh tế thị trường, hàng nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ được giảm thuế chống bán phá giá. Hiện tại, Mỹ xem nước này là một nền kinh tế phi thị trường do chịu ảnh hưởng nặng nề của nhà nước.
Một bản ghi nhớ của Bộ Thương mại đề ngày 24/7 và được Reuters xem, nói rằng “do sự gián đoạn liên tục đối với Bộ Thương mại Hoa Kỳ... các nguồn lực và nền tảng công nghệ thông tin”, nên thời hạn đưa ra quyết định cuối cùng về các vụ kiện chống bán phá giá sẽ được gia hạn “tổng cộng sáu ngày”.
Bản ghi nhớ đã được nộp trong hồ sơ vụ việc công khai của Bộ Thương mại để xem xét tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam. Người phát ngôn của Bộ Thương mại không trả lời yêu cầu cung cấp thêm thông tin về sự trì hoãn này.
Họ cho biết bước này là cần thiết trong bối cảnh công việc bị đình trệ liên quan đến bản cập nhật phần mềm của công ty an ninh mạng CrowdStrike vào tuần trước gây ra tình trạng ngừng hoạt động công nghệ thông tin trên toàn cầu.
Thời hạn ra quyết định ngày 26/7 do Bộ Thương mại ấn định cho trường hợp Việt Nam đã trở nên khó xử sau cái chết của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tuần trước, vì sự kiện này trùng với ngày quốc tang của ông được ấn định vào 26/7.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken lẽ ra sẽ dừng lại ở Việt Nam để dự tang lễ vào ngày 26/7 khi bắt đầu chuyến công du châu Á, nhưng giờ đây ông dự kiến sẽ đến viếng gia đình ông Trọng vào cuối tuần.
Các nhà phân tích cho rằng việc công bố kết quả tiêu cực của cuộc đánh giá Thương mại vào cùng ngày tang lễ của ông có thể gây tổn hại cho mối quan hệ mà Washington đã nỗ lực không kém để thúc đẩy trước sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng với Trung Quốc.
Những người phản đối việc nâng cấp cho Việt Nam - một trong 12 nền kinh tế bị Washington coi là phi thị trường, trong đó có Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Azerbaijan - cho rằng các cam kết chính sách của Hà Nội chưa tương ứng với các hành động cụ thể và nước này vận hành như một nền kinh tế kế hoạch được điều chỉnh bởi các nghị quyết của Đảng cộng sản.
Nhà phân tích Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Inouye có trụ sở tại Hawaii, cho biết đây là một quyết định “đau đớn” đối với chính quyền Biden, do họ đang cạnh tranh muốn lôi kéo Việt Nam và xoa dịu các hoạt động vận động hành lang của ngành lao động và công nghiệp trong nước trong khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11 đang gần kề.
“Cái chết của ông Trọng có thể gây thêm áp lực lên Hoa Kỳ trong việc lôi kéo Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung,” ông Vuving nhận định. “Những ngày đầu tiên của tân lãnh đạo của Việt Nam – có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định hướng đi tương lai của Việt Nam”.
“Quyết định này sẽ phụ thuộc nhiều vào việc liệu mối lo ngại về bầu cử có nặng hơn mối lo ngại về cuộc cạnh tranh quyền lực lớn hay không và liệu Nhà Trắng có muốn tác động đến Bộ Thương mại hay khuyến khích bộ này đưa ra quyết định một cách khách quan hay không”.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Hà Nội năm ngoái, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã quảng bá Việt Nam như một điểm đến “xoay trục sang đối tác thân hữu” để chuyển chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ ra khỏi Trung Quốc.
Diễn đàn