Một giới chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 11/8 cho hay Mỹ sẽ giám sát các hành động ở Biển Đông để theo dõi xem các bước giảm căng thẳng có được thực hiện hay không.
Phát biểu của giới chức không muốn nêu tên do Reuters thuật lại được đưa ra 1 ngày sau khi Trung Quốc kháng cự áp lực của Mỹ muốn kiềm chế các động thái của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tại thượng đỉnh khu vực cuối tuần qua ở Miến Điện quy tụ sự tham dự của 27 nước kể cả Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật, Ấn và Australia, Trung Quốc và vài nước Đông Nam Á đã đáp ứng không mấy tích cực trước đề nghị của Mỹ về việc ngưng các hành động khiêu khích tại các vùng biển có tranh chấp. Đây là một bước lùi đối với các nỗ lực của Washington trong việc ngăn cản các bước gây hấn của Bắc Kinh.
ASEAN hôm qua bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và kêu gọi các cuộc thảo luận tăng cường với Trung Quốc.
Tuy nhiên, thông cáo chung cuộc của cuộc họp ASEAN không đề cập cụ thể tới Trung Quốc và 10 nước Đông Nam Á cũng không đáp ứng lời kêu gọi của Hoa Kỳ và Philippines về việc ngưng các hành động gây hấn như khai hoang lấp biển hay đưa giàn khoan vào khu vực có tranh chấp.
Thông cáo báo chí của ASEAN sau cuộc họp kết thúc ở thủ đô Naypitaw thúc giục các bên liên quan tự chế, tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, gây phương hại hòa bình-ổn định-an ninh Biển Đông và chung quyết Bộ Quy tắc Ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý gồm các thành tố cụ thể để phát huy sự tin cậy lẫn nhau và xoa dịu căng thẳng.
Giới chức cấp cao không nêu tên cho Reuters biết thêm rằng Australia, đồng minh thân cận của Mỹ, hậu thuẫn lời kêu gọi của Hoa Kỳ đưa ra ở thượng đỉnh ASEAN và sau các cuộc thảo luận ở Miến Điện, đôi bên dự định tìm kiếm các hành động kế tiếp bao gồm một cuộc họp tới đây giữa các nước ASEAN với Trung Quốc.
Nguồn tin vừa kể nói rằng bước tức thời tiếp theo là đánh giá cuộc họp ASEAN-Trung Quốc diễn ra trong vài tuần tới nhằm thảo luận lệnh ngưng xây dựng mới sẽ bao gồm các hoạt động cụ thể nào. Vẫn theo giới chức này, Hoa Kỳ sẽ theo dõi tình thình thực tế diễn ra xung quanh các bãi cạn, bãi đá, và bãi san hô ở Biển Đông.
Rời Miến Điện, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên đường sang Australia để thảo luận về hợp tác quốc phòng, an ninh mạng và an ninh hàng hải.
Hai bên sẽ ký thỏa thuận về việc điều động binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tới Australia tham gia các cuộc diễn tập chung và các buổi huấn luyện trong các lĩnh vực bao gồm cứu hộ thiên tai.
Hiện có khoảng 1.150 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ đóng ở Darwin, Bắc Australia, theo thỏa thuận năm 2011 mở ra chính sách ‘xoay trục về Châu Á’ của Tổng thống Barack Obama.
Chính sách này khiến Trung Quốc khó chịu vì Bắc Kinh xem đây là nỗ lực nhằm ngăn cản ảnh hưởng đang lên về ngoại giao, quân sự, và chính trị của Trung Quốc ở khu vực.
Tân Hoa xã của nhà nước Trung Quốc hôm nay tố cáo Mỹ ‘bằng cách châm dầu vào lửa, Washington đang khuyến khích các nước như Việt Nam và Philippines có lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc, làm tăng ngờ vực về ý định thật sự của Mỹ, đồng thời khiến cho một giải pháp hòa giải trong tranh chấp Biển Đông khó lòng đạt được.’
Trước đó 2 ngày, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc tuyên bố tình hình chung ở Biển Đông ổn định, không có vấn đề về tự do hàng hải tại khu vực.
Ông Vương cũng đồng thời nhấn mạnh đến phương thức kép. Qua đó, tranh chấp được giải quyết trực tiếp giữa các nước liên quan thông qua các cuộc tham vấn ôn hòa và thương lượng hữu nghị, đồng thời Trung Quốc và các nước ASEAN có nghĩa vụ cùng nhau giữ gìn hòa bình-ổn định Biển Đông.
Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel, nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc rõ ràng đã tự nói lên tất cả và rằng Mỹ không thay đổi quan điểm giải quyết tranh chấp thông qua luật lệ quốc tế.
Phát biểu với báo giới tại Sydney, ông Hagel nói thêm rằng Hoa Kỳ quyết giữ vững cam kết tái cân bằng lực lượng trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Hoa Kỳ có và sẽ tiếp tục có lợi ích quốc gia trong khu vực vì Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương.